EU PHÊ DUYỆT NHANH VẮC-XIN MỚI CÓ THỂ CHỐNG BIẾN THỂ VIRUS SARS-CoV-2

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
14/02/2021 | 20:18
Chuyên mục: Sự kiện châu Âu
0 bình luận
EU PHÊ DUYỆT NHANH VẮC-XIN MỚI CÓ THỂ CHỐNG BIẾN THỂ VIRUS SARS-CoV-2

Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý phê duyệt nhanh các loại vắcxin mới có khả năng đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý phê duyệt nhanh các loại vắcxin mới có khả năng đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Trên đây là tuyên bố của ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides, đưa ra ngày 14/2 trong bối cảnh châu Âu bị chỉ trích chậm chạp trong tiến trình này.

Trả lời phỏng vấn tờ Augsburger Allgemeine của Đức, bà Kyriakides nêu rõ giới chức y tế châu Âu đang cùng các chuyên gia thuộc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đánh giá tiến trình phê chuẩn vắcxin mới và nhất trí rằng có thể cấp phép nhanh cho các loại vắcxin mới được phát triển dựa trên các vắcxin cũ để đối phó với các biến thể mới. Các loại vắcxin này sẽ không phải đòi hỏi trải qua toàn bộ quá trình phê duyệt.

Theo bà Kyriakides, điều này sẽ cho phép các vắcxin phù hợp được nhanh chóng sử dụng để phát huy hiệu quả.

Lâu nay, việc triển khai tiêm vắcxin tại các nước EU đã gặp trở ngại do những chậm trễ và tranh cãi trong tiến trình phê duyệt, dẫn tới việc đa số các nước châu Âu tụt hậu so với các nước như Mỹ, Anh và Israel - là những nước mà phần lớn dân số đã được tiêm vắcxin phòng COVID-19. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen thừa nhận những sai lầm trong quá trình đặt mua vắcxin cho EU.

Theo bà, Brussels đã bị chậm trong qua trình cấp phép và không lường trước những khó khăn của việc sản xuất hàng loạt vắcxin. Bà cũng cảnh báo rằng các nhà khoa học chưa rõ liệu các loại vắcxin đã được cấp phép của các hãng như Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Oxford liệu có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 hay không./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan