KHI ĐÁM MÂY U ÁM BREXIT KÉO ĐẾN ĐỨC

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
31/03/2019 | 20:11
Chuyên mục: Tin nước Đức
0 bình luận
KHI ĐÁM MÂY U ÁM BREXIT KÉO ĐẾN ĐỨC

Giữa bối cảnh Vương quốc Anh đang vật lộn với “cơn ác mộng” về Brexit, bất ổn xung quanh việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã lan sang cả những quốc gia châu Âu khác, trong đó có Đức – nơi đã chứng kiến một số cửa hàng bán sản phẩm có xuất xứ từ Anh phải sập tiệm.

Dale Carr, người phụ nữ 67 tuổi đến từ Sheffield (Anh) và chồng là Robin đã mở "Broken English" vào năm 1996, một cửa hàng bán hàng hóa Anh cho những người đồng hương và người Đức muốn nếm thử các món ăn đặc sản của nước Anh tại quận Kreuzberg sầm uất. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi từ tháng 6/2016, khi các cử tri Anh chọn cách rút khỏi EU.

Hậu quả là Dale Carr, với sự không chắc chắn về tương lai, đã quyết định sẽ đóng cửa "Broken English" vào cuối tháng 5/2019. Quyết định về hưu sớm của hai ông bà chủ người Anh đồng nghĩa với việc sẽ có 2 người làm thuê cho "Broken English" rơi vào cảnh thất nghiệp, trừ khi Dale Carr tìm được người mua lại thương hiệu này. 

Sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit được công bố, rất nhiều người Anh đang sinh sống và làm việc tại Berlin đã bày tỏ lo lắng về việc sự kiện này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ và mong muốn nộp đơn xin quốc tịch Đức.

Theo bà Carr, sự kiện gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người, đồng thời tạo ra sự chia rẽ. Trong khi các điều kiện kinh doanh đều tốt thì bà lại buộc phải đóng cửa "Broken English" vào giai đoạn khi mà mùa Lễ Phục sinh đang đến rất gần.

Trong khi đó, ở thành phố Hamburg, cửa hàng "Thực phẩm Anh quốc dành cho người sành ăn" của ông chủ Robert Berridge đã chứng kiến doanh số giảm dần kể từ năm 2016.

"Rất nhiều khách hàng đã ngừng mua, thậm chí một số người trong đó cảm thấy khó chịu (bởi sự kiện Brexit) và không muốn gợi nhắc đến quê hương của họ" - người đàn ông 60 tuổi đến từ Ascot cho biết.

Ông chủ Berridge cho biết hoạt động kinh doanh của "Thực phẩm Anh quốc dành cho người sành ăn" đã giảm dần từ 26.000 euro (29.000 USD) trong quý cuối cùng của năm 2014 xuống còn 12.000 euro cùng kỳ năm ngoái.

"Tôi nghĩ rằng đó là vì Brexit, tôi có cảm giác một số người đang tẩy chay hàng hóa của Anh vì họ khó chịu với quyết định này", Berridge - người được cấp quốc tịch Đức hồi tháng 1/2019, chia sẻ.

Hậu quả là ông Berridge có thể sẽ ngừng nhập khẩu hàng hóa của Anh, thay vào đó tập trung vào việc bán sách tiếng Anh cũ.

Nguồn: Phương Nga/TTXVN (Theo AFP)
---------------------------------------

***Brexit là gì?

Brexit là một thuật ngữ được gộm từ 2 từ trong tiếng Anh mà tạo thành. Cụ thể như sau: Britain ( có nghĩa là Liên Hiệp Vương Quốc Anh). Còn exit (nghĩa là thoát khỏi, thoát ra). Kết hợp 2 từ này ta sẽ có cụm từ Brexit. Brexit có nghĩa là Liên Hiệp Vương Quốc Anh thoát ra khỏi. Mà thoát ra khỏi ở đây là liên minh Châu Âu.

Ý nghĩa cụm từ Brexit là ủng hộ cho Liên Hiệp Vương Quốc Anh rời khỏi khối Liên Minh Châu Âu (EU – Europe Union). 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan