Cựu Ngoại trưởng PLP: ASEAN cần nhấn mạnh tôn trọng pháp luật quốc tế

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
11/11/2017 | 15:54
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
Cựu Ngoại trưởng PLP: ASEAN cần nhấn mạnh tôn trọng pháp luật quốc tế

“ASEAN cần thúc đẩy các bên tôn trọng luật pháp quốc tế để tăng cường vai trò trung tâm, dẫn dắt khu vực trong tương lai”, đó là khẳng định của Cựu Ngoại trưởng Phillipines (PLP) Albert Del Rosario tại hội thảo quốc tế “Vai trò lãnh đạo của ASEAN trong trật tự thế giới mới” diễn ra tại Thủ đô Manila, Philipines vào ngày 08/11/2017.

Luật pháp quốc tế - nền tảng quan trọng với vai trò trung tâm của ASEAN

Hội thảo có sự tham gia của 10 diễn giả PLP và 04 diễn giả quốc tế uy tín là các ông: Gregory Poling – Giám đốc tổ chức nghiên cứu Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á; tiến sĩ Masashi Ishihara – Giám đốc Viện nghiên cứu về hòa bình và an ninh của Nhật Bản; tiến sĩ Christopher Roberts – Phó giáo sư Đại học New South Wales, Australia; tiến sĩ I Made Andi Arsana, Giáo sư khoa địa chất học, Đại học Gadjah Mada, Indonesia.

Các diễn giả cùng khoảng 150 khách mời đã thảo luận thẳng thắn về mức độ và giải pháp thúc đẩy vai trò lãnh đạo của ASEAN cũng như nhất trí cần nhấn mạnh về yếu tố luật pháp quốc tế.

Về nội dung, Hội thảo sẽ đi sâu vào 3 chủ đề, chia thành 3 phiên: Phiên thứ nhất “Xây dựng Cộng đồng ASEAN để đối phó với các thách thức an ninh, chính trị” tập trung vào tình hình Biển Đông và việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền, Phiên thứ hai “Củng cố nền tảng văn hóa xã hội trong hợp tác ASEAN” tập trung thảo luận thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên, Phiên thứ ba “Hiện thực hóa tiến trình hội nhập kinh tế ở khu vực” tập trung thảo luận việc thúc đẩy hợp tác kinh tế thông qua các cơ chế hợp tác của ASEAN.

Trong lịch sử hơn 50 năm tồn tại và phát triển, sự đoàn kết của ASEAN đã và đang có bước phát triển sâu rộng sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời. Theo các chuyên gia tại Hội thảo thì thành công đó có được trên cơ sở chung là tôn trọng luật pháp quốc tế. Bối cảnh thế giới hiện nay được đánh giá là tiềm ẩn yếu tố phức tạp, lực hút – đẩy đối với các chủ thể quan hệ quốc tế từ các nước lớn diễn ra với nhiều cấp độ và hình thức khác nhau, từ song phương đến đa phương. Đây là thách thức lớn đối với đoàn kết của Cộng đồng ASEAN khi chỉ mới hình thành được hai năm. Do đó, ASEAN cần tiếp tục nhấn mạnh vai trò của tính thượng tôn pháp luật quốc tế trong xử lý các bất đồng, mà cụ thể là trong vấn đề Biển Đông, khi chủ quyền lãnh hải và tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực này là lợi ích chung của không chỉ ASEAN mà còn cả quốc tế.

Theo ông Albert del Rosario: “Những thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt có thể là do chưa nhấn mạnh đúng vai trò, tầm quan trọng của luật pháp quốc tế”. “Nhạc trưởng” của vụ PLP kiện Trung Quốc liên quan tranh chấp trên Biển Đông cũng nhấn mạnh, vai trò cũng như tiếng nói của ASEAN sẽ có thêm sức nặng nếu hiểu rõ và tận dụng tốt những kết luận của “Phán quyết 7/2016” của Tòa trọng tài quốc tế. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, năng động đối với các điểm nóng diễn ra trong chính khu vực Đông Nam Á. Việc đề cao tôn trọng pháp luật quốc tế, cũng sẽ khiến ASEAN dễ đồng điệu với quốc tế trong tìm kiếm tiếng nói chung.

Trung Quốc cần theo đuổi mục tiêu hàng hải theo pháp luật quốc tế

Từ sau phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài quốc tế, Trung Quốc tỏ ra bị động về mặt pháp lý và gần như không còn sử dụng khái niệm “đường 9 đoạn” làm bệ đỡ yêu sách chủ quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn là nhân tố luôn phải cân nhắc trong vấn đề Biển Đông.

Các hoạt động trên thực địa nhằm quân sự hóa và khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông tuy giảm bớt về cường độ, nhưng đang bước vào giai đoạn mới với mức độ sâu sắc hơn, nhằm tăng cường sự hiện diện dân sự tại các thực thể mà nước này chiếm đóng, dần đưa vấn đề Biển Đông gần hơn với trạng thái “sự đã rồi”.

Về pháp lý, việc vận dụng khái niệm “Tứ Sa” thay thế cho “đường 9 đoạn” là hướng tiếp cận mới trong của Bắc Kinh, kết hợp với ý định không đàm phán thực chất COC với ASEAN, qua đó tiếp tục gây mất phương hướng cho các bên liên quan trên mặt trận pháp lý giải quyết vấn đề Biển Đông.

Nhân tố Mỹ, tuy xa cách về địa lý, song cũng góp phần kiềm chế những hành vi thiếu kiểm soát trên Biển Đông, với những cam kết và hành động cụ thể nhằm khẳng định lợi ích của Washington trên tuyến hàng hải này.

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không vì thế mà bị kìm nén. Kiểm soát Biển Đông, biển Hoa Đông và rộng hơn nữa là một phần quan trọng gắn chặt với “giấc mơ Trung Hoa” của chính quyền Tập Cận Bình. Động thái hạ thủy tàu nạo vét mới mà truyền thông Bắc Kinh gọi là “công cụ tạo đảo mạnh nhất châu Á” cho thấy ý đồ mở rộng tiền đồn, vươn mình ra biển của Trung Quốc chưa bao giờ chấm dứt, chừng nào chưa vấp phải sức ép mạnh mẽ từ dư luận quốc tế cũng như những hệ quả pháp lý thích đáng dành cho bên “phạm luật chơi”.

Trước mắt có thể làm, theo Cựu Ngoại trưởng PLP Albert del Rosario, đó là thiết lập các cơ chế quản lý xung đột trong các lĩnh vực thường xảy ra tranh chấp ở biển Đông là đánh bắt cá, khai thác nguồn lợi khí đốt, và bảo vệ môi trường biển, thậm chí là cơ chế đặc biệt về quốc phòng của các nước ASEAN. Đồng thời ông cũng khuyến nghị Trung Quốc nên theo đuổi các mục tiêu quân sự và kinh tế trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế để có được sự tôn trọng từ các nước láng giềng, bởi “con đường dẫn tới uy quyền không phải lúc nào cũng nhờ vũ lực”.

Về phía ASEAN, muốn thực sự trở thành một cộng đồng thống nhất trên nguyên tắc tôn trọng pháp luật, qua đó đóng vai trò ngang bằng tương đối trong bàn cờ Biển Đông, trước hết cần vượt qua khoảng cách về văn hóa, tập quán riêng của từng nước, tiến tới sự hòa hợp về mặt nhận thức giữa các thành viên. Đây là yếu tố ASEAN cần phải cải thiện nhanh chóng, vì diễn biến ở Biển Đông, mà cụ thể là thái độ “áp đặt” của Trung Quốc đang có dấu hiệu trở lại rõ ràng, không cho phép sự chần chừ tiếp diễn thêm. “Đầu hàng”, khả năng tuy còn rất mơ hồ, nhưng đã được nhắc đến tại bài đề dẫn của ông Rosario, là lời cảnh tỉnh cho tình thế hiện nay, nếu ASEAN không thể trở thành khối gắn kết chặt chẽ theo đúng như tôn chỉ đã đề ra của tổ chức này từ ngày thành lập./.

Thanh Hải Tổng hợp - Chú thích Ảnh: Quang cảnh Hội thảo

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >