GIÁ VÀNG TĂNG NHƯ ´ĐIÊN LOẠN´: CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA?

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
28/07/2020 | 11:29
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
GIÁ VÀNG TĂNG NHƯ ´ĐIÊN LOẠN´: CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA?

Giá vàng thế giới hôm nay tăng sốc lên mức 1.954 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng lên cao kỷ lục: 58,1 triệu đồng/lượng, điều đó chứng tỏ điều gì?

Thị trường vàng những ngày qua liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới. Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch hôm nay có thời điểm tăng lên mốc 1.975 USD/ounce, mức cao chưa từng có trong lịch sử. Tại thị trường Việt Nam, giá vàng miếng SJC có thời điểm tăng lên đến 58,1 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay.

Nguyên nhân từ đâu?

Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn, là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền để chống lại khủng hoảng, lạm phát cũng như sự mất giá của tiền tệ. Chính vì thế, khi giá vàng tăng càng mạnh, người ta càng dễ nghĩ đến một kịch bản kém lạc quan của nền kinh tế thế giới. Nó chứng tỏ kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều báo động.

Trong thời gian qua, bên cạnh yếu tố dịch bệnh COVID-19, thế giới còn chứng kiến các vấn đề về chính trị như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, “ngòi thuốc súng” ở Afghanistan, các nước Trung Đông. Ở châu Âu, Anh rút khỏi EU cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, nội bộ chính trị Mỹ hết sức bất ổn trong cuộc đua bầu cử Tổng thống giữa các Đảng phái.

Hàng loạt vấn đề trên nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục thêm thời gian nữa, thậm chí có thể diễn biến phức tạp hơn. Và khi mà những dự đoán về khủng hoảng, suy thoái, lạm phát… vẫn còn phủ bóng đen lớn trên nền kinh tế toàn cầu thì giá vàng vẫn còn nhận được sự hỗ trợ tăng giá.

Phía sau đà tăng mạnh của giá vàng, giới chuyên gia dự đoán, kinh tế thế giới cần một lượng tiền khổng lồ để giải quyết các vấn đề bất ổn và cái giá phải trả là lạm phát tăng vọt. Nhất là trong bối cảnh đồng tiền định giá vàng trên thị trường tài chính thế giới là USD liên tục suy yếu.

Chính sách tiền tệ Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Tuy giá thế giới không ngừng tăng "điên loạn", nhưng đối với Việt Nam, vàng không có vai trò quá quan trọng trong các hoạt động của nền kinh tế. Vì thế, dù giá vàng trên thế giới vừa qua có những thời điểm nhảy lên rất cao, tại Việt Nam giá trị vàng tăng có sự độc lập tương đối với giá thế giới. Do đó sự ảnh hưởng tiêu cực được dự đoán là không nhiều.

Các chuyên gia nhận định việc vàng tăng giá sẽ không tác động nhiều đến chính sách tiền tệ ở Việt Nam.

“Hiện vàng tăng giá kỷ lục nhưng không gây ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ bởi chính phủ đã thành công trong vấn đề triệt tiêu vàng hóa nhiều năm nay, sẽ không có những cơn sốt mua vàng như chục năm trước’’, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nói.

Theo phân tích của ông Hiếu, cung cầu thị trường vàng trong nước tương đối ổn định, nhu cầu vàng không tăng cao, nguồn cung cũng tương đối dồi dào. Giá vàng bị đẩy lên là do tình hình thế giới.

TS.Bùi Trinh - Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam - cũng cho rằng giá vàng tăng không gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. “Nếu giá vàng tăng cao quá mức sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, ảnh hưởng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Tuy nhiên về mặt đầu tư không có chuyện bán tháo tài sản để mua vàng nên không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, không tạo ra thị trường "vàng đen" như trước kia”, ông Trinh khẳng định.

Theo ghi nhận từ thị trường, tuy giá vàng trong nước liên tục tăng cao nhưng người dân không quá dao động. Không có cảnh người dân đổ xô đi giao dịch như những lần tăng giá trước đó, phần lớn khách hàng chọn cách thận trọng theo dõi và chỉ có người có nhu cầu thực mới giao dịch lúc này.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc người dân thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của COVID-19 thì chính tâm lý vững vàng là yếu tố khiến khách hàng không mặn mà đầu tư hay chốt lời vàng lúc này. Bởi nhà đầu tư hiểu rằng, giá thế giới biến động không ngừng nên mua lúc này là mạo hiểm, trong khi bán cũng sẽ không "ăn thua" khi khoảng cách giá mua - bán đang được nới quá cao.

Khuyến cáo người dân cần bình tĩnh khi đầu tư vào vàng, ông Hiếu đưa ra 3 điều kiện cần cho nhà đầu tư khi bỏ tiền vào vàng: một là, cần theo dõi thị trường thường xuyên để biết sự lên xuống của giá vàng; hai là, không nên đầu tư lướt sóng, không nên mua đi bán lại trong thời điểm này; ba là nếu số vốn của bạn không nhiều thì có thể áp dụng cách đầu tư “lướt sóng”, giá lên thì bán nhanh, giá xuống thì mua vào, có thể lợi ít. Tuy nhiên, tốt nhất nên giữ vàng ít nhất trong khoảng 6 tháng, tránh bán ra mua vào gấp gáp quá, gây nhiễu loạn thị trường vàng.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB): "Giá vàng tăng một phần xuất phát từ các công ty kinh doanh vàng chứ không phải chỉ đến từ nhà đầu tư, người tiêu dùng đổ xô đi mua như trước đây. Đây cũng là lý do giải thích vì sao có thời điểm như ngày 24/7 vừa qua, lần đầu tiên sau nhiều năm, giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng”, ông Hải phân tích.

Trước việc giá vàng tăng đột biến, các chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, lướt sóng vàng bây giờ giống như cầm con dao hai lưỡi. Tốt nhất, người dân nên đa dạng kênh đầu tư, cần bình tĩnh để đưa ra quyết định chính xác, tránh tâm lý hùa theo khi tham gia vào thị trường.

Giá vàng sắp tới thế nào?

Theo báo cáo triển vọng hàng hóa mới nhất của Bloomberg Intelligence, vàng đang hướng tới mốc 1.900 USD/ounce và có rất ít tác động ngăn chặn kim loại quý này chinh phục mức giá cao nhất mọi thời đại bằng đồng USD này.

Chuyên gia cao cấp của Bloomberg Intelligence, ông Mike McGlone cho rằng: "Vàng sẽ vượt trội hầu hết tài sản đầu tư trong môi trường nới lỏng chính sách tiền của các ngân hàng trung ương, và kim loại quý cũng duy trì ưu thế trong hầu hết kịch bản kinh tế. Rất khó để giá vàng thấp hơn hay ngang bằng với mức giá trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra".

Ông Mike McGlone cũng chỉ ra rằng, sự phục hồi kinh tế chậm sẽ gây áp lực lên các hàng hóa, ngoại trừ vàng, và kim loại quý sẽ đạt mức cao kỷ lục 1.900 USD/ounce.

Các chuyên gia của Bloomberg Intelligence cũng dự đoán giá vàng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, theo Kitco, mục tiêu ngắn hạn tiếp theo của vàng là tạo ra mức đóng cửa trên 1.850 USD/ounce.

Số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, nhu cầu vàng toàn cầu quý I/2020 tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.083,8 tấn. Người dân đang có xu hướng tăng cường mua vàng vật chất hơn là các phương thức khác như mua cổ phần của các công ty đào vàng, các quỹ đầu tư chỉ số theo dõi giá vàng...

Theo chuyên gia phân tích Naeem Aslam của Forbes, giá vàng sẽ tiếp tục vững ở mức cao hoặc tăng thêm nữa trong vài quý tới, nhất là quý hiện tại. Mức tăng giá vàng trong quý III/2020 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến COVID-19. Nhiều khả năng sẽ không có vaccine COVID-19 trước năm 2021, đồng nghĩa với việc hạn chế sự hồi phục kinh tế.

Chuyên gia phân tích của ngân hàng Saxo thì tỏ ra lạc quan về triển vọng giá vàng khi cho rằng giá sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2020 và tiếp tục tăng trong năm 2021. Chuyên gia phân tích Ole Hansen của Saxo nhận định vàng vẫn là mặt hàng chủ chốt duy nhất cho thấy sự hồi phục tích cực trong năm 2020. Ole Hansen ví "vàng sẽ đem lại trái ngọt cho những nhà đầu tư kiên nhẫn trong quí III năm nay".

Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng được dự đoán sẽ hướng đến mốc giá không tưởng 60 triệu đồng/lượng khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp, cùng với sự lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu, sự căng thẳng chính trị giữa một số nước trên thế giới.

"Xu hướng đi lên có thể kéo dài trong ba tháng tới", đại diện của Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra dự đoán khi trả lời báo chí.

Nguồn: vtc.vn - Ngọc Vy

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan