BÓNG MÂY CHIẾN TRANH LẠNH ĐANG KÉO VỀ CHÂU ÂU

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
31/03/2018 | 17:58
Chuyên mục: Sự kiện châu Âu
0 bình luận
BÓNG MÂY CHIẾN TRANH LẠNH ĐANG KÉO VỀ CHÂU ÂU

Thế giới đã bước sang thiên niên kỷ mới được gần hai thập kỷ và đang bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Bức tường Berlin và „bức rèm thép“ ngăn cách Đông-Tây ở khắp Châu Âu một thời được coi là biểu tượng của Chiến tranh lạnh cũng đã bị sụp đổ. Cùng với nó là sự xuất hiện của giấc mơ về „ngôi nhà chung Châu Âu“, một Châu Âu không biên giới, cùng chia xẻ những giá trị và lợi ích chung. Chủ nghĩa cộng sản và hệ thống các nước theo „chủ nghĩa xã hội hiện thực“ ở Châu Âu đứng đầu là Liên Xô đã không còn nữa. Liên minh Châu Âu EU đã mở rộng đến những nước trước kia thuộc „khối Liên Xô- Đông Âu“ và khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây dương NATO do Mỹ đứng đầu cũng đã triển khai quân đội đến sát biên giới nước Nga. Quan hệ quốc tế không còn bị chi phối bởi ý thức hệ và đấu tranh giai cấp nữa v.v và v.v.

Những tưởng bóng mây đen của Chiến tranh lạnh kéo dài nhiều thập kỷ qua vĩnh viễn không còn quay trở lại nữa, nhất là ở Châu Âu, nơi hơn bẩy thập kỷ qua được sống trong hòa bình và thịnh vượng. Nhưng hóa ra không phải. Nguy cơ quay trở lại thời kỳ băng giá quan hệ đang dần trở lại và đã  khá hiện hữu trong mấy ngày qua.

Một năm ảm đạm của thế giới và Châu Âu

Kể từ Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ thế giới được chứng kiến nhiều biến động về đối nội và đối ngoại của siêu cường thế giới này. Vai trò của Mỹ ở Châu Âu không còn được như cũ khi Mỹ tuyên bố rút dần khỏi trách nhiệm trong NATO và buộc các thành viên châu Âu của NATO phải „tự lo bảo vệ mình“. Với nước láng giềng Mexiko ông Trump muốn dựng lên bức tường khổng lồ để ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép, nhưng trong con mắt của thế giới tiến bộ nó lại là phiên bản khác của „Bức tường Berlin“ bị phương Tây nguyền rủa suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Mới đây nhất TTh Mỹ quyết tuyên chiến với Trung Quốc và mở màn cho cuộc chiến thương mại mới giữa hai thế lực kinh tế hàng đầu thế giới. Châu Âu, nhất là Đức với thặng dư thương mại với Mỹ đạt đến 50 tỷ euro (so với thặng dư của TQ so với Mỹ khoảng gần 100 tỷ USD) chỉ tạm thời được „nương tay“ có lẽ do ông Trump cần tập hợp đồng minh trong cuộc đấu trước mắt với Trung Quốc. Vì thế nên trước khi đi Mỹ trong chuyến đi đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Altmeier đã phải „nhắc nhở“ khéo là hai nước vẫn là đồng minh chứ không phải đối thủ.

Tình hình EU năm qua cũng không sáng sủa là mấy. Mâu thuẫn trong giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tỵ nạn năm 2015/16 để lại nhiều di chứng nặng nề. Về cơ bản „không gian Schengen“ gồm 22 nước EU và 4 nước Châu Âu ngoài EU không còn hiệu lực đầy đủ như trước đó. Nhiều nước EU không chỉ tuyên bố không nhận người tỵ nạn theo phân bổ „cô-ta“ mà còn đóng cửa biên giới hay áp đặt trở lại việc kiểm soát biên giới để ngăn chặn tỵ nạn.Tân Bộ trưởng Nội vụ Đức ông Seehofer thậm chí mới đây còn tuyên bố muốn „tạm đình chỉ hiệu lực“ của Hiệp ước Schengen. Thậm chí Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ kỳ về hợp tác trong vấn đề tỵ nạn cũng dẫm chân tại chỗ. Châu Âu vẫn bị chia rẽ trong quan hệ với Thổ Nhĩ kỳ ngay tại Hội nghị mới đây ở Vác-na (Bun-ga-ri) và hai bên EU và Thổ cũng không đạt được sự thống nhất nào. Các nước thành viên EU ở Đông Âu như Hung-ga-ri và Ba-lan ngày càng chứng tỏ sự bất đồng quan điểm với Đức và các nước khác trong EU trong những vấn đề có tính nguyên tắc như tỵ nạn và nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Thậm chí EU còn tuyên bố có thể xem xét đưa Ba Lan ra Tòa án Châu Âu vì những cải cách Hiến pháp của nước này đi ngược lại nguyên tắc pháp quyền của EU v.v. Thủ tướng Hung ông Viktor Urban có lúc còn bị nhiều nước EU khác cho là „cực hữu“ và có xu hướng „độc tài thân Nga“…  Đúng sai chưa rõ nhưng điều đó cho thấy những vết rạn nứt không hề nhỏ trong nội bộ EU.

Xu hướng thắng thế của các đảng thiên hữu, mị dân ở Đức trong cuộc bầu cử Liên bang tháng 9 năm ngoái và sự thất bại nặng nề của Liên minh Dân chủ thiên chúa giáo CDU và Liên minh xã hội thiên chúa giáo CSU cũng như của Đảng Dân chủ xã hội Đức SPD đã đẩy Đức vào cuộc khủng hoảng chính phủ chưa có tiền lệ. Phải nửa năm sau bầu cử và sau thất bại của cuộc đàm phán lập „Liên minh Gia-mai-ca“ với đảng Dân chủ tự do Đức FDP và Đảng Xanh, bà Merkel mới tái lập được Chính phủ „Đại liên minh“ với SPD. Dư luận thở phào vì sau nửa năm chờ đợi Đức mới lại có một chính phủ thực thụ, nhưng cũng không ít lo ngại cho sự thành công của „Đại liên minh“ vừa mới vừa cũ này.

Mới nhậm chức được có mấy ngày mà Chính phủ mới của Đức đã phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, đó là duy trì sự ổn định của EU, ứng phó với các chính sách thương mại mới của TTh Mỹ, duy trì quan hệ bình thường với Ba lan, Thổ Nhĩ kỳ và cả với Nga. Nhưng dường như lịch sử lại chọn Đức để đối mặt với những rắc rối nội bộ của EU khi „nhân vật ly khai nổi tiếng nhất châu Âu“ Puigdemont, nguyên Thủ hiến Katalonien của Tây Ban nha bị cơ quan tư pháp Đức bắt ngày 25/3 khi vừa từ Đan Mạch vào biên giới Đức. Năm ngoái Thủ tướng Merkel từng tuyên bố khủng hoảng Katalonien là công việc nội bộ của Tây Ban nha và các nước EU chẳng ai muốn bắt giữ ông này. Thậm chí Bỉ còn cho ông này tỵ nạn từ năm ngoái.

Rắc rối tiếp rắc rối khi sự việc liên quan đến cựu điệp viên hai mang của Nga Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh và Mỹ, Canada, Oxtraylia và hàng loạt nước thành viên EU tuyên bố trục xuất đồng loạt 150 nhà ngoại giao Nga. Trong bối cảnh chung đó, để „thể hiện tình đoàn kết với Anh“, ngày 26/3 Bộ Ngoại giao Đức cũng tuyên bố trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga ở Berlin.

Kênh truyền hình ARD tối 26/3 trong chương trình „Tagesthemen“ đã đưa ra câu hỏi „phải chăng chiến tranh lạnh đang quay trở lại?“

Đằng sau câu chuyện „đoàn kết trong EU“

Chẳng phải đến bây giờ khi 17 nước EU đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga để thể hiện „sự đoàn kết với Anh“ (như Ngoại trưởng Đức Maas viết trong Twitter ngày 26/3 khi đang đi thăm Israel), dư luận mới biết về sự…mất đoàn kết trong Liên minh Châu Âu EU. Từ trước đến nay mặc dù là một trong ba thành viên quan trọng nhất của EU (là Đức, Pháp và Anh) nhưng Anh chưa bao giờ gọi là hội nhập với nhóm nước còn lại. Ngay cả việc gia nhập EU trước kia Anh cũng bị coi là „cậu bé bướng bỉnh“ và việc „kết hôn“ cũng là khiên cưỡng nên „ly hôn“ cũng là lẽ đương nhiên. Ngày 23/6/2016 người dân Anh đã bỏ phiếu cho Brexit cũng là ngày giới chính trị Châu Âu đồng loạt cho là tồi tệ nhất đối với Châu Âu, là sự kiện đáng buồn và đáng lo ngại nhất. Thậm chí có tiếng nói đòi sớm xúc tiến thủ tục để tống Anh ra khỏi EU càng sớm càng tốt.

(xem thêm : https://nhtrangblog.wordpress.com/2016/07/04/cuoc-chia-tay-nhieu-cay-dang/https://nhtrangblog.wordpress.com/2016/06/24/ngay-thu-sau-den-toi-doi-voi-lien-minh-chau-au-eu/)

Từ đó đến nay việc đàm phán để Anh rời khỏi EU vẫn chưa đạt được kết quả khả dĩ nào do nội bộ Anh cũng như 27 nước EU còn lại cũng còn chưa thống nhất về việc dành cho Anh quy chế nào sau Brexit. Thủ tướng Cameron phải ra đi và người kế nhiệm ông bà May có lúc tưởng cũng bị mất chức vì không xử lý được mâu thuẫn giữa lợi ích của Anh và lợi ích của EU khi đàm phán Brexit.

Đối với đề xuất của Tổng thống Pháp Marcon về cải cách EU, trong đó nội dung bị phản ứng nhiều nhất từ Đức là về việc có một Bộ trưởng Tài chính EU chung cho cả khối, sẽ không thể triển khai được nếu không có sự ủng hộ và hợp tác của Đức. Nhưng dù cả hai nước lớn duy nhất còn lại trong EU (sau Brexit) có đưa ra một “Road Map” (Lộ trình) cho cải cách EU thì, như Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói “đương nhiên Chính phủ mới của Đức bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp Chính phủ Pháp mà không có mặt chúng tôi, nhưng điều đó không có nghĩa là Hà Lan và các nước EU còn lại cũng phải thấy cái gì người Đức và người Pháp thống nhất cũng là tốt” (Zeit.Online 21.3.2018).

Trong bối cảnh đó thì vụ “Điệp viên hai mang” Skripal đúng là “cơ hội trời cho” để EU thể hiện ra bên ngoài sự thống nhất và che dấu sự rạn nứt khó cứu vãn bên trong. Diễn biến như thế nào thì chúng ta thấy rõ qua hành động tập thể của các nước EU khi ông Tusk tuyên bố ở Vác-na (Bun-ga-ri) trước khi diễn ra cuộc gặp với TTh Erdogan và cùng thời điểm ở thủ đô 14 nước khác cũng đưa ra những tuyên bố tương tự. Đến tối 26/3 có 15 nước EU ra quyết định trục xuất tổng cộng 30 nhà ngoại giao Nga. Một số nước có quan hệ gắn bó với Nga không tham gia chiến dịch này như Bungari, Síp, Malta, Xlovakia hay Áo; một số nước cho biết còn cân nhắc thêm. Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố tại Nghị viện nước này “đây là hành động trục xuất tập thể các nhà ngoại giao Nga lớn nhất trong lịch sử” và “Nước Anh sẽ kề vai sát cánh với EU và NATO để ngăn chặn sự đe dọa này”. Những nước không phải EU như Mỹ, Ca-na-da, Ukraina, Na-uy, An-ba-ni, Mazedonia cũng tham gia.

Tướng Phổ lừng danh Carl Philipp Gottlieb von Clausewitz (1780-1831) từng nói một câu nổi tiếng “Chiến tranh chỉ là sự tiếp nối của chính trị bằng phương tiện khác”. Chừng mực nào đó câu này cũng đúng trong trường hợp “trục xuất tập thể” nói trên của Mỹ, Phương Tây nhằm vào các nhà ngoại giao Nga. Chỉ có điều, chiến tranh lần này là chiến tranh lạnh.

Tại sao lại Nga?

Vụ điệp viên Skripal có lẽ chỉ là cái cớ, vì điệp viên hai mang 66 tuổi này đã bị tòa án ở Nga tuyên án 13 năm tù vào năm 2006 vì tội đã cung cấp danh sách điệp viên Nga cho cơ quan tình báo Anh. Tuy nhiên năm 2010 ông này được sang cư trú ở Anh theo một chương trình trao đổi điệp viên giữa Nga và Anh. Ngày 04/3 vừa qua ông này và con gái được tìm thấy ở thành phố Salisbury miền Nam nước Anh trong tình trạng hôn mê đến nay chưa tỉnh. Cơ quan điều tra Anh cho biết ông bị đầu độc bằng chất độc Nowitschok là loại vũ khí hóa học được sản xuất tại Liên Xô vào những năm 80 thế kỷ trước.

Anh quy trách nhiệm cho Nga đứng đằng sau vụ ám sát này và được nhiều nước phương Tây ủng hộ. Chính phủ Nga ngay lập tức bác bỏ và yêu cầu cung cấp chứng cứ về sự dính líu của Nga. Cho đến nay Anh chưa đưa ra được một bằng chứng nào có sức thuyết phục.

Từ trước đến nay Nga và Phương Tây luôn ở trong tình trạng nghi kỵ lẫn nhau mặc dù hai bên đều cần đến nhau. Châu Âu cần nguồn khí đốt từ Nga và Nga cũng là thị trường lớn của Đức và Châu Âu. Cán cân thương mại hai chiều Nga-Đức năm 2017 đạt trên 40 tỷ USD; Đức là bạn hàng lớn thứ hai của Nga sau TQ. Thâm hụt thương mại Nga và EU nói chung vào tháng 1/2018 là 7,7 tỷ euro do EU nhập từ Nga nhiều hơn là xuất sang đó. Cũng chính vì yếu tố kinh tế nên nhiều nước EU đã từ chối tham gia “trò đánh hội đồng” nhằm vào Nga vì họ không muốn hy sinh lợi ích dân tộc của họ để đánh đổi lấy sự “đoàn kết” trong một tổ chức vốn cũng đang chia rẽ sâu sắc.

Mấy năm qua phương Tây, nhất là Đức có đủ lý do để đổ trách nhiệm cho Nga và quy kết Nga là thủ phạm gây bất ổn ở Châu Âu và trên thế giới: Vai trò của Nga trong chiến tranh ở Syrien khi TTh Putin đứng về phía Chính phủ của TTh Assad, Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Đông Ukraina và nhất là hành động “xâm chiếm” bán đảo Krim cách đây đúng một năm, nghi án can thiệp vào kết quả bầu cử ở Mỹ và tấn công mạng của Bộ Ngoại giao Đức, những hành động mà họ cho là “vi phạm nhân quyền” và “độc diễn” trong bầu cử Tổng thống vừa qua ở Nga v.v. Quan hệ của TTh Putin với chính phủ hiện thời của Đức không còn được như dưới thời của cựu TTg Gerhard Schröder. Nguyên Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel vào cuối nhiệm kỳ cũng đã có nhiều động thái mong muốn khôi phục quan hệ mọi mặt với Nga để đi đến xóa bỏ cấm vận kinh tế nhưng ông cũng đã bị loại khỏi chính trường.

Kể cả về thể thao, có vẻ các nước phương Tây vẫn chưa hài lòng với việc loại đoàn thể thao Nga tại Olymipic mùa đông vừa qua ở Hàn Quốc do nghi án dopping nên họ cũng đang vận động tẩy chay World Cup bóng đá tới tổ chức ở Nga hoặc chí ít tẩy chay không dự lễ khai mạc.

Nói tóm lại, có vẻ EU, NATO và Phương Tây không mong muốn nhìn thấy một nước Nga hùng mạnh có thể trở thành một cực có khả năng chi phối chính trị châu Âu trong khi EU cũng đang cố gắng thống nhất để trở thành một cực trong một thế giới đa cực hiện nay. Mỹ, Trung Quốc, Nga và EU có thể là bốn cực mới của thế kỷ XXI, nhưng Mỹ đang rút lui dần ảnh hưởng của họ, còn EU vẫn đang “phấn đấu” nên họ lo ngại thế giới sẽ do Nga và Trung Quốc chi phối chăng?

Nội bộ EU và Đức chia rẽ

Bên cạnh thái độ cứng rắn của Chính phủ Đức thể hiện qua tuyên bố của TTg Merkel và quyết định trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas, nhiều chính trị gia trong liên minh cầm quyền cũng lên tiếng ủng hộ quyết định này. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Nghị viện Đức Röttgen nói “có nhiều căn cứ cho thấy Nga có liên quan và cũng chính vì thế nên Nga có nghĩa vụ phải hợp tác xác minh vụ việc. Đức và không một nước nào được phép trung lập”. Tuy vậy ông Röttgen cũng yêu cầu Đức cần giữ vai trò cầu nối với Nga như cách làm của Áo.

Thomas Oppermann, Phó Chủ tịch Quốc hội Đức cho rằng “Hành động sử dụng hóa học ở London là một tội ác nghiêm trọng. Nếu chứng minh được là nước Nga có liên quan thì việc trục xuất các nhà ngoại giao là chưa đủ. Nhưng chừng nào chưa chứng minh được thì việc buộc số lượng lớn các nhà ngoại giao về nước là điều vô nghĩa”. Nguyên Thủ hiến Brandenburg và Chủ tịch SPD Platzeck nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ tốt đẹp với Nga và lo ngại về “nguy cơ chiến tranh”. Theo ông “trong quan hệ chúng ta cần trở lại đối thoại và đi vào thực chất”.

Ông Günter Verheugen, nguyên Cao ủy EU và cố vấn đối ngoại của nhiều đời Thủ tướng Đức bầy tỏ quan điểm “Về nguyên tắc các biện pháp trừng phạt cần dựa trên chứng cứ chứ không dựa trên sự phỏng đoán. Lập luận trong vụ này khiến tôi liên tưởng đến việc luận tội theo kiểu “không thể chứng minh bị cáo phạm tội, nhưng cho rằng bị cáo có khả năng làm việc đó”. Cái cách ứng xử cho rằng trong trường hợp nghi ngờ thì đổ hết cho Putin và người Nga phải chịu trách nhiệm, đầu độc cách suy nghĩ và vì vì thế phải chấm dứt ngay”.

Ông Jürgen Trittin (Đảng Xanh), Chủ tịch nhóm nghị sĩ Đức-Nga phê phán quyết định của Chính phủ vì “thật thiếu suy nghĩ khi chưa có chứng cứ vững chắc chỉ dựa trên phỏng đoán mà ứng xử với Nga như thế và đẩy vào thế của một cuộc chiến tranh lạnh mới. Kết cục Phương Tây chẳng được lợi lộc gì ở đây vì chắc chắn Nga sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Phương Tây và làm ngưng trệ mọi kênh đối thoại với Moscow”.

Trong Ủy ban đối ngoại Quốc hội Đức cũng có nhiều ý kiến bầy tỏ không đồng tình với hành động mà họ cho là “vội vàng” của chính phủ các nước EU khi đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Nghị sĩ Nils Schmid nói tại buổi điều trần “Cần thiết là một mặt biểu thị sự đoàn kết với Anh, nhưng mặt khác cũng cho thấy thực tế EU thiếu thống nhất”. Thủ tướng Anh May bị cho là đang yếu thế ở trong nước và muốn lợi dụng sự cố đối ngoại này để lấy lại uy tín đã mất. Đó cũng chính là điều mà dư luận cũng lo ngại vì cho rằng như vậy không chỉ Đức mà nhiều đồng minh khác trong EU và NATO bị cuốn vào vòng xoay nghi kỵ với Nga.

Chiến tranh lạnh dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều gây những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế của mỗi nước và trước hết nó càng khoét sâu mâu thuẫn giữa các dân tộc châu Âu đang muốn xây dựng một Châu Âu hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Với kinh nghiệm xương máu của mình trong lịch sử, người Đức hiểu rõ hơn ai hết về điều đó và chắc chắn có những bước đi phù hợp nhất để xua tan đám mây đen của một cuộc chiến tranh lạnh mới đang đến rất gần./.

Nguồn: Nguyễn Hữu Tráng - Berlin, ngày 28 tháng 3 năm 2018

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan