KIỀU BÀO HỌC LÀM BÁO BẰNG ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
13/10/2020 | 21:52
Chuyên mục: Văn hóa & Văn nghệ
0 bình luận
KIỀU BÀO HỌC LÀM BÁO BẰNG ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG

Khóa học trực tuyến “Nghiệp vụ báo chí” do Ban dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu tổ chức bước sang buổi học thứ 12. Buổi học do Ths Vũ Thế Cường, Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, giảng dạy với chủ đề “Làm báo bằng điện thoại di động”.

Việt Nam hiện là một trong những thị trường có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao trên thế giới. Điều đó, đồng nghĩa với việc phương thức tiếp cận thông tin của công chúng cũng khác trước. Họ đọc báo, lướt web bằng chính chiếc điện thoại di động, vật bất ly thân của mình. Do đó, việc làm báo bằng điện thoại di động đang là xu hướng.

Tại buổi học này, các học viên được tiếp cận và phân biệt một số thuật ngữ: "Làm báo trên điện thoại di động khác với làm báo bằng điện thoại di động". Qua sự chỉ dẫn của thầy Vũ Thế Cường, làm báo bằng điện thoại di động không khó như nhiều người vẫn tưởng.

Phương tiện để làm báo bằng điện thoại di động khá đơn giản. Chỉ cần có điện thoại thông minh, một chiếc chân máy có thiết bị điều khiển từ xa và một chiếc tai nghe là các học viên kiều bào có thể trở thành một cộng tác viên, một “phóng viên hiện trường” đưa thông tin về một sự kiện ở ngay hiện trường mình đang đứng một cách nhanh chóng và chân thực.

Giảng viên chỉ ra việc tác nghiệp trên điện thoại di động như thế nào cho hiệu quả. Trước tiên là chọn góc quay sao cho vừa có hình ảnh đẹp, lại vừa có chất lượng âm thanh tốt nhất. Thứ hai là cách quay. Trong trường hợp không có chân máy, tư thế cầm điện thoại quay video ra sao để hạn chế độ rung ở mức thấp nhất.

Cũng trong buổi học, thầy Vũ Thế Cường đã chia sẻ với lớp một số phần mềm ứng dụng hỗ trợ cho việc tác nghiệp bằng smartphone, bao gồm: soạn thảo văn bản, chụp và xử lý ảnh, quay và dựng video, audio và đồ họa. Đây là những phần mềm hữu dụng góp phần hỗ trợ, tạo ra các sản phẩm báo chí một cách nhanh chóng nhất.

Giảng viên và Ban dự án tin tưởng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều cây bút kiều bào với nhiều tác phẩm đẹp về cộng đồng được thực hiện bằng điện thoại di động, kéo gần kiều bào với quê hương và kéo gần Việt Nam với thế giới hơn./.

Nguồn: Nguyen Lan Phuong 

---------

*** BBT Viet-bao.de xin đăng cảm nhận của Chủ dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, nhà báo, tiến sĩ Bích Yến sau buổi học:

THẤU HIỂU

- "Chúng tôi đã đồng hành cùng nhau gần ba tháng trong hai Khóa Nghiệp vụ Báo chí-truyền thông và MC. Càng đi chúng tôi dường như càng cảm thấy gần gũi, thấu hiểu và thương mến nhau hơn. Buổi học nào cũng kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ nhưng vẫn không ai muốn rời đi vào phút cuối. Mặc cho lệch múi giờ, mặc cho thời gian đã dài gấp đôi so với qui định của lớp học.
 
Các học viên kiều bào đặc biệt này là những trí thức, doanh nhân, sinh viên, học viên kiều bào… đến từ 10 quốc gia. Dù tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị của họ có khác nhau nhưng họ có điểm chung đó là lòng tự tôn dân tộc và lòng biết ơn Tiên Tổ. Thế nên, nhất định, khi cùng nhau chúng tôi sẽ làm được những việc có ý nghĩa cho cộng đồng.
 
Tình yêu thương chân thành đã làm lên thương hiệu của chúng tôi - của Ban DA - của khóa học đặc biệt này! Các thầy cô, chuyên gia báo chí tham gia giảng dạy lớp này rồi thì dù ít dù nhiều cũng đều quyến luyến trước những tình cảm chân thành ấy.
 
Chúng tôi hy vọng được gặp nhau và gặp các thầy cô trong một thời gian sớm nhất!
 
Xin kính chúc các thầy cô, chuyên gia, các anh chị kiều bào luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an!".
 
Trước khi kết thúc, thày trò giao lưu sau bằng những lời thơ, câu hát... Buổi học nào cũng lưu luyến chẳng muốn chia tay...
Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan