CÓ NÊN NHỊN ĂN ĐỂ THANH LỌC CƠ THỂ

Đăng bởi:
04/10/2015 | 11:20
Chuyên mục: Món ngon
0 bình luận
CÓ NÊN NHỊN ĂN ĐỂ THANH LỌC CƠ THỂ

Gần đây, trên các trang mạng xã hội lan truyền phương thức nhịn ăn tuyệt đối và chỉ uống nước chanh đường cầm hơi trong 12 ngày giúp thanh lọc cơ thể. Với tiêu chí vừa thải độc, vừa giúp giảm cân, nhiều người thích chọn phương pháp nhịn ăn kiểu này.

Thực tế cũng đã có nhiều người áp dụng và nhiều người bỏ cuộc vì chế độ nhịn ăn quá hà khắc. Đã có người tử vong, nhiều người người phải nhập viện cấp cứu và vô số chịu hậu quả vì cách nhịn ăn không khoa học này. Tùy vào năng lượng dự trữ và cách sinh hoạt của mỗi người mà thời gian "chịu đựng" kéo dài khác nhau.

Báo chí cũng đưa tin về một số trường hợp đạo sĩ ngồi thiền không ăn uống trong một thời gian dài. Đó là do họ đã có quá trình ăn kiêng kham khổ trước đây nên cơ thể đã quen và các cơ quan, bộ phận trong cơ thể chuyển qua chế độ hoạt động "tiết kiệm" năng lượng. Ngồi thiền cũng là cách giảm năng lượng tiêu hao.

Người bình thường mỗi ngày đều phải ăn đủ để sống và làm việc. Việc nhịn ăn hoàn toàn và chỉ uống nước chanh đường không phải là cách giảm cân và thanh lọc cơ thể khoa học. Quá trình ăn kiêng, giảm cân muốn đạt hiệu quả và duy trì tốt thì cần phải giảm từ từ chất bột, đường, béo; ăn đủ đạm và nhiều rau, trái cây; ít chất ngọt (như sữa không đường, không béo...). Nên uống đủ nước lọc, hạn chế tối đa việc sử dụng đường tinh trong ăn uống hằng ngày.

Hãy tham khảo tài liệu liên quan hoặc hỏi ý kiến giới chuyên môn trước khi áp dụng phương pháp "thanh lọc cơ thể”, "nhịn ăn tuyệt đối", "tuyệt thực sống lâu", "niệu liệu pháp",... từ những nguồn thông tin không chính thống vì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.

Các chất giúp cơ thể kích thích quá trình thải chất cặn bã, độc chất bài tiết

- Nước tuy không cung cấp năng lượng nhưng cần uống nhiều nước thường xuyên trong ngày để làm mát cơ thể, điều hòa thân nhiệt, tăng thải độc chất và loại bỏ chất thải. Trung bình, một người lớn cần uống khoảng 1,5 - 2 lít nước/ngày bên cạnh lượng nước cung cấp từ thức ăn.

Về thành phần nước uống hằng ngày, nếu chia lượng nước này thành 10 phần thì lý tưởng nhất là hãy uống 6 phần nước lọc, 2 phần sữa và 2 phần nước trái cây.

Nếu chơi thể thao hay làm việc ngoài trời nắng nóng, mất nhiều mồ hôi thì phải uống thêm nước sao cho hết khát, cân nặng không giảm nhiều và nước tiểu vàng trong (nước tiểu màu vàng cam sậm là cơ thể đang thiếu nước).

Các loại nước mát có màu: nước mía lau, rễ tranh, mã đề... có vị ngọt dịu và thơm mát, giúp thanh lọc cơ thể khi mụn nhọt, rôm sảy nhưng không nên uống thường xuyên vì gây lợi tiểu và mất nước.

- Trà atisô giúp nhuận gan, lợi mật, tăng cường thải độc, có thể dùng nếu thích, nhưng không thể thay thế nước lọc hay lượng sữa trong ngày.

- Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, rất tốt cho người lớn nhưng không nên uống trà quá đặc vì có thể gây táo bón, thiếu máu, thiếu sắt và mất ngủ ở những người nhạy cảm. Chỉ nên dùng trà xanh tối đa 2 - 3 ly/ngày.

- Các loại nước có gas, nước hương trái cây... uống đã khát nhưng nên hạn chế vì đường tinh là loại thực phẩm phải sử dụng hạn chế (dưới 20g/người/ngày), chưa kể khả năng bị nhiễm hóa chất từ đường hóa học, hóa chất tạo màu, mùi...

- Các loại nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời bị mất nhiều mồ hôi, người bị tiêu chảy cấp. Đối với người bình thường không khuyến khích dùng nước khoáng thường xuyên, mặc dù nếu thận hoạt động tốt thì lượng khoáng thừa vẫn được thải ra ngoài.

- Trẻ em dưới 1 tuổi, người bệnh thận không nên uống nước khoáng vì thận yếu, không thải được những chất khoáng dư thừa, sẽ tích lũy lại trong người gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, phù...

- Cần đi tiểu khi buồn tiểu. Nhịn uống, nhịn tiểu đều nguy hại cho cơ thể.

- Các món rau trộn, củ quả hấp, trái cây ít ngọt là những thức ăn được khuyến khích dùng khi cơ thể bị táo bón, nóng trong người. Các món nhiều dầu mỡ như: chiên, xào, quay hạn chế sử dụng nếu ăn vào thấy khó tiêu.

- Việc sử dụng những thực phẩm tự nhiên ít bị nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón, không chứa thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng, thuốc hướng nạc hay chất bảo quản, thực phẩm chế biến công nghiệp... và rửa sạch trước khi ăn cũng là cách để hạn chế độc chất vào cơ thể.

Viet-bao.de biên tập lại từ nguồn: DNSG Online - BS CK1 ĐÀO THỊ YẾN THỦY (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

(Hình bìa minh họa: Món Shushi do Pham Lanvy Berlin thể hiện)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >