CHÂU ÂU CHẤM DỨT MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH PHÚC LỢI DÀNH CHO NGƯỜI TỊ NẠN UKRAINE

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
28/05/2022 | 19:13
Chuyên mục: Sự kiện châu Âu
0 bình luận
CHÂU ÂU CHẤM DỨT MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH PHÚC LỢI DÀNH CHO NGƯỜI TỊ NẠN UKRAINE

Một số chương trình phúc lợi, hỗ trợ người tị nạn Ukraine tại châu Âu sẽ hết hạn vào tháng tới.

Ngày 27/5, hãng tin RT (Nga) đưa tin một số chương trình phúc lợi, hỗ trợ người tị nạn Ukraine tại châu Âu sẽ hết hiệu lực từ tháng tới. Hàng triệu người Ukraine đã chạy lánh nạn sang phía Tây từ cuối tháng 2, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này ngày 24/2.

Thời gian đầu, các nước phương Tây nồng nhiệt chào đón, tiếp nhận và hỗ trợ những người tị nạn Ukraine, song nay người Ukraine đang cảm thấy những hỗ trợ này giảm dần, ít nhất là khi đề cập tới đến những lợi ích mà nước chủ nhà dành cho họ.

Giờ đây, các quốc gia châu Âu đang quyết định xem họ muốn chi bao nhiêu cho người tị nạn Ukraine, và một số chương trình miễn phí được cung cấp trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột sắp hết hạn.

Không còn sử dụng phương tiện giao thông miễn phí

Từ đầu tháng 6, Công ty đường sắt Deutsche Bahn của Đức sẽ không còn cung cấp các vé tàu miễn phí cho bất kỳ người nào sở hữu hộ chiếu Ukraine nữa. Hồi tháng 3, công ty đường sắt độc quyền này của Đức đã cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí cho những người mang hộ chiếu Ukraine đi đến các thành phố lớn của Đức như Berlin, Dresden, Nuremberg và Munich... Công ty cũng phát hành một kiểu vé gọi là "Helpukraine Tickets" (tạm dịch: Vé Giúp đỡ Ukraine), theo đó miễn phí dịch vụ cho những người Ukraine có nhu cầu.

Dù những người tị nạn Ukraine mới đến vẫn sẽ được hưởng dịch vụ đi lại miễn phí, song các vé miễn phí sẽ bị bãi bỏ. Chính phủ Đức cho biết những người Ukraine gặp khó khăn sẽ nhận được trợ cấp xã hội bắt đầu từ tháng 6. Vì vậy, việc kết thúc chương trình hỗ trợ nói trên sẽ không hạn chế quá nhiều khả năng di chuyển của họ, vì người tị nạn Ukraine sắp tới có thể mua vé hàng tháng với mức giá chung 9 Euro (9,65 USD) để sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Đức chỉ là một trong số các quốc gia châu Âu quyết định không tiếp tục cung cấp vé miễn phí cho công dân Ukraine. Bulgaria, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Thụy Sĩ cũng đưa ra những quyết định tương tự. Ba Lan duy trì một số ngoại lệ, khi nước này quyết định sẽ giữ lại một số chuyến tàu miễn phí cho những người Ukraine ở diện ưu tiên, như người cao tuổi và người khuyết tật.

Dịch vụ nghỉ khách sạn

Có thông tin cho rằng các địa điểm nghỉ mát nổi tiếng đang lên kế hoạch di dời hàng nghìn người tị nạn Ukraine, những người trước đó được cung cấp chỗ ở tại các khách sạn ven biển. Như ở Tây Ban Nha, khi nước này bước vào mùa du lịch, người tị nạn Ukraine cần phải trả lại phòng để khách sạn cho các du khách trả phí thuê, vì một số du khách đã đặt phòng từ nhiều tháng trước. Theo tờ El Pais, có tới 12.000 người đang đối mặt với việc phải di dời.

Theo Đài phát thanh Bulgaria, tình trạng này không khác mấy tại quốc gia Đông Nam Âu này, nơi bắt đầu từ tháng tới chỉ có ba khách sạn tại khu nghỉ mát Sunny Beach nổi tiếng vẫn sẽ tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Khoảng 38.000 người đã được yêu cầu rời khỏi “các ngôi nhà tạm thời” này trước cuối tháng 5.

Cắt giảm phúc lợi

Một số nước chủ nhà cũng đang giảm khoản tiền trợ cấp dành cho người tị nạn Ukraine. Tại Bulgaria, mức trợ cấp mỗi ngày sẽ giảm từ mức khoảng 22 USD/người xuống còn 8 USD/người từ tháng tới.

Cộng hòa Séc sẽ không còn cung cấp khoản phúc lợi nghiễm nhiên 217 USD/tháng chu kỳ 5 tháng đối với công dân Ukraine. Chính phủ Séc sẽ khấu trừ chi phí nhà ở miễn phí từ khoản thanh toán của tháng đầu tiên, đồng thời yêu cầu người xin phúc lợi phải cung cấp được bằng chứng trong những tháng tiếp theo. Nhà chức trách CH Séc đang khuyến khích người Ukraine tìm kiếm việc làm hoặc có nguy cơ để mất các phúc lợi xã hội.

Phạm tội bắt nguồn từ phúc lợi

Trong một số trường hợp, việc hỗ trợ mà người tị nạn Ukraine ở các nước châu Âu khiến họ đối mặt với các nhóm tội phạm địa phương. Tuần qua, ông Stanimir Stanev, một quan chức cảnh sát cấp cao của Bulgaria, tiết lộ trong một báo cáo trước quốc hội nước này rằng những chiếc xe ô tô từ Ukraine đang trở thành mục tiêu của những tên trộm. Chúng có thể đánh cắp các biển số xe của người tị nạn Ukraine, do chính sách của chính phủ nước này không thu phí đường bộ và phí đỗ xe đối với người tị nạn, và một số kẻ lừa đảo đang lợi dụng điều này bằng cách thay biển số xe của chúng bằng các biển số xe Ukraine ăn cắp.

Tuy nhiên, không phải mọi chương trình phúc lợi, hỗ trợ người tị nạn Ukraine đều kết thúc. Hãng thông tấn Séc (CTK) ngày 3/5 đưa tin đại diện hàng chục quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) cung cấp thêm tài chính để giúp giải quyết vấn đề người tị nạn từ Ukraine.

Trong bức thư chung gửi Uỷ ban châu Âu, các quốc gia trên, trong đó có Cộng hòa Séc, đã đề xuất EU sử dụng các khoản dự trữ bất thường từ ngân sách hoặc EC cần linh hoạt hơn trong việc quản lý ngân sách trợ cấp quốc gia trong các quỹ liên kết. Bức thư có chữ ký của đại diện các chính phủ Séc, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Croatia.

Trước đó, ngày 29/4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này và CH Séc đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) thiết lập thêm những nguồn tài chính mới nhằm tạo điều kiện cho hai nước hỗ trợ dòng người tị nạn từ Ukraine. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Morawiecki nêu rõ: "Chúng tôi (Ba Lan và CH Séc) đã nhất trí gửi kiến nghị lên Ủy ban châu Âu, yêu cầu cơ quan này lập thêm các quỹ mới để hỗ trợ những người tị nạn chạy trốn xung đột".

Kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine, đã có trên 5,5 triệu người tị nạn từ Ukraine di chuyển tới các quốc gia EU, chủ yếu là Ba Lan và các nước Đông Âu. EC cho phép các quốc gia thành viên EU sử dụng khoản tiền tồn trong giai đoạn thực hiện Chương trình hỗ trợ 2014-2020 để đối phó với làn sóng tị nạn này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phát triển Khu vực của CH Séc Ivan Bastos, riêng đối với Séc, nguồn ngân sách do EU hỗ trợ là chưa đủ do nước này đã sử dụng gần hết số tiền được cấp, trong khi số còn lại không thể huy động do các điều khoản ràng buộc mang tính phức tạp và ngặt nghèo.

Nguồn: Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >