HÀNH TRÌNH THEO CHÂN ĐỨC PHẬT (Ký sự Nepal của Nguyễn Hữu Tráng)

Đăng bởi:
11/09/2016 | 00:11
Chuyên mục: Lời phật dạy
0 bình luận
HÀNH TRÌNH THEO CHÂN ĐỨC PHẬT (Ký sự Nepal của Nguyễn Hữu Tráng)

Câu chuyện thứ nhất: „Vạn sự tùy duyên“

Thực ra tôi cũng nghe nói về Nepal từ khá lâu rồi. Nhưng tựu chung lại thì mường tượng của tôi ban đầu chỉ gói gọn trong một câu: đó là một trong những nước nghèo nhất thế giới nằm ở chân dãy Hymalaya (Hy Mã Lạp Sơn), nơi có đỉnh Chô-mô-lung-ma (Everest) cao nhất thế giới. Chỉ hình dung thôi đã thấy quá xa xôi cách trở và vì vậy cũng chẳng nghĩ là một ngày nào đó lại đến thăm đất nước này, nếu như…

Và cái „nếu như“ ấy lại gắn với một nhà tu hành phật giáo người Việt đang sống ở hải ngoại, thầy Huyền Diệu. Nói đến Thầy Huyền Diệu có người biết, có người không. Nhưng nói đến nhà sư Việt xây ngôi chùa Việt đầu tiên nơi đất Phật thì nhiều người biết hay ít nhất một lần nghe nói. „Đất Phật“ đối với đa số phật tử ở Việt Nam hay cả với những người quan tâm đến phật giáo nói chung cũng chỉ là Ấn Độ với cây Bồ đề nơi Đức Phật đắc đạo. Thế có thể cũng coi là nhiều khi nhiều người đi chùa còn không biết „Tam bảo“, „Tam thế Phật“ là gì, đến chùa cầu xin chư Phật như xin thánh, xin thần.

Tôi có cái cơ duyên là từ nhỏ đã được tiếp xúc và được sống trong môi trường thanh tịnh của chùa Việt trong những năm chưa có cảnh chen nhau vào chùa, khói hương, đốt vàng mã mù mịt đến nghẹt thở. Tôi thích cái tĩnh mịch của ngôi chùa, thích nghe tiếng chuông chùa mỗi sáng mai hay khi chiều buông. Vì thế nên tôi cũng đọc được nhiều sách về nhà Phật đủ để biết về quá trình tu hành đắc đạo của Thích Ca Mâu Ni hay đã từng đọc qua về những địa danh như Ca-tỳ-la-vệ hay Lâm Tỳ Ni. Tuy nhiên những địa danh này ở đâu thì hiểu biết cũng còn mù mờ.

Sau lần đầu được gặp Thầy Huyền Diệu năm 2013 ở Bồ đề đạo tràng, Bodgaya bên Ấn Độ tôi còn được đôi lần gặp lại Thầy và mới biết là ngoài chùa ở Ấn Độ Thầy còn cất ngôi chùa Việt nữa bên Lâm Tỳ Ni thuộc Nepal, nơi Đức Phật giáng trần. Như vậy ở hai trong „tứ thánh địa“ của Phật giáo đều có chùa Việt do Thầy dựng lên.

Thế là tôi lên kế hoạch đi Nepal để chiêm bái một trong những thánh địa linh thiêng nhất của Phật giáo thế giới.

Năm 2015, mọi sự đã chuẩn bị xong xuôi chỉ việc lên đường. Đi cùng tôi còn nhiều anh chị em nữa, họ là những người cũng muốn khám phá một địa chỉ văn hóa, tôn giáo mới. Nhưng „người tính không bằng trời tính“. Mấy ngày trước khi khởi hành thì ngày 25/4 xẩy ra trận động đất kinh hoàng ở thủ đô Kathmandu với 7,8 độ Richter, khiến gần chín ngàn người chết và hơn 22 ngàn người bị thương. Động đất nặng đến mức đỉnh Everest bị xô dịch về hướng đông nam đến 3cm.

Hôm đó có một chị cùng gia đình định đi sang đó trước và chờ nhập đoàn chúng tôi ở Kathmandu nghe tin động đất khi đang làm thủ tục check-in ở sân bay Nội Bài (Hà Nội). Thật hú vía là thoát được trận động đất lịch sử nhưng ai cũng buồn vì chuyến đi chiêm bái đất Phật bất thành. Ngay lập tức chúng tôi liên hệ với Thầy Huyền Diệu để hỏi tình hình của thầy và rất mừng là cả thầy và chùa của thầy đều không bị ảnh hưởng. Theo lời kêu gọi của Thầy chúng tôi quyên góp gần hết số tiền dự định đi „tour“ để ủng hộ những nạn nhân của trận động đất. Sau động đất khoảng nửa tháng thì thầy nhắn là tình hình đã ổn định trở lại và nếu mang được tiền hoặc hàng hóa cứu trợ sang cùng Thầy đi cứu giúp nạn nhân thì tốt quá. Hầu hết mọi người trong đoàn đều sợ không dám đi nhưng tôi vẫn quyết tâm đi và âm thầm chuẩn bị. Đùng một cái xẩy ra dư chấn ngày 12/5 nặng 7,2 độ Richter và liên tục sau đó dư chấn ở quanh thủ đô Kathmandu, sân bay đóng cửa. Vậy là không đi được nữa.

Sau hai lần bất thành đó, tôi còn có hai lần nữa cũng có ý định đi Nepal để tri ân Thầy và giúp đỡ những người con đất Phật đang gặp nạn. Nhưng cả những lần sau cũng không đi được. Có lúc tôi đã nản đến mức cho là mình chưa có duyên nên có khi cả đời này cũng không đến được đất Phật vì người ta nói „quá tam ba bận“ mà tôi thì đã quá đến bốn bận rồi.

Cho đến lần gần đây nhất gặp Thầy ở Berlin tôi phải „hô khẩu hiệu“ trong đầu là „đi hoặc không bao giờ đi nữa“. Thế là đi và như nhà Phật đã nói „đã đi và đã đến“.

Vì thế nên tôi càng tâm niệm là phàm làm việc gì cũng phải có duyên mới thành được. Cái „duyên“ ở đây như lời Phật dạy là „vạn sự tùy duyên“, nhiều khi muốn cũng không được mà cưỡng cũng không thành. Khi duyên chưa tới thì chưa thể đi được và khi hội đủ duyên thì việc đi lại vô cùng thuận buồn xuôi gió.

Nói thế thôi chứ trước khi đi tôi cũng lo lắng nhiều lắm. Không phải lo cho mình mà lo cho ông con trai đi cùng. Hầu như đêm nào trước khi đi tôi cũng hình dung ra những cảnh… nếu mà động đất xẩy ra thì làm thế nào cho an toàn. Tâm trạng lo lắng đó theo tôi cho đến tận lúc máy bay cất cánh rời Kathmandu. Đó là tâm trạng lo lắng chính đáng nhưng hoàn toàn không thấy bất an và thấy quyết định đi lần này là đúng đắn. Lần này không đi được thì có lẽ tôi sẽ bỏ hẳn ý định hành hương đến đất Phật vì nói là đi mà không đi thì „phải tội“ như cách nghĩ của dân mình.

Tối 29 tháng Tám năm 2016 đoàn bốn người chúng tôi lên đường tại sân bay Tegel ở Berlin, chuyến bay của Air Berlin, số hiệu AB7494 cất cánh lúc 21 giờ 30 phút, quá cảnh thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).

Ảnh bìa: Cảnh đổ nát ở thủ đô Kathmandu sau động đất

(Hết phần 1 - còn tiếp)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >