CHỊ ISABELLE MÜLLER VÀ TẤM LÒNG THƠM THẢO VỚI TRẺ EM VIỆT NAM

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
14/03/2018 | 02:56
Chuyên mục: Sự kiện cộng đồng
0 bình luận
CHỊ ISABELLE MÜLLER VÀ TẤM LÒNG THƠM THẢO VỚI TRẺ EM VIỆT NAM

Tôi nghĩ sự gặp gỡ với chị Müller như một cơ duyên. Nhớ lại khi chị đến Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, hình như chúng tôi đã hiểu nhau ngay từ lần gặp đầu tiên đó; chẳng câu nệ nghi lễ ngoại giao, cũng chẳng có sự “khách sáo” chuẩn mực Đức, chúng tôi đã gọi nhau bằng tên riêng cuối cuộc nói chuyện với nhân xưng “Du” và “Ich” như chị em chân thành, thân thiết, tin cậy từ lâu.

Cũng tại cuộc nói chuyện đầu tiên đó, tôi được nghe chị kể về cuộc đời của mẹ chị và bản thân chị. Tôi như nhìn thấy trong đôi mặt nâu to tròn rất châu Âu ấy, niềm tự hào, sự ảnh hưởng của người mẹ Việt, với ý chí kiên cường, sẵn sàng đối đầu với khó khăn và thách thức, bất chấp khó khăn để bảo vệ và nuôi dưỡng con mình. Nhưng trên hết tôi thấy được tình yêu của chị đối với mẹ. Tôi thấy mình được chị tin tưởng và gửi gắm những tâm sự riêng, thấy được trách nhiệm gắn kết, phát triển quan hệ Việt-Đức nói chung và tình cảm đón người chị em ở xa trở về, để góp phần thực hiện những ước muốn làm được điều gì đó cho quê mẹ. 

Kể từ ngày đó chị thường xuyên được mời tham dự những hoạt động do Đại sứ quán ta tổ chức như Tết cổ truyền, Quốc khánh 2 tháng 9 hay những dịp có đoàn cấp cao từ trong nước sang. Mặc dù nhìn bề ngoài đó ai cũng tin chị là một trong số những bạn bè Đức gắn bó và có tình cảm với Việt Nam chứ ít người nghĩ chị cũng mang trong mình dòng máu Việt. Chỉ khi nghe chị kể về mình mới biết chị có mẹ Việt Nam, cha người Pháp và chị yêu Việt Nam quê mẹ, cũng như nước Pháp quê cha và nước Đức quê hương chồng chị cũng là nơi gia đình chị đang sinh sống. Chị nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, nhưng tiếng Việt của mẹ lại không. Đó vừa là nỗi buồn của chị, nhưng đồng thời cũng là động lực để chị ngay từ rất sớm đã tìm hiểu về quê mẹ, ghi chép những câu chuyện mẹ kể, khi thì bằng tiếng Việt, lúc lại bằng tiếng thứ tiếng Pháp của một người phụ nữ Việt theo chồng sang sinh sống ở nơi đất lạ. Và cũng từ đó câu chuyện của chị Mueller về gia đình, đặc biệt về người mẹ Việt của chị thu hút sự quan tâm của nhiều người Việt đang sinh sống tại Đức và cả sự quan tâm của chúng tôi.

Câu chuyện về mẹ chị mà chị gọi là LOAN do mẹ chị kể và được chị ghi lại, mô tả cả một thời gian dài lịch sử của đất nước Việt Nam sau khi thực dân Pháp thực hiện xong chính sách khai thác thuộc địa và bước vào thời kỳ đen tối nhất của trang lịch sử quan hệ Việt - Pháp. Nhưng đó cũng là câu chuyện về một người phụ nữ Việt Nam không bình thường như chính bà thừa nhận. Cuộc đời của bà có thể giống như hàng vạn, hàng triệu thân phận người phụ nữ Việt Nam sống dưới cái ách tam tòng tứ đức của lễ giáo phong kiến đè nặng hàng ngàn năm và nhất là trong giai đoạn nửa phong kiến nửa thực dân của xã hội Việt Nam khi đó. Nếu như chị Dậu của Ngô Tất Tố trong tiểu thuyết nổi tiếng Tắt đèn cam phận và chỉ phản ứng khi đã đến bước đường cùng, thì khi còn rất trẻ bà LOAN đã phản ứng lại và tìm giải pháp đối đầu với khó khăn, với sự áp đặt thay vì chấp nhận chúng. Vì thế nên con đường mà bà đã đi trải dài từ Hải phòng, đến miền núi cao phía Bắc, miền Trung và miền Nam rồi đến tận nước Pháp và thuộc địa xa xôi của Pháp như An-ge-ri. Chúng ta có thể thấy qua những trang sách của chị Müller trong cuốn tiểu thuyết xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức và được nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh phát hành đầu năm Mậu Tuất này qua bản dịch xuất sắc của Tiến sĩ văn chương Trương Hồng Quang hiện đang sinh sống và làm việc tại Berlin.

Quay trở lại với chị Müller. Chị vốn từng làm nghề phiên dịch, biên dịch và viết văn. Nhiều tiểu thuyết của chị đã được xuất bản, phát hành ở Đức, qua cả hệ thống sách của Amazon. Chị may mắn được người chồng Đức hết sức ủng hộ việc tìm về cội nguồn của gia đình mình. Hơn thế nữa anh còn đồng hành cùng chị trong những chuyến đi về nguồn đó, tạo điều kiện để chị có thể yên tâm theo đuổi sự nghiệp văn chương của mình. Chị Müller kể, trong gia đình chị, hai con gái ngay từ bé cho đến nay đã trưởng thành đều được giáo dục theo truyền thống nhiều nền văn hóa khác nhau và cũng chính vì thế nên con cái họ đều quan tâm đến lịch sử văn hóa Á đông và nhất là Việt Nam.

Sau khi cuốn LOAN được danh hiệu Bestseller Award trên hệ thống phát hành của Amazon, chị đau đáu muốn làm điều gì đó cho quê mẹ và nhờ Đại sứ ta giới thiệu, vì chị tâm niệm dù mình chỉ mang trong mình nửa dòng máu Việt thì mình cũng là người Việt. Chị muốn giúp đỡ cho học sinh nghèo, những trẻ em bị thiệt thòi trong nước nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Cũng thật may mắn năm 2015 tại buổi Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt – Đức và cũng là năm tôi kết thúc nhiệm kỳ công tác của mình đã kịp giới thiệu chị với Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng, người mới sang làm công tác thương mại ở ĐSQ để tiếp tục giúp kết nối chị với quê hương. Năm 2016, qua sự giúp đỡ của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Sở ngoại vụ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng chị Müller đã đi khảo sát các trường ở vùng cao biên giới và chọn giúp ở những nơi mà những nhà hảo tâm, nhà từ thiện khác không đến do ngại đường xa, núi cao. Để có thể có nhiều nguồn tài trợ khác ngoài những đóng góp của cá nhân và gia đình, chị đã cùng những người bạn cùng chí hướng thành lập Quỹ LOAN.

Sau hơn một năm hoạt động, Quỹ LOAN đã góp phần xây dựng nhiều nhà ở, bếp, khu vệ sinh cho học sinh miền núi cao Hà Giang và Cao Bằng. Hơn thế nữa, Quỹ LOAN còn cấp học bổng hàng tháng cho những trẻ em nghèo hiếu học ở những nơi này để các em không phải rời bỏ giấc mơ đến trường chỉ vì gia đình quá nghèo. Mùa đông 2017/18 vừa qua khi chứng kiến cái rét cắt da cắt thịt ở Đồng Văn, Mèo Vạc, chị Müller và Quỹ LOAN đã kêu gọi lòng từ tâm của những người đồng hương bên Đức để có thể gửi về Việt Nam những gói quà đầy ý nghĩa, đó là những tấm chăn, áo ấm, những mũ len, khăn len gửi gắm vào đó tất cả tình yêu thương cho học sinh vùng cao. Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ mặt ửng đỏ vì lạnh nhưng với nụ cười rạng rỡ trên môi khi nhận những món quà đầy tình nghĩa đó chúng tôi cũng vui lây với niềm vui mà Quỹ LOAN mang đến cho trẻ em quê nhà và thấy được những tình cảm thân thương đó vượt muôn trùng xa cách để đến với các em ở vùng cao. 

Với những hoạt động tình nghĩa ấy trong một thời gian khá ngắn, Quỹ LOAN nhận được sự đánh giá và cảm ơn của chính quyền địa phương Hà Giang, Cao Bằng cũng như của nhà trường và học sinh nơi đây. Năm 2017, Quỹ LOAN có kế hoạch hợp tác với Quỹ học bổng Vừ A Dính do nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa làm Chủ tịch để mở rộng hoạt động ra những địa phương khác.

Tất tả ngược xuôi đi lại giữa Việt Nam và Đức bây giờ là chương trình nghị sự hàng ngày của chị Müller và đồng nghiệp trong Quỹ LOAN. Mỗi lần gặp chị ở Đức là chị lại thông báo về một hoạt động hay kế hoạch mới. Lần gặp mới nhất tại Berlin là buổi chị giới thiệu cuốn LOAN tại văn phòng Hội người Việt Nam ở Berlin Brandenburg do hội này phối hợp với hội hữu nghị Đức Việt đứng ra tổ chức. Hoạt động này thu hút sự quan tâm của bạn bè Đức và đặc biệt của cộng đồng người Việt trong đó có cả những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Đức. Thế hệ con lai ở nước ngoài không phải người nào cũng thành công và đặc biệt không phải người nào cũng tha thiết tìm về cội nguồn và tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của mình. Chính vì thế chúng tôi trân trọng tấm lòng của chị đối với Việt Nam. Việt Nam đối với chị Müller ban đầu chỉ là một khái niệm trìu tượng qua lời kể của mẹ, nhưng nay đã là những nụ cười trẻ thơ trên vùng cao, là niềm vui mỗi khi một ngôi nhà được dựng lên cho các cháu có chỗ ăn học. Niềm vui đó nay được nhân rộng, lan tỏa qua những hoạt động có ý nghĩa ở quê nhà và niềm vui đó chắc cũng sẽ đến được với cộng đồng người Việt Nam tại Đức. 

Cảm ơn chị Müller và Quỹ LOAN, cũng như những người bạn Đức đã ngày đêm vun trồng cho cây hữu nghị Việt – Đức ngày thêm đâm trồi nẩy lộc và mang đến cho trẻ em vùng cao, những trẻ em thiệt thòi niềm vui, tiếng cười và thực hiện khát vọng đến trường./.

Hà Nội, tháng 2 năm 2018
(Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại CHLB Đức và Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng, Tham tán công sứ thương mại tại CHLB Đức) 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan