BALAN MIỄN THUẾ THU NHẬP ĐỂ GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG TRẺ

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
31/07/2019 | 11:24
Chuyên mục: Sự kiện châu Âu
0 bình luận
BALAN MIỄN THUẾ THU NHẬP ĐỂ GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG TRẺ

Hãng tin CNN (Mỹ) đưa tin đó chính là nỗ lực của Chính phủ Ba Lan nhằm chống lại vấn nạn chảy máu chất xám nghiêm trọng mà nước này hứng chịu kể từ ngày gia nhập Liên minh châu Âu (EU) 15 năm trước. Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết biện pháp miễn thuế nhằm đem đến những cơ hội mới cho giới trẻ “tương tự những điều sẵn có ở phương Tây”.

Theo đó, công dân Ba Lan dưới 26 tuổi có thu nhập dưới mức 85.528 zloty/năm (tương đương 22.547 USD hay hơn 523 triệu đồng) mỗi năm sẽ không phải nộp thuế thu nhập 18% kể từ ngày 1/8. Sự miễn trừ trên được cho là hào phóng khi trung bình thu nhập của người dân Ba Lan ở dưới mức 60.000 zloty/năm. Chính phủ Ba Lan cho biết sẽ có 2 triệu người đủ tiêu chuẩn nhận quyền lợi trên.

Từ thời điểm Ba Lan cùng 7 nước Trung và Đông Âu khác gia nhập EU năm 2004, công dân của họ được quyền làm việc tại bất kỳ quốc gia nào thuộc khối mà không cần xin giấy phép lao động hoặc thị thực. Khi chất vấn về đạo luật mới trước quốc hội, Thủ tướng Morawiecki cho biết đã có 1,7 triệu người đi khỏi Ba Lan trong 15 năm. “Việc này như thể toàn bộ thành phố Warsaw đã bỏ đi… đó là một mất mát khổng lồ. Tình trạng trên phải kết thúc, người trẻ tuổi phải ở lại Ba Lan”, ông nói thêm. 

Cuộc di dân đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này. "Trong ba hay bốn năm qua, chúng tôi bắt đầu nhận thấy tình trạng thiếu lao đông và nhận ra rằng chúng tôi cần những người đó trở lại", bà Barbara Jancewicz, người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu Kinh tế về Di cư tại Trung tâm Nghiên cứu Di cư ở Warsaw nói.

Cô Kinga Kitowska là một trong số những người rời bỏ Ba Lan. Nhà phân tích doanh nghiệp 22 tuổi này đã đến London học tập rồi ở lại đó sau khi tìm được công việc thù lao hậu hĩnh. Dù cô đánh giá điều luật mới của chính phủ là hào phóng nhưng điều đó vẫn không đủ thuyết phục cô về nước. 

Các chuyên gia nghiên cứu di dân cũng tỏ ra nghi ngờ về chính sách mới trên. “Vấn đề không hoàn toàn là vì tiền bạc”, bà Heather Rolfe, Trưởng nhóm chính sách xã hội và việc làm tại Viện Nghiên cứu Xã hội và Kinh tế Quốc gia – một tổ chức cố vấn chiến lược ở London – cho biết. 

Bà Rolfe giải thích: “Nghiên cứu được tiến hành trong nhóm di dân Ba Lan trẻ tuổi tại Anh đã chỉ rõ rằng nhóm người trẻ tuổi thường có xu hướng di chuyển, họ sẽ rời khỏi gia đình để thể hiện sự độc lập”.

Kitowska đồng ý với điều này. Lương cũng quan trọng song không phải là ưu tiên chính. “Tôi tìm kiến các cơ hội hơn là tiền trong ngắn hạn”, cô cho biết. Công việc cô làm tại London không có ở Ba Lan. Hầu hết các công việc trong lĩnh vực tài chính có thể kiếm được tại London là làm tại văn phòng, đây là dạng công việc “hậu cần” trong hoạt động kinh doanh vì nhân viên không làm việc với khách hàng. “Bạn không có nhiều cơ hội đứng trước bàn làm việc với khoảng không gian mở phía trước”, cô cho biết.

Nước Anh là địa chỉ phổ biến nhất cho người di cư Ba Lan kể từ năm 2004: khoảng 1 triệu người sống trên "quốc đảo sương mù" hiện nay. Mặc dù Ba Lan đã đạt được những tiến bộ về kinh tế trong những năm gần đây nhưng thu nhập ở Anh vẫn cao hơn nhiều. “Dù miễn thuế thu nhập tới 18%, đây là một con số không nhỏ nhưng chênh lệch về thu nhập giữa Ba Lan và Anh vẫn khá lớn”, chuyên gia về di cư Jancewicz nhận định. 

Việc miễn thuế chỉ là một trong nhiều khoản phúc lợi xã hội được cam kết bởi đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS) trước thềm bầu cử châu Âu vào tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, cuộc tổng tuyển cử ở Ba Lan sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Chính phủ cam kết gói trợ cấp xã hội, bao gồm những phúc lợi mới cho các gia đình có con nhỏ và một khoản trợ cấp thêm, trị giá 10 tỷ USD.

Thủ tướng Morawiecki nhấn mạnh chương trình cải cách chính là các khoản đầu tư cho xã hội và kinh tế. Trong khi đảng PiS chiếm đa số ở Quốc hội Ba Lan và có thể dễ dàng thông qua chương trình trợ cấp xã hội trên thì thực tế nó cũng đang mắc phải làn sóng chỉ trích. 

Ryszard Petru, một nghị sỹ của đảng đối lập Hiện thời (Now!) đánh giá giải pháp trên của đảng cầm quyền là “hoàn toàn dân túy dối trá”. Phát biểu trước quốc hội, ông Petru cho rằng giải pháp tốn kém này không giúp người trẻ tuổi sống khả giá hơn mà khiến người lao động giảm lương vì chính phủ giữ nguyên các khoản thu sau thuế. 

Bà Heather Rolfe cho rằng độ tuổi giới hạn là 26 sẽ tước quyền của những người đang sống tại nước ngoài có ý định trở lại Ba Lan. “Thời điểm để những người Ba Lan di cư bắt đầu cân nhắc giữa việc ở lại và trở về đất nước mình thường xảy đến muộn hơn mốc tuổi trên, thường là khi họ quyết định sẽ sinh con, khoảng độ tuổi cuối 20, đầu 30”. 

Tuy nhiên, giải pháp trên sẽ giúp thuyết phục một bộ phận những người đang có ý định rời bỏ đất nước ở lại. Bà Jancewicz khẳng định: “Điều quan trọng hơn đối với những người đang sống tại Ba Lan và vẫn chưa di cư, bởi vì giải pháp thúc đẩy việc làm ổn định và đem lại cho họ lợi ích. Vì vậy, họ có thiên hướng ở lại”.

Thậm chí nếu chính sách này không hiệu quả như mục tiêu đề ra, người Ba Lan sẽ cân nhắc lại về tương lai của họ ở nước Anh. Sự sụt giá của đồng Bảng sau cuộc trưng cầu dân ý đưa nước Anh rời khỏi EU (Brexit) vào năm 2016 đã khiến nhu cầu làm việc tại nước Anh trở nên ít hấp dẫn hơn. 

Việc di cư sang Anh cũng trở nên ít được quan tâm hơn khi các tranh luận về Brexit tập trung nhiều và vấn đề người nhập cư và theo số liệu thống kê của cảnh sát Anh thì hoạt động tội phạm do chống lại người nhập cư gia tăng nhanh chóng sau trưng cầu dân ý. 

Tâm lý băn khoăn về Brexit và chính sách tương lai của nước Anh đối với người nhập cư đã đẩy những người di cư đi xa. Các thống kê chỉ ra rằng hiện tại số người Ba Lan rời khỏi nước Anh lớn hơn số người đến nước này. Chính sách của chính phủ Anh về Brexit và thái độ thiếu thiện chí của người Anh với người di cư sẽ lôi kéo người di cư Ba Lan trở về quê hương hiệu quả hơn rất nhiều so với bất kỳ chính sách miễn thuế nào. 

Nguồn: Hoàng Trang/Báo Tin tức

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan