CƠ HỘI & THÁCH THỨC CỦA HÀ TĨNH TRONG HỢP TÁC VỚI CHLB ĐỨC

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
05/04/2018 | 01:21
Chuyên mục: Kết nối kinh tế
0 bình luận
CƠ HỘI & THÁCH THỨC CỦA HÀ TĨNH TRONG HỢP TÁC VỚI CHLB ĐỨC

Cách đây hơn một năm, Hà Tĩnh còn là địa danh không mấy người Đức biết đến. ”Lỗi“ này không thuộc về người Hà Tĩnh mà nó nằm trong bức tranh chung của hợp tác Việt - Đức nói chung và đầu tư từ Đức vào Việt Nam nói riêng.

Tiềm năng và cơ hội rất lớn...

Hà Tĩnh nằm trong khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung, được quan tâm đầu tư hạ tầng với các khu kinh tế (Vũng Áng, Cầu Treo), khu công nghiệp đạt chuẩn, các cảng biển nước sâu (Vũng Áng, Sơn Dương) có thể đón tàu hàng lớn của nước ngoài.

Hà Tĩnh cũng được đầu tư thành trung tâm bảo đảm an toàn mạng lưới điện quốc gia cho khu vực miền Trung.

Về giao thông liên lạc, Hà Tĩnh nằm trên trục quốc lộ số một và đường Hồ Chí Minh xuyên tâm, có đường biên và cửa khẩu quốc tế với Lào, từ đó đi Campuchia và Thái Lan, có hàng trăm cây số bờ biển nằm sát hành lang giao thông qua Biển Đông.

Khu kinh tế Vũng Áng - “thỏi nam châm” thu hút đầu tư của Hà Tĩnh. Ảnh Phúc Quang

Cũng giống như nhiều địa phương khác, tiềm năng con người của Hà Tĩnh rất to lớn và là nguồn tài sản vô giá cho phát triển kinh tế, xã hội. Người miền Trung nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng vốn chịu thương, chịu khó. Cũng do hoàn cảnh khó khăn từ thiên tai, địch họa những năm trước đây cũng như khó khăn kiếm việc làm tại chỗ hiện nay nên nhiều thanh niên nam nữ đang ở độ tuổi sung sức nếu không đi học được thì cũng đi tìm việc khắp nơi trong nước hay sang cả Lào và Thái Lan. Vì vậy, nếu tìm được việc làm tại quê hương thì họ sẵn sàng ở lại và góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế ở địa phương...

Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Tuy nhiều tiềm năng nhưng nếu không có "bà đỡ", không có những cơ hội để kết nối thì Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương nghèo trên cả nước sẽ khó có điều kiện vươn sang Đức hay chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp Đức đến với mình. "Cơ duyên“ đó chính là sự kết nối ban đầu của một số anh chị em doanh nghiệp người Việt ở Đức với doanh nghiệp Đức dẫn đến sự ra đời của Khu công nghiệp Việt - Đức (GVIP) vào cuối năm 2016, là khu công nghiệp đầu tiên dành riêng cho đầu tư từ Đức.

Nhân chuyến thăm Đức tháng 7/2017 dự Diễn đàn G20 theo lời mời của Chính phủ Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu Chính phủ ta và Bộ trưởng kinh tế Đức đã chứng kiến Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh trao quyết định thành lập GVIP cho nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng đoàn đại biểu Hà Tĩnh tham quan gian hàng giới thiệu đặc sản vùng của thành phố Togerlow trong khuôn khổ chuyến công tác tại CHLB Đức.

Cũng nhân dịp này, đoàn Hà Tĩnh cũng đã trao đổi hợp tác với Bộ trưởng Kinh tế, Y tế và Lao động bang Mecklenburg - Vorpommern (MV) - ông Harry Glawe, thăm thành phố Torgelow, ký Ý định thư hợp tác với bang MV và Tập đoàn ME-LE chuyên lĩnh vực năng lượng sinh khối (biogas). Hai bên bày tỏ mong muốn duy trì và tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới kết nghĩa giữa bang MV với tỉnh Hà Tĩnh, giữa Torgelow với thành phố Hà Tĩnh.

Trong năm qua, chuyên gia của ME - LE đã sang Hà Tĩnh khảo sát để triển khai dự án hợp tác về xử lý rác thải sinh hoạt và trong chăn nuôi để biến thành năng lượng phục vụ dân sinh (điện, khí đốt v.v...). Đây là dự án kết hợp giữa bảo vệ môi trường và phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Một công ty của Đức chuyên về năng lượng mặt trời và cũng có nhiều kinh nghiệm xây dựng điện mặt trời ở các nước Đông Nam Á cũng đã khảo sát để xây dựng hai nhà máy điện mặt trời ở Hà Tĩnh với vốn đầu tư nhiều chục triệu đô la. Đây có lẽ là những dự án tiên phong về năng lượng tái tạo ở Hà Tĩnh với sự có mặt của công nghệ và phương thức quản lý hiện đại từ Đức.

Đầu tháng 3 vừa qua, đoàn 16 người của bang MV do Tiến sĩ Rudolph, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Y tế và Lao động dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh, giám đốc các sở, ngành liên quan và Trường Cao đẳng y tế Hà Tĩnh về khả năng hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo điều dưỡng viên, trao đổi đào tạo giáo viên tiếng Đức cũng như nghiên cứu khoa học (như về sử dụng plasma lạnh trong lĩnh vực y tế, nhất là điều trị bỏng). Hai bên cũng thống nhất tiếp tục trao đổi và mời đoàn Hà Tĩnh sang Đức tháng 5 năm tới.

Đoàn cán bộ bang Mecklenburg – Vorpommern và các đối tác làm việc với lãnh đạo Hà Tĩnh và các sở, ngành liên quan về đào tạo nhân lực trong ngành y tế và đưa điều dưỡng của Hà Tĩnh sang làm việc tại CHLB Đức. Ảnh Thanh Hoài

Cùng với kết quả làm việc rất tốt với tỉnh Hà Tĩnh, chuyến thăm của đoàn tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã giúp đoàn hiểu rõ hơn về đất nước và con người Hà Tĩnh. Họ cũng tin tưởng rằng, những con người đã kiên cường và làm nên những kỳ tích trong chiến tranh thì không có lý do gì không làm nên những kỳ tích mới trong xây dựng.

... Khó khăn, thách thức cũng còn nhiều

Sự tiến triển trong gần một năm qua là tín hiệu đáng mừng, nhưng đồng thời cũng đặt Hà Tĩnh trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Bên cạnh công việc nặng nề thường xuyên mà chính quyền Hà Tĩnh phải làm nhằm không ngừng nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của địa phương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh v.v... thiết nghĩ, để tăng cường hợp tác với Đức, Hà Tĩnh cần chú ý mấy điểm dưới đây:

Thứ nhất, cần thuyết phục bạn qua những hành động, quyết định cụ thể là Hà Tĩnh thực sự mong muốn các doanh nghiệp Đức đến đầu tư, làm ăn lâu dài, mang đến không chỉ việc làm, mà còn những công nghệ mới nhất của châu Âu, của Đức; tạo cho họ hành lang pháp lý tốt nhất thông qua thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi. Người Đức làm việc thận trọng, minh bạch, tôn trọng pháp luật và tập quán địa phương. Nhưng nếu họ cảm thấy không an toàn, không minh bạch hoặc địa phương, đối tác Việt Nam không thực tâm mong muốn hợp tác thì họ sẽ rút lui.

Để thu hút đầu tư, Hà Tĩnh cần tạo hành lang pháp lý tốt nhất thông qua thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi.

Thứ hai, an toàn pháp lý là điều các nhà đầu tư Đức đặc biệt quan tâm khi đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có điều kiện duy trì bộ máy pháp lý để thẩm định dự án đầu tư hay theo đuổi các vụ kiện tụng, tranh chấp pháp lý nên họ rất lo ngại đến những nơi mà họ cảm thấy không an toàn. Họ cũng hay dựa vào đối tác Việt Nam để cùng làm ăn hay đầu tư. Nhưng những vụ kiện tụng vừa qua liên quan đến doanh nghiệp EU đang hoạt động ở Hà Tĩnh khiến nhiều người phải suy nghĩ khi quyết định đầu tư vào Hà Tĩnh. Các cơ quan hành pháp, tư pháp của tỉnh cần làm mọi cách để lấy lại lòng tin của họ.

Thứ ba, trên lĩnh vực đào tạo và đưa điều dưỡng viên sang Đức, thời gian qua, một số công ty, văn phòng môi giới ở cả Việt Nam và Đức đã để lại tiếng xấu với phía Đức khi họ chỉ biết thu phí cao của học viên, hứa hẹn là khi sang Đức sẽ có công việc ổn định và thu nhập cao. Nhưng trên thực tế, đa số sang đến nơi là bỏ hợp đồng chuyển sang làm công việc khác. Việc này vi phạm pháp luật và là hình thức "mang con bỏ chợ“ hay nói cách khác là đưa người vượt biên trái phép, nhập cảnh trái phép vào Đức. Đáng tiếc trong số những công ty, văn phòng trong "danh sách đen“ này, có một số công ty ở Hà Tĩnh. Nếu Hà Tĩnh không kiểm soát và ngăn chặn được việc làm vi phạm pháp luật này thì cơ hội hợp tác với bang Mecklenburg - Vorpommern trong lĩnh vực đào tạo nghề y và điều dưỡng viên để đưa sang Đức làm việc sẽ không bao giờ có thể thực hiện được.

(Ảnh bìa: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh và lãnh đạo Công ty CP Hợp tác thương mại Toàn Cầu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - CHLB Đức (tháng 7/2017). Ảnh: Hương Giang)

Nguồn: baohatinh.vn - Nguyễn Hữu Tráng, Tham tán Công sứ - Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >