HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 14

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
17/11/2022 | 23:59
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 14

Trong hai ngày 16, 17/11 tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao Việt Nam, phối hợp tổ chức cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước, với chủ đề “Biển Hòa bình - Phục hồi bền vững”. Hội thảo quy tụ gần 40 chuyên gia uy tín từ khoảng 20 quốc gia ở các châu lục; gần 50 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (trong đó có 8 đại sứ), cùng khoảng 400 đại biểu dự trực tiếp và online.

Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung như: Đánh giá tác động của các chuyển động chính trị quốc tế và khu vực đến tình hình Biển Đông, phân tích sâu sắc và toàn diện các chuyển động đó từ khía cạnh địa chính trị, ngoại giao và pháp lý; thảo luận về các vấn đề mới nổi, song có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới cục diện khu vực; các biện pháp thúc đẩy hợp tác để tăng cường an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...

Tại Hội thảo, đa số các ý kiến đều khẳng định tầm quan trọng và giá trị phổ quát của UNCLOS với vai trò là một bản Hiến pháp của Đại dương. Sau 40 năm, nhiều vấn đề mới nảy sinh như bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển, biển đối khí hậu, sự phát triển của khoa học kỹ thuật… thách thức vai trò của UNCLOS.

Tuy nhiên, các học giả cho rằng, các thách thức mới hoàn toàn có thể được giải quyết trong khuôn khổ pháp lý của UNCLOS và các hiệp định thực thi trong khuôn khổ UNCLOS. Các phán quyết của cơ quan tài phán cũng góp phần làm sáng tỏ cách giải thích và thực thi luật quốc tế.

Các đại biểu đã thảo luận về những phát triển gần đây tại Biển Đông như việc có nước lợi dụng những quy định thiếu rõ ràng trong luật quốc tế và các phát triển của khoa học công nghệ để tiến hành các hoạt động ảnh hưởng tới quyền lợi của các quốc gia ven biển và trật tự trên Biển Đông.

Đánh giá về tình hình Biển Đông và khu vực, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi bất ngờ, cục diện Biển Đông tương đối tĩnh lặng nhưng chỉ mang tính tạm thời. Theo các học giả, tình hình an ninh khu vực và Biển Đông thể hiện ở hai cấp độ, một mặt liên quan giữa các nước ven Biển Đông, mặt khác liên quan đến cạnh tranh giữa các nước lớn.

Phát biểu tại hội thảo, Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn quân sự cấp cao, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu của EU, đánh giá Biển Đông là khu vực trọng yếu, chiếm 12% lượng cá toàn cầu và một nửa lượng tàu cá trên thế giới. Đối với EU, 40% thương mại quốc tế đi qua Biển Đông. Khu vực này chiếm 60% GDP và đóng góp 2/3 vào tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trước dịch Covid-19. "Chúng tôi có những lợi ích rất rõ ràng trong việc duy trì hòa bình ở khu vực này", ông nhấn mạnh.

Theo Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, trong bối cảnh hiện nay, Biển Đông là trung tâm của cục diện quốc tế đang thay đổi. Do đó, việc duy trì một trật tự trên biển với sự tuân thủ, tin tưởng và hợp tác là rất cần thiết để đảm bảo cho sự phục hồi bền vững sau đại dịch. EU, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cần thúc đẩy hợp tác, cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu.

Thẩm phán Kriangsak Kittichaisaree (Tòa án quốc tế về Luật biển) cho rằng, nếu trong Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) không có sự hiếu chiến của các bên tranh chấp, từ tuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào, thì có thể đảm bảo không có hành động đơn phương và không có gia tăng căng thẳng, thay vào đó là những hành động hợp lý với luật pháp quốc tế.

Diễn ra trong bối cảnh đánh dấu 40 năm ký kết Công ước UNCLOS và 20 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông, điểm mới của Hội thảo năm nay là việc tổ chức một phiên dành cho tiếng nói của người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm quy tụ tiếng nói của cộng đồng người Việt Nam, trong và ngoài nước; qua đó, xây dựng Việt Nam là một thành viên chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, tại Hội thảo cũng có một số phiên bình luận sau Hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về những nội dung trao đổi tại Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung nhấn mạnh, với 8 phiên thảo luận, một phiên dẫn đề, gần 40 bài tham luận và hơn 160 ý kiến bình luận, câu hỏi trao đổi tại Hội thảo đã cho thấy Biển Đông không phải là vùng biển đóng kín mà đóng vai trò trung tâm, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Đông đang đối mặt với nhiều biến chuyển, nhiều thách thức từ tình hình chung của thế giới và khu vực. Tuy nhiên, theo bà Lan Dung, bên cạnh các thách thức, vẫn có thể thấy được những tín hiệu tích cực và tiếp thu các ý tưởng, đề xuất có giá trị để đối phó với những khó khăn, thách thức.

Nguồn: CTV Thanh Bình tổng hợp (theo TTXVN) - Ảnh: Quang cảnh Hội thảo

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >