CHUYÊN GIA CẢNH BÁO THẾ GIỚI CHƯA SẴN SÀNG ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG ĐẠI DỊCH MỚI

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
18/05/2022 | 22:15
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
CHUYÊN GIA CẢNH BÁO THẾ GIỚI CHƯA SẴN SÀNG ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG ĐẠI DỊCH MỚI

Những nỗ lực cải cách toàn cầu nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa dịch bệnh mới trong tương lai vẫn còn chậm chạm và rời rạc, khiến thế giới vẫn ở trạng thái chưa sẵn sàng giống như lúc dịch COVID-19 mới bùng phát. Đây là cảnh báo một ủy ban chuyên gia độc lập trong báo cáo công bố ngày 18/5.

Cách đây một năm, Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch, do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf làm đồng Chủ tịch, đã nộp báo cáo lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó nhấn mạnh việc phối hợp kém và đưa ra quyết định sai lầm đã tạo điều kiện cho đại dịch COVID-19 lan rộng. Vào thời điểm đó, ủy ban đã vạch ra loạt biện pháp nhằm vượt qua dịch COVID-19 và đảm bảo rằng thế giới có thể chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những mối đe dọa trong tương lai.

Báo cáo đánh giá sau một năm cho rằng thế giới vẫn đang hành động một cách rời rạc, điều này đang tạo tiền đề cho một đại dịch khác. Phát biểu với báo giới, bà Clark khẳng định nhìn chung thế giới vẫn sử dụng những công cụ và hệ thống tồn tại từ tháng 12/2019 để ứng phó với nguy cơ đại dịch. Theo bà, những công cụ này là không đủ.

Mặt khác, bà cũng đánh giá cao công tác cải cách ở cấp độ toàn cầu để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra đại dịch mới, với nhiều cơ chế mới được thiết lập sau khi COVID-19 bùng phát, giúp phân phối khoảng 1,5 tỷ liều vaccine tới những nước nghèo, cùng với những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vaccine và thuốc kháng virus. Các bên hiện đang hướng tới một thỏa thuận nhằm đảm bảo nguồn ngân sách an toàn và linh hoạt cho WHO, trong khi các kế hoạch thiết lập quỹ ứng phó đại dịch đang được định hình. Những thay đổi của Quy định Y tế quốc tế cũng đang được xem xét. Các bên đang trong quá trình đàm phán hướng tới một công cụ pháp lý mới, chẳng hạn như một hiệp ước hoặc một hình thức thỏa thuận khác, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu trong công tác chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Tuy nhiên, bà Clark cảnh báo những sự thay đổi này diễn ra rất chậm. Những thay đổi về ngân sách của WHO là một ví dụ điển hình khi khó lòng có thể triển khai đầy đủ trong gần một thập kỷ. Theo bà, với tốc độ triển khai như hiện nay, sẽ phải mất nhiều năm nữa, thế giới mới có một hệ thống ứng phó hiệu quả, trong khi nguy cơ đại dịch vẫn luôn rình rập mọi lúc. Nếu đại dịch mới xuất hiện trong năm nay hoặc năm sau, phần lớn thế giới vẫn chưa sẵn sàng đối mặt giống như hồi tháng 12/2019.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành. Bà Clark nêu rõ kể từ khi ủy ban trên trình báo cáo cách đây một năm, thế giới đã ghi nhận thêm 2,8 triệu ca tử vong do COVID-19 và chắc chắn con số này chưa phải thống kê đầy đủ. Trong bối cảnh các nỗ lực chính trị nhằm đối phó các làn sóng dịch bệnh mới đang giảm dần cường độ, bà nhấn mạnh đây chưa phải là thời điểm có thể chủ quan do đại dịch vẫn chưa kết thúc.

Bác sĩ Joanne Liu, cựu thành viên ủy ban trên và từng tham gia điều hành tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới (MSF), đã chỉ trích những thất bại trong việc đảm bảo quyền tiếp cận vaccine và những công cụ giúp chấm dứt đại dịch một cách công bằng. Bà Liu cho rằng mặc dù thế giới đã bào chế vaccine được hơn một năm nay, song vẫn còn 2,8 tỷ người đang đợi tiêm phòng. Điều này đã phản ánh tình trạng bất bình đẳng trong công tác ứng phó dịch bệnh.

Nguồn: Đặng Ánh (TTXVN) - Ảnh bìa THX/TTXVN: Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Thượng Hải, Trung Quốc. 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >