“KHỞI NGHIỆP, TẠI SAO KHÔNG?”- Định hướng khởi nghiệp cho học sinh và sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
17/08/2018 | 21:05
Chuyên mục: Thế hệ trẻ
0 bình luận
“KHỞI NGHIỆP, TẠI SAO KHÔNG?”- Định hướng khởi nghiệp cho học sinh và sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức

Vào ngày 04.08.2018 vừa qua tại thủ đô Berlin-CHLB Đức, Hội sinh viên Việt Nam tại Berlin-Potsdam đã kết hợp cùng Quỹ Khởi Nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam Startup Vietnam Foundation (SVF) với sự tài trợ của Công ty cổ phần XtayPro tổ chức diễn đàn mang tên “Khởi Nghiệp, Tại Sao Không?”. Sự kiện là cơ hội dành cho các bạn sinh viên, học sinh đã và đang học tập tại nước Đức xây dựng tư duy khởi nghiệp, chia sẻ những ý tưởng khởi nghiệp và tạo liên kết với công đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.

Khách mời của sự kiện “Khởi Nghiệp, Tại Sao Không?” là ông Phạm Duy Hiếu. Ông Phạm Duy Hiếu hiện tại là Giám đốc điều hành của Quỹ Khởi nghiệp Khoa học và Công Nghệ Việt Nam SVF-  tổ chức xã hội hóa và phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam và cũng là nơi “đỡ đầu” cho nhiều dự án khởi nghiệp phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ. Trong suốt 16 năm làm việc trong lĩnh vực Tài Chính - Ngân Hàng, ông Hiếu từng giữ những vị trí cấp cao tại các tổ chức tài chính và được biết đến là Giám đốc điều hành trẻ nhất ngành Ngân Hàng năm 34 tuổi. Với một tâm niệm “Phát triển con người là nền tảng thành công của mọi tổ chức”, ông Hiếu tham gia giảng dạy các khóa học dành cho các nhà quản trị và hỗ trợ các Startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) tại Việt Nam giải quyết các bài toán về tài chính và nhân sự.

Ông Phạm Duy Hiếu - CEO Startup Vietnam Foundation nói về tư duy và giá trị cốt lõi trong khởi nghiệp (ảnh: Minh Hiệp)

Đến với diễn đàn “Khởi Nghiệp, Tại Sao Không?”, các bạn sinh viên đã có mười giờ đồng hồ lắng nghe, trải nghiệm và được truyền cảm hứng từ những câu chuyện của diễn giả Phạm Duy Hiếu về giá trị của sự lựa chọn và niềm tin của mỗi cá nhân trong việc đưa ra quyết định của cuộc đời mình. Ông Hiếu gói gọn những bài học rút ra trong suốt những năm học tập và định hướng nghề nghiệp của bản thân và gửi gắm đến các bạn sinh viên, với mong muốn những con người trẻ có nền tảng giáo dục tốt sẽ được hỗ trợ để rút ngắn con đường đến thành công. Đồng thời, ông Hiếu cũng chỉ ra cốt lõi cho sự thành công của các ý tưởng khởi nghiệp, đó là sự hành động hướng đến lợi ích của cộng đồng.

Nhà sáng lập XtayPro chia sẻ về khó khăn thử thách trong khởi nghiệp (ảnh: Minh Hiệp)

Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng được gặp gỡ CEO và nhà sáng lập của Công ty XtayPro, là đại diện cho thế hệ sinh viên Việt Nam tại Đức đã khởi nghiệp để chia sẻ về thái độ khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam tại nước ngoài cũng như những khó khăn thử thách ban đầu của các startup. XtayPro là một ứng dụng kết nối các shipper (người vận chuyển hàng) quốc tế với người mua hàng xách tay ở Việt Nam. Ngoài việc hỗ trợ nhu cầu dung hàng chất lượng quốc tế của người Việt trong nước, XtayPro còn là giải pháp đầy tính nhân văn cho các shipper không chuyên như du học sinh, kiều bào lao động ở nước ngoài nhằm tiết kiệm chi phí trong những lần bay. Đến với sự kiện, các đồng sáng lập và CEO của XtayPro đã chia sẻ những con số điển hình về hiện trạng khởi nghiệp tại Đức so với các nước trên thế giới và giải đáp những thắc mắc của các bạn sinh viên về những thử thách đối với người trẻ khởi nghiệp.

Các bạn sinh viên tham gia sự kiện “Khởi Nghiệp, Tại Sao Không?”

Là diễn giả khách mời của sự kiện “Khởi Nghiệp, Tại Sao Không?” lần này, ông Phạm Duy Hiếu - cho biết: ‘‘Các bạn sinh viên Việt Nam học tập và làm việc tại CHLB Đức là một thế hệ du học sinh được đào tạo bài bản, rất thông minh và có tố chất. Điều này được thể hiện qua cách các bạn tiếp cận vấn đề, đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề. Việc cần làm lúc này là kích hoạt sự sáng tạo và xây dựng niềm tin, thay đổi cách tư duy để các bạn sinh viên bước ra khỏi vùng an toàn, sẵn sàng lựa chọn sự khởi đầu cho sự nghiệp của mình một cách đúng đắn và trách nhiệm. Từ đó chúng ta sẽ có những ý tưởng khởi nghiệp của những người mạnh cả về năng lực và năng lượng‘‘

Xuyên suốt sự kiện, các bạn sinh viên có những khoảng thời gian để trao đổi riêng với các khách mời, trình bày những dự định và xin lời khuyên cho ý tưởng của mình. Bên cạnh đó, “Khởi Nghiệp, Tại Sao Không?” còn là cơ hội cho các bạn sinh viên thiết lập những mối quan hệ, chia sẻ thông tin và tìm kiếm người đồng hành trong quá trình biến ý tưởng thành hiện thực của mình. Kết thúc sự kiện, các bạn sinh viên gửi những lời nhận xét rất tích cực và hy vọng được tham gia những sự kiện cùng chủ đề trong tương lai.

Thái Ngọc Bảo Trâm-  Chủ tịch Hội Sinh Viên Việt Nam tại Berlin Potsdam (người áo trắng bên trái)

Đáp lại mong muốn này, bạn Thái Ngọc Bảo Trâm-  Chủ tịch Hội Sinh Viên Việt Nam tại Berlin Potsdam chia sẻ: ‘‘Sự kiện “Khởi Nghiệp, Tại Sao Không?” đã thành công hơn mong đợi và thực sự tạo ra một sân chơi mới cho các bạn sinh viên - những „ cầu thủ“ muốn quyết định cuộc chơi của mình. Thay mặt Hội Sinh Viên Việt Nam tại Berlin Potsdam, tôi mong nhân được sự hỗ trợ từ các tổ chức, hội đoàn của người Việt Nam tại Đức để những sự kiện tương tự được diễn ra thường xuyên và chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi sẽ hết mình để trở thành cầu nối cho các bạn sinh viên với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài Việt Nam.”

Tọa đàm...

Ban tổ chức “Khởi nghiệp, Tại Sao Không?” tin rằng đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy các bạn sinh viên, học sinh tận dụng nền nảng kiến thức vững chắc để tư duy sáng tạo, hành động biến ý tưởng thành hiện thực. Đó không chỉ là cánh cửa cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ mà còn là một vùng đất đầu tư tiềm năng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân ở Đức, Việt Nam cũng như toàn thế giới.

Và sau đây là một số hình ảnh ghi lại tại sự kiện “Khởi Nghiệp, Tại Sao Không?” diễn ra ngày 04.08.2018 tại Berlin, CHLB Đức (ảnh: Minh Hiệp):

Nhóm họp để trình bày ý tưởng Startup của mình

Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm

Người viết bài: Giang Dao, Hội sinh viên Việt Nam tại Berlin-Potsdam 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan