KHI CHIẾN TRANH ĐẾN SÁT BÊN HIÊN NHÀ - Bs. Lê Ngọc Hoà Nhã (16/3/2022)

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
17/03/2022 | 23:26
Chuyên mục: Văn thơ
0 bình luận
KHI CHIẾN TRANH ĐẾN SÁT BÊN HIÊN NHÀ - Bs. Lê Ngọc Hoà Nhã (16/3/2022)

Trải qua nhiều biến cố trong đời, tôi cũng đã hiểu rõ sự lên xuống như hình sin của cuộc sống. Trong cái khắc nghiệt và tàn nhẫn nhất của Covid, tôi cũng từng nghĩ mình đã chứng kiến tận cùng của sự mất mát, hy sinh, sự ra đi lặng lẽ không người thân bên cạnh. Vậy mà chiều nay, tôi đã nếm mùi cay đắng của mất mát do chiến tranh mang lại, ngay nơi tôi công tác không đâu xa.

Từ khi giao tranh bùng nổ ở Ucraina, nước láng giềng cách thủ đô Budapest chừng vài trăm cây số, toàn bộ cơ sở y tế của Hungary đã nhận lệnh tiếp nhận chăm sóc y tế nhân đạo cho bất cứ ai là nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi được chỉ đạo tiếp nhận hồ sơ cho từng ca bệnh với dòng kí hiệu đơn giản “nạn nhân chiến tranh” đối với bất cứ bệnh nhân nào đến từ nước bạn trong dòng người thoát ly.

Hôm qua tôi tiếp nhận Olena, một người phụ nữ 56 tuổi tiều tuỵ, mang trong mình căn bệnh ung thư bao tử đã di căn, đang trong quá trình tiếp hoá trị. Chúng tôi không hiểu nhau, những trao đổi được thực hiện thông qua cô con gái nhỏ, Anna. Thật lòng thì đối với chúng tôi những ca như thế này là cả một bài toán khó vì họ chạy loạn, không mang theo bất cứ giấy tờ gì ngoài giấy tờ tuỳ thân. Trong tận cùng của sự sợ hãi, có lẽ sức khoẻ cũng là thứ xa xỉ đối với người bệnh mòn mỏi như Olena. Các chỉ số hoá sinh của cô ấy thật tệ, đợt tiếp hoá chất này chưa chắc thực hiện được.

Và để hiểu được hoàn cảnh của bệnh nhân, tôi đã dành hẳn 30 phút để lắng nghe cô con gái kể về hành trình “tìm sự sống cuối cùng” của 3 mẹ con và 2 đứa cháu. Chồng, con trai và con rể của Olena đã ở lại vì lệnh tòng quân bắt buộc. Họ đã khóc rất nhiều ngày chia ly. Ngôi nhà nhỏ xinh nằm ngoài Kharkhiv chừng 10 cây số, là nơi gia đình Olena trải qua những ngày tháng êm đềm. Đó là nơi mà Anastasia, Anna và Ivan sinh ra và lớn lên. Khi thành thân, Anastasia đã dọn ra sống không xa nhà cha mẹ là bao. Olena có được 2 đứa cháu ngoại xinh xắn, tuổi cộng lại cũng chưa tròn 10. Anna năm nay đã là sinh viên năm 2 khoa Quan hệ quốc tế Đại học Kharkhiv, Ivan thì chỉ vừa mới tốt nghiệp trung học phổ thông, vẫn đang nghỉ một năm để định hướng rõ tương lai nghề nghiệp của mình.

Olena nhận tin dữ về bệnh cảnh của mình vào cuối năm 2020, dù đã mổ cắt bỏ 2/3 bao tử, kết quả chụp CT 3 tháng hậu phẫu đã đem lại cho cả gia đình sự thật phũ phàng: khối u tái phát ở phần còn lại của bao tử và đã di căn sang gan, thận trái. Olena yêu gia đình của mình, mọi sức mạnh đều đến từ nụ cười của chồng, con và những đứa cháu. Cô ấy không từ bỏ, quyết tâm dấn thân vào hành trình hoá trị đầy gian khổ, hao mòn. Những tưởng mọi thứ như vậy đã là thử thách lớn nhất cuộc đời của gia đình nhỏ bé ấy, thì chiến sự bùng phát.

Theo lệnh tòng quân bắt buộc, ông Mykola, Ivan và Fedir, chồng của Anastasia lên đường nhập ngũ. Buổi cơm tối cuối cùng của họ không thể trọn vẹn vì ai cũng chan cơm cùng nước mắt. Họ hiểu rằng lần ly biệt này phần lớn có còn thấy lại nhau. Đối với Olena, cái chết và sự sợ chết chưa bao giờ hãi hùng đến thời khắc đó. Ivan không biết mình có mãi tuổi trẻ thanh xuân đến ngàn sau sau trận này, Fedir không nỡ xa vợ con mình, còn ông Mykola cứ mãi nhìn người vợ tào khang 30 năm như thể ông chưa đủ thời gian ngắm nghía vẻ đẹp ấy.

Đàn ông ra trận, phụ nữ trẻ con thì tìm cách thoát thân qua hành lang nhân đạo. Olena cùng 2 con gái và 2 cháu đã vượt qua một hành trình gần 24 giờ mới tới được Budapest, lượng thời gian mà trong thời bình đủ để người ta đi du lịch từ châu Âu sang châu Úc xa xôi. Cô không thể ngủ, cơn đau dày vò từ những khối u tự nhiên bộc phát. Có lẽ hành trình này đã lấy đi sức lực cuối cùng của cô. Sức mạnh chiến đấu đã bị bỏ lại cùng miền ký ức xa xôi ở Kharkhiv, niềm tin mãnh liệt ở sự nhiệm mầu mà Olena đã cầu nguyện chỉ để nhìn thấy đứa cháu lớn được lên 5 và cậu con trai út vào đại học, có lẽ đã gửi gắm cho ông Mykola, cho Ivan và Fedir ngoài chiến trận.

Tôi tiếp nhận Olena ở tình trạng thiếu nước, suy kiệt trầm trọng, huyết áp thấp, mạch nhanh, rối loạn điện giải. Vậy mà cô vẫn trả lời thều thào những câu hỏi mà Anna thông dịch cho tôi. Khoa đã sắp xếp tạm cho cả gia đình vào căn phòng bệnh 2 giường vì… họ còn có thể đi đâu? Các điều dưỡng kê thêm đệm cho Anna. Các bệnh nhân khác nhường phần ăn của mình vì khi tiếp nhận bệnh cũng đã vào giờ chiều, chúng tôi chỉ kịp đăng kí thêm suất cho ngày hôm sau. Tôi và các đồng nghiệp vội đặt thức ăn qua app Wolt để “người nhà bệnh nhân” cũng có cái ăn. Cả mảnh gia đình đó chỉ mang theo đúng 2 chiếc ba lô đồ đạc. Thế là chúng tôi mạnh ai nấy về nhà gom được quần áo, thức gì thì mang vào cho họ.

Tôi đâu biết được đấy cũng là 24 giờ cuối cùng Olena được ở bên những mảnh ghép còn lại của một gia đình đã từng trọn vẹn.

Sáng nay Olena bắt đầu ít nước tiểu, các đầu ngón tay chân đã tím lại. Tôi gọi Anna ra để thông báo một điều mà đối với tôi là chuyện khó khăn nhất trong nghề: Olena đang chết. Có lẽ Anna hiểu, cô gái 20 tuổi tóc vàng mắt nâu đẹp đúng kiểu chuẩn Ucraina, thật mạnh mẽ. Đầu giờ chiều Olena bắt đầu những cơn đau dữ dội, tôi không còn đo được oxy ngoại biên nữa, huyết áp tụt lút. Dù vậy, khi các con hỏi han, cô ấy vẫn cố gắng ư hử trong những cơn rên.

Chúng tôi quyết định tiêm Morphin dưới da khi Olena bắt đầu quằn quại. Anastasia khóc như mưa, luôn miệng nói: “không sao cả mẹ, con vẫn ở đây”. Olena thều thào những lời cuối bằng tiếng Ucraina với Anna. Tôi thì nghĩ cô ấy cần gì hay cảm giác đau ở đâu. Anna dịch lại mà mắt ần ần nước: “Mẹ bảo cảm ơn các bác, các cô, các anh chị. Mẹ mệt lắm rồi, mẹ đã hẹn bố sẽ gặp nhau ở thiên đàng sớm thôi vì mẹ tin bố cháu mà ra trận thì chưa chiến đã bị bắn chết, do bố cả đời cầm bút viết chứ có cầm súng bao giờ. Có lẽ bố mẹ cũng sẽ gặp Ivan và anh Fedir nữa vì lính Ucraina khó lòng địch lại lính Nga lắm cô ạ! Mẹ buồn vì mẹ đã không được chết ở quê hương, và mẹ đã không giữ được lời hứa sẽ chiến đấu…”.

Tôi ôm Anna vào lòng và bảo em đừng dịch nữa. Tôi cứ như vậy mà nước mắt rơi, nhìn quanh thì đồng nghiệp ai mắt cũng đỏ hoe. Cả đời tôi chưa bao giờ cảm nhận chiến tranh gần đến bên hiên nhà như vậy. Tôi là người Việt Nam, người con của một dân tộc đã quá khổ vì chiến tranh chia cắt, nhưng trong giây phút đó nỗi lòng của tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ so được với nỗi bất hạnh của mảnh gia đình này.

Đúng 14:25 Olena trút hơi thở cuối cùng, nước mắt rơi từ khoé mắt của cô ấy. Tôi không biết cô ấy đã nghĩ gì trong những phút cuối đó, nhưng tôi biết chắc Olena ra đi với tinh thần cực kì minh mẫn.

Ngồi viết giấy khai tử và hướng dẫn mọi thủ tục khâm liệm cho Anna, tôi nhìn ánh mắt ngơ ngác của 2 đứa bé mà lòng quặn đau. Chỉ thêm vài tiếng nữa thì Olena có lẽ cũng sẽ biết rằng 2 đứa con gái và 2 đứa cháu đã được nhân viên xã hội của viện sắp xếp được chỗ ở đàng hoàng. Ngày mai Olena sẽ được hoả thiêu, tôi tự hỏi tro cốt cô ấy rồi sẽ có ngày về đến được quê hương không? Số phận của Mykola, Ivan và Fedir sẽ thế nào khi bên kia chiến tuyến cũng là những người anh em nói cùng ngôn ngữ? Anna liệu sẽ tiếp tục con đường học vấn dở dang ở đâu? Anastasia sẽ làm gì cho tương lai mình và 2 đứa bé? À… vết thương chiến tranh ai sẽ làm lành và ấp ủ cho trẻ thơ?

Thế đấy, tôi đối diện với sự cay đắng của chiến tranh như vậy đấy… 

Bs. Lê Ngọc Hoà Nhã (Hungari 16/3/2022)
(Các nhân vật đã được đổi tên để đảm bảo tính riêng tư)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >