ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO CÁT LINH-HÀ ĐÔNG ĐƯỢC KẾT NỐI VỚI HỆ THỐNG XE BUÝT THẾ NÀO?

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
10/08/2018 | 16:56
Chuyên mục: Sự kiện cộng đồng
0 bình luận
ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO CÁT LINH-HÀ ĐÔNG ĐƯỢC KẾT NỐI VỚI HỆ THỐNG XE BUÝT THẾ NÀO?

Toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông sẽ được kết nối với hệ thống xe buýt để thu hút sự quan tâm và nhu cầu đi lại của người dân.

Tại buổi tọa đàm “Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội sẽ hoạt động thế nào?” diễn ra vào sáng nay (10/8), ông Chu Quang Trung - Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho rằng việc kết nối của tuyến đường sắt trên cao với các phương tiện khác, trong đó có xe buýt là rất quan trọng. Nếu kết nối thuận tiện, tàu điện trên cao sẽ thu hút sự quan tâm và nhu cầu đi lại của người dân.

Theo ông Trung, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.

Ông Chu Quang Trung, Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải. 

Với tuyến QL6 đoạn từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở có nhiều tuyến xe buýt chạy trùng với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nhất, gồm 5 tuyến: 01. 02, 21A, 27, 33…. Đây là các tuyến buýt quan trọng, có lượng hành khách lớn, tần suất hoạt động cao.

Các tuyến buýt có lộ trình hoạt động chủ yếu trên trục QL6, đoạn Ngã Tư Sở - Yên Nghĩa có 15 tuyến, trong đó 6 tuyến trục (01, 02, 19, 21A, 21B, 27) hoạt động trùng với lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ Ngã Tư Sở đến Yên Nghĩa, trùng 73% lộ trình tuyến đường sắt đô thị.

Ngoài ra, 13 tuyến có lộ trình hoạt động cắt ngang trục QL6 (05, 22, 29, 33, 37, 39, 57, 60A, 60B, 62); các tuyến buýt cắt ngang trùng từ 1-3 ga với tuyến đường sắt đô thị với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trùng đến 25% lộ trình tuyến đường sắt đô thị.

Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kết nối khá tốt với các tuyến buýt hướng ra ngoại thành theo các trục QL6, QL 21B (như tuyến 72 Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai, tuyến 37 Bến xe Giáp Bát - Chương Mỹ, tuyến 57 bến xe Nam Thăng Long - KCN Phú Nghĩa).

Sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến xe buýt nói trên có vai trò gom khách cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Việc kết nối này sẽ được điều chỉnh lại.

Nguyên tắc tổ chức lại mạng lưới xe buýt là cung cấp và giải toả tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt.

“Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố”, ông Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải, nếu được tổ chức tốt, việc ùn tắc sẽ giảm đáng kể. Việc quy hoạch nhà ga và các tuyến buýt kết nối phải được tính toán cụ thể để tạo thuận lợi cho hành khách.

Về kế hoạch tổ chức lại hệ thống xe buýt bên dưới hệ thống đường sắt đô thị để tránh trùng lặp tuyến gây xung đột, lãng phí, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết: “Cách đây 2 năm, TP. Hà Nội chỉ đạo tổ chức các tuyến xe buýt kết nối với tuyến đường sắt 2A. Đây là bước thay đổi lớn của giao thông công cộng thành phố, có thể đáp ứng tốt các tiêu chí phát triển hệ thống vận tải công cộng nhanh, đúng giờ. 

Để đảm bảo đúng tiêu chí phát triển, chúng ta cần kết nối các phương tiện giao thông khác với đường sắt. Hiện, chúng ta có một số phương án: Một là kết nối với vận tải công cộng xe buýt, gom khách và giải toả khách cho các nhà ga. Hai là tiếp cận các phương tiện cá nhân khác như xe đạp, xe máy, ô tô bằng cách có điểm đỗ xe, gửi xe để đi đường sắt. Thứ ba là tiếp cận với người đi bộ”.

Theo ông Hải, hiện có 30 tuyến xe buýt gắn với tuyến đường sắt 2A, trong đó có những tuyến song trùng, tiếp xúc 1 đầu, tiếp xúc 2 đầu. Khi đường sắt trên cao vào vận hành sẽ giảm dịch vụ những tuyến có tỷ lệ song trùng cao. Trên 20 tuyến còn lại, ông Hải cho rằng cần tổ chức lại để nâng cao tính kết nối cho các nhà ga. Dự kiến sẽ báo cáo Sở GTVT Hà Nội để có điều chuyển sớm.

Hiện nay, nhà ga đã có cầu thang bộ để tiếp cận người đi bộ, cần sớm di dời các điểm xe buýt đến nhà ga và phối hợp tổ chức tốt hệ thống xe buýt đến nhà ga để có thể thu hút khách.

“Thời điểm này, lượng hành khách đi xe buýt lên tới 10.000 khách/giờ/hướng. Hy vọng đường sắt trên cao có thể đáp ứng được để khách xe buýt chuyển sang đường sắt trên cao. Hiện nay, một số tuyến xe buýt đã bắt đầu điều chỉnh, đang đi vào trọng tâm và chúng tôi tiếp tục điều chỉnh để giảm tối đa dịch vụ những tuyến song trùng. Chúng tôi cũng nghiên cứu đến các tiện ích, bãi đỗ xe để thu hút lượng hành khách sử dụng xe cá nhân và người đi bộ”, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội nói.

Nguồn: vtc.vn

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan