ĐỐI THOẠI BIỂN LẦN 10 VỪA TỔ CHỨC TẠI KHÁNH HÒA

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
26/03/2023 | 23:56
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
ĐỐI THOẠI BIỂN LẦN 10 VỪA TỔ CHỨC TẠI KHÁNH HÒA

Theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 23/3, Đối thoại Biển lần thứ 10 với chủ đề “Năng lượng tái tạo ngoài khơi: Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi xanh” do Học viện Ngoại giao (DAV) và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức đã khai mạc tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Đối thoại Biển lần thứ 10 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của trên 200 đại biểu và một số cơ quan thông tấn, báo chí.

Điểm nhấn trong Đối thoại lần này là sự góp mặt của 16 diễn giả, là các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực từ luật pháp quốc tế, năng lượng, môi trường biển…đến từ Mỹ, Anh, Đức, Singapore, Ấn Độ, Israel, Hà Lan, Na Uy, Australia và nước chủ nhà Việt Nam.

Tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, Đối thoại Biển lần thứ 10 bao gồm bốn phiên với các chủ đề: Năng lượng tái tạo ngoài khơi và địa chính trị; Công ước Luật biển và năng lượng tái tạo ngoài khơi; Thực tiễn khu vực và quốc tế về năng lượng tái tạo ngoài khơi và khuyến nghị chính sách về phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông.

Phát biểu chào mừng tại Đối thoại, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh Việt Nam cam kết tham gia nỗ lực chung của nhân loại nhằm thúc đẩy năng lượng sạch, thể hiện qua các cam kết tại COP26 và Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Khẳng định Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư vào lĩnh vực này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao hy vọng có thể thu hút sự tham gia và hỗ trợ của các đối tác nước ngoài thông qua đầu tư, công nghệ, tài chính và nâng cao năng lực để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Các diễn giả đã tập trung thảo luận về khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động khai thác năng lượng tái tạo ngoài khơi, cụ thể là điện gió và nhận định UNCLOS là khuôn khổ pháp lý bao trùm, là nền tảng giúp các quốc gia có cách tiếp cận cân bằng giữa việc phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi và việc duy trì các lợi ích chung trong việc quản trị và sử dụng biển.

Đối thoại cũng thảo luận về thực tiễn phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực, cũng như đưa ra các khuyến nghị chính sách. Trong đó nhấn mạnh nhu cầu phải học hỏi từ các mô hình thành công ở khu vực và quốc tế trong phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi để đảm bảo tính bền vững, an toàn và toàn diện.

Theo các diễn giả, hợp tác xuyên quốc gia là “chìa khóa” cho việc phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông. Các quốc gia cần có chính sách khuyến khích sử dụng các công nghệ mới, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ tài chính phù hợp, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư để năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng có thể tiếp tục phát triển, đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải về 0 của khu vực.
Phát biểu bế mạc Đối thoại, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh các quốc gia ven Biển Đông cần quản lý tốt tranh chấp để thúc đẩy hợp tác, tranh thủ cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi phục vụ phát triển của khu vực.

Nguồn: CTV Thanh Bình tổng hợp Báo quốc tế-Bộ Ngoại giaoẢnh bìa: Quang cảnh đối thoại

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan