LƯƠNG Y LÀ BẠN HIỀN.

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
06/12/2018 | 21:50
Chuyên mục: Cuộc sống cộng đồng
0 bình luận
LƯƠNG Y LÀ BẠN HIỀN.

Loay hoay lôi két bia từ giàn dưới cùng của chiếc xe hàng lên, mãi không được. Tôi cúi xuống dùng hết sức giật nó ra khỏi nơi đang bị mắc kẹt. Cùng lúc tôi thấy nhói đau nơi sống lưng. Cũng nghĩ bình thường. Nhưng khi xếp hàng xong, chui vào xe ngồi xuống ghế, cơn đau chợt trào lên buốt nhói. Đau tê tái, cứng người, trào nước mắt. Nhất là mỗi lần gặp đèn xanh, đèn đỏ phải đạp phanh, cơn đau càng dữ dội. Lần mò mãi mới về đến nhà. Cũng nghĩ nằm một chút sẽ đỡ. Ai dè, nằm một lúc muốn dậy đi Toillet mà không thể đụng cựa. Chỉ cần nhúc nhích người, cơn đau từ sống lưng thốn buốt đến tận óc. Đành phải gọi thằng con bé nhưng to cao, kéo chân, xốc nách mãi mới đứng được dậy. Đi phải còng còng dò dẫm từng bước như ông lão 90. Còn ngồi thì chịu hẳn.

Tôi trở lại giường nằm mà tưởng tượng bao điều rắc rối sẽ đến. Ngồi không ngồi được. Đi không đi được. Nằm cũng không trở mình được nói gì đến đi làm. Cửa hàng thì thiếu người. Bà vợ thì về phép. Con đi học. Xoay xở sao đây?
 
Bỗng nhớ đến ông bạn làm diện chẩn. Có vài lần tôi đau đớn xương cốt đâu đó, gặp ông bạn chỉ trong vòng chưa đến tiếng đồng hồ là cơn đau dứt. Nhưng hôm nay là thứ 7. Lại tối muộn thế này. Hoặc là ông bạn đã về nhà bên mâm cơm ấm cúng cùng vợ con. Hoặc đang dự tiệc đâu đó. Nhưng có bệnh thì vái tứ phương. Tôi cầm điện thoại gửi đi một tin nhắn mang tính SOS. Nhưng chờ 30 phút không thấy hồi âm. Tôi đành gọi cho thằng con trai lớn. “Bây giờ bố không ngồi được nên không thể chở bố đến bệnh viện. Chỉ còn mỗi cách gọi xe cấp cứu. Tiền bác sỹ bảo hiểm trả. Nhưng tiền xe mình phải thanh toán. Cũng không rẻ. Và quan trọng họ đến cũng chỉ tiêm giảm đau chứ chẳng còn cách khác”. Nghe thằng con tư vấn mà ngao ngán. Nhưng không có cách nào thì cũng phải gọi bác sỹ cấp cứu chứ cứ nằm đau thế này để chết ư? Đúng lúc đó màn hình di động bật sáng. Là tin nhắn hồi âm của ông bạn:”Tôi đến chữa mà ông ngồi được dậy thì phải cùng tôi đi nhậu nhé”. Dù đọc cái tin nhắn mang tính tếu táo, tôi cũng mừng quýnh, hối hả viết:”Ông mà làm tôi dậy đi lại được, tôi tình nguyện đãi thầy và lạy thầy cả nón”. “Không cần phải thế. Bạn bè lúc này mới cần nhau. Tôi đang ngồi trong Đồng Xuân. Sẽ đến ông sau 10 phút và sẽ làm ông dậy, đi lại được”. Nghe giọng khẳng định của ông bạn mà bán tín, bán nghi. Không phải tôi không tin. Nhưng tôi không tin là có phép nào mầu nhiệm đến thế. Khi một người đang không cử động được lại có thể đứng lên, ngồi xuống, đi lại bình thường mà không cần phải tiêm chích, thuốc thang.
 
Lương y diện chẩn Lưu Quang Trung đang chữa bệnh cho cho bệnh nhân.

Ông bạn đến chóng vánh hơn mong đợi, tay xách hộp đồ nghề giọng hỉ hả: ”Số ông son lắm đấy. Vì tôi vừa đi chữa cho một người Đức nên đồ nghề đang mang theo. Xong việc, một người bạn gọi vào Đồng Xuân uống bia, hát Karaoke, vừa đặt đít được một lúc vô tình nhìn điện thoại thấy tin nhắn của ông. Chứ ngồi thêm chút nữa bia rượu vào rồi có biết ông đau cũng chịu. Làm nghề này phải tỉnh táo, khỏe mạnh thì trị bệnh cho người mới có hiệu quả”. Tôi sốt ruột xoắn hỏi: ”Ông kiểm tra xem liệu tôi có ngồi dậy được như ông nói không?”. Vừa chuẩn bị đồ nghề, cũng chưa động vào người tôi, ông bạn đã phán:”Ông yên tâm. Tôi chỉ làm 30 phút là ông dậy được. Nhảy Disco cũng được. Chuyện này với tôi đơn giản như ông nấu bát súp”. Và quả thật, sau khi tìm huyệt hơ hương ngải cứu, các điểm tắc nghẽn trên lưng của tôi như được thông bằng một ngọn lửa tuy nhói rát nhưng từ đó lan tỏa một hơi nóng chạy rần rật khắp vùng bị đau, dễ chịu vô cùng. Chỉ sau 20 phút tôi có thể ngồi dậy để tiếp tục hơ hương thông các huyệt trên đầu. Đúng 30 phút, vừa tàn một cây hương ngải cứu, tôi có thể đứng lên, ngồi xuống và uốn éo thân mình theo một giai điệu nhạc Disco trong sự ngỡ ngàng của thằng con trai bé và trong nụ cười mãn nguyện của ông bạn thầy thuốc.

Khi nỗi lo lắng về cái lưng tan biến tôi mới thấy mình đói và ông bạn lương y cũng thú nhận cả buổi chiều mải chữa bệnh cũng chưa kịp ăn gì. Phát huy khả năng chuyên môn, chỉ 15 phút vào bếp, tôi đã bưng ra món canh cá nấu dưa và đĩa thịt bò xào tỏi thơm phức. Lại sẵn chai rượu ngon cậu con trai bé tặng hôm sinh nhật, hai người bạn, bệnh nhân và thầy thuốc chén tạc, chén thù và chém gió. Toàn chuyện chữa bệnh và nghề thầy thuốc gian nan, vất vả nhưng cũng không giấu được niềm hãnh diện, tự hào. Trong men rượu ông bạn bả lả vỗ vai tôi: ”Đấy ngày đó mà tôi không quyết định chuyển nghề và ông không ủng hộ thì giờ đây ông đâu có một thầy thuốc lại là bạn ở ngay bên cạnh”. Điều bạn nói gợi nhớ câu chuyện 5 năm trước. Đang tự kinh doanh với cửa hàng cửa hiệu đàng hoàng, lại có nghề cuốn Shushi đẳng cấp, thu nhập ổn định, nhiều người mơ không được. Bỗng sau lần về Việt Nam tìm mộ người cha liệt sỹ, gặp được người làm diện chẩn nơi phố huyện, khi sang lại Đức sằng sặc bán cửa hàng theo nghề diện chẩn. Ban đầu cũng chẳng định sống bằng nghề. Đơn giản là đam mê và với tâm nguyện chữa bệnh cho chính mình. Đó quả là duyên nghiệp, là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề.
 
Rồi đến khi thành nghề, chữa trị được nhiều bệnh, có nơi hành nghề đàng hoàng ngay trong trung tâm thương mại Đồng Xuân - một trung tâm buôn bán lớn nhất của người Việt tại Đức - được nhiều người biết và tìm đến. Bỗng nhiên lại đùng đùng bỏ cả đống tiền xây dựng một nơi khám chữa bệnh mới, ngoài mặt đường to, phố chính giữa thủ đô Berlin để chữa bệnh cho người Đức bằng phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc của người Việt. Công sức, tiền của bỏ ra quả không uổng. Chỉ sau một thời gian ngắn, tiếng lành đồn xa, nơi chữa trị bệnh bằng phương pháp diện chẩn giữa thủ đô Berlin đó đã tấp nập người lui tới mà phần đông bệnh nhân lại là người Đức. Đến bây giờ, muốn đến chữa bệnh, dù là bạn bè, vẫn phải gọi điện trước để lấy hẹn.
 
Tôi vẫn luôn tâm đắc rằng, làm bất cứ nghề gì, muốn thành công phải có ít nhất hai điều tiên quyết: một là đam mê, hai là năng khiếu. Đam mê khiến người ta dành hết sực lực và tâm trí vào công việc mà không nản lòng. Còn năng khiếu làm người ta sáng dạ để tinh thông nghề nghiệp hơn người. Mỗi lần được ông bạn chữa bệnh, tôi xem như một buổi bổ túc về y lý, về bệnh học và cơ thể học. Vừa chữa ông vừa nói về nguyên nhân, cách chữa và cách phòng bệnh. Mình có gì băn khoăn cần hỏi đều được giải thích một cách cặn kẽ, khoa học và dễ hiểu. Tôi đã từng gặp và mạn đàm với thầy Bùi Quốc Châu - sư phụ của ông bạn tôi. Trong dịp thầy sang Berlin, cũng như lần phụ tá ông bạn sang tận Paris để học một lớp nâng cao về nghề, tôi cũng được nghe thầy giảng về phương pháp diện chẩn. Đấy là một cách đào tạo theo kiểu truyền nghề. Các học viên chỉ cần nắm được các huyệt đạo và phương pháp chữa mà không cần hiểu về y lý. Cách dạy đó sẽ đẻ ra hàng loạt thợ mà khó để tạo ra một thầy. Muốn làm thầy phải tự trau dồi và bổ sung nhiều kiến thức cần thiết. Nếu không có niềm đam mê thì không thể dành ra biết bao thời gian, công sức đọc và học nhiều như vậy. Còn nếu không có năng khiếu thì không thể hiểu để vận hành hàng đống kiến thức cho những phương pháp chữa trị tưởng đơn giản như diện chẩn. Công sức đó cũng được đền đáp bằng hiệu quả chữa trij cho bệnh nhân. Nhưng điều làm ông bạn tôi tâm đắc nhất chính là nhờ cách trị bệnh hiệu quả đó cho người mà không cần thuyết phục, cậu con trai mới ngoài hai mươi tuổi của ông đã quyết chí, tự nguyện học bố, theo nghề bố bằng cả sự đam mê như có từ trong gen di truyền. Giờ cháu đang theo học lớp chuyên ngành về chữa trị bệnh bằng phương pháp cổ truyền do người Đức dạy. Hết giờ học cháu ra giúp bố tiếp bệnh nhân và học những gì do bố truyền giảng. Trong tương lai gần, người Việt ở Đức có thêm một thầy thuốc trẻ chữa trị bệnh cho cộng đồng và cho người Đức bằng phương pháp diện chẩn.
 
Trong lơ mơ men say tôi nhìn ông bạn mình rắn rỏi, hồng hào, quắc thước bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Với tướng mạo này chẳng ai đoán đấy là người đàn ông đã hơn 64 tuổi. Cái quan trọng không phải là sự trẻ trung mà là sắc diện của một người đầy năng lượng, sung mãn, tự tin và hài lòng với chính mình. Mà hài lòng cũng phải, vì cái nghề mình chọn đem lại sức khoẻ cho chính mình. Vừa thỏa mãn đam mê làm nghề mà vẫn sống được bằng nghề mình yêu thích. Vừa giúp mình, vừa giúp đời. Hỏi mấy ai không mong muốn vậy? Và một điều không kém phần quan trọng, là để người Đức và bạn bè quốc tế biết đến DIỆN CHẨN như một cách chữa bệnh không dùng thuốc mới mang tính cổ truyền của Việt Nam.
 
Cơ sở chữa bệnh bằng phương pháp diện chẩn tại 191 phố Prenzlauer Allee, 10405 Berlin. 
 
Ông bạn đó của tôi chính là lương y Lưu Quang Trung. Người mà cộng đồng người Việt ở Berlin gắn nghề của ông vào tên ông để gọi một cách thân mật: Trung diện chẩn.
 
Nguồn: Hùng Lý. Berlin những ngày đầu tháng 12.2018 - Ảnh bìa: Thầy Trung diện chẩn đang thuyết trình về đề tài:”Những phương pháp diện chẩn trong điều trị bệnh cổ, vai, gáy” trong một lớp học về diện chẩn tại Thủ đô Pari. 
Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan