MIỀN BẮC: Mưa lũ lịch sử - Hơn 90 người chết và mất tích - Bão Khanun đang tiến vào Biển Đông và liên tục mạnh lên

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
13/10/2017 | 15:24
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
MIỀN BẮC: Mưa lũ lịch sử - Hơn 90 người chết và mất tích - Bão Khanun đang tiến vào Biển Đông và liên tục mạnh lên

Trận mưa lũ lịch sử ở Bắc và Bắc Trung Bộ đã khiến 54 người chết, 39 người mất tích. Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến sáng 13/10, mưa lũ đã làm 54 người thiệt mạng, 39 người mất tích.

Trong số 54 người chết, Sơn La có 6 người, Yên Bái 6 người, Hòa Bình 17 người, Thanh Hóa 14 người, Nghệ An 9 người, Hà Nội 2 người.

39 người mất tích, Sơn La có 2 người, Yên Bái 16 người, Hòa Bình 15 người, Thanh Hóa 5 người, Quảng Trị 1 người.

Về tài sản, mưa lũ làm 189 ngôi nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập và khoảng 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Hơn 5.700 gia súc chết và bị lũ cuốn trôi.

Tìm thấy 9 thi thể trong vụ sạt lở đất vùi lấp 18 người ở Hòa Bình

Vào 1h30 ngày 12/10, do mưa lớn nên tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra, vùi lấp 18 người và nhiều nhà dân.

Ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình cho biết, có tất cả 4 gia đình, tổng cộng là 18 người bị đất đá từ trên núi sạt lở vùi lấp. Lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình đã điều động 2 xe ô tô cùng hơn 20 cán bộ chiến sĩ phối hợp Công an huyện Tân Lạc tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Ông Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hòa Bình thông tin: “Tôi đang trực tiếp ở hiện trường vụ sạt lở, lãnh đạo tỉnh và các lực lượng chức năng, bộ đội, công an… cũng đang ở hiện trường chỉ đạo và tiến hành cứu hộ. Đêm qua, tại khu vực xã Phú Cường không xảy ra lũ ống, sự cố xảy ra là do lở nửa quả núi vùi lấp 18 người và nhiều căn nhà.

Đến chiều 12/10, khoảng 300 người đã được huy động để tìm kiếm các nạn nhân. Lực lượng tìm kiếm đã tích cực sử dụng máy móc thiết bị dò tìm, camera, máy dò nhiệt, chó nghiệp vụ để tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích. Xung quanh khu vực xảy ra sạt lở đã bị lực lượng chức năng phong tỏa.

Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình đã tìm được 9 thi thể nạn nhân.

Vỡ đê ở Hà Nội và Thanh Hóa, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập sâu

Ông Lê Trung Hà – Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, vào khoảng 6h ngày 12/10, đê sông Bùi 2 (thuộc xã Hoàng Văn Thụ và xã Tân Tiến) đã bị vỡ. Sự cố vỡ đê không gây thiệt hại về người nhưng khiến khoảng 200 hộ dân bị ngập sâu. Các lực lượng vẫn đang khẩn trương khắc phục.

Theo ông Hà, ngay từ sáng sớm, khi nhận được thông tin đê vỡ, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện và địa phương đã về tận hiện trường chỉ đạo khắc phục. 

Trong khi đó, tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), khoảng 3h50 ngày 12/10, do mưa lớn, nước sông Cầu Chày (một nhánh của sông Chu) dâng cao khiến đoạn đê qua thôn Quang Hoa bị vỡ. Đây là đoạn cống đang xây dựng, nước sông dâng cao, xoáy sâu vào mép cống, khiến đoạn đê bị vỡ 4-5m.

Để cứu đê, cứu người, ngăn nước lũ tràn vào làng, hàng trăm người gồm các chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân và người dân đã được huy động cả đêm. Tính đến 11h ngày 12/10, đoạn đê này mới cơ bản được hàn gắn, tuy nhiên nguy cơ mất an toàn vẫn rất cao.

Tại hiện trường, chiếc máy múc loại lớn đã được huy động thả xuống làm điểm tựa để đắp đất đá bảo hộ đê. Chiếc máy múc này có giá cả trăm triệu đồng.

Được biết, đoạn đê này không phải bị vỡ ở trên mặt mà bị vỡ ngầm lồng ở dưới mặt đê. Vì đoạn vỡ này to nên phải thả một chiếc xe múc xuống để lắp chỗ hổng đó, sau đó chèn, đắp đất đá gia cố đê.

Hiện tại ở Thọ Xuân, Thanh Hóa trời vẫn mưa, nước sông lên nhanh nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, vỡ đê có thể tiếp tục xảy ra.

Chia sẻ với VTC News, chị Nguyễn Quế, một người dân thôn Phong Cốc (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho biết: "Tôi ở làng Phong Cốc, làng tôi nằm giữ sông Chu và sông Cầu Chày nên lúc nào cũng lo nơm nớp. Hôm trước (10/10) thì rạn đoạn đê ã Thọ Trường, hôm qua (11/10) tràn đê xã Thọ Thắng, hôm nay vỡ đê xã Xuân Minh. Chưa bao giờ tôi thấy lũ khủng khiếp như thế này".

Trao đổi với PV VTC News ngay tại hiện trường, ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: "Năm nay, lũ lên cao và quá nhanh. Trên sông Chu qua huyện Thọ Xuân, nước lên trên báo động 3, vượt đỉnh lũ mọi năm. Cả đêm qua, lãnh đạo huyện Thọ Xuân và toàn bộ lực lượng 4 tại chỗ ở địa phương đã được huy động túc trực liên tục để chống lũ hộ đê". 

Ông Hải cũng cho biết thêm, trên toàn tuyến đê sông thuộc địa phận huyện Thọ Xuân còn rất nhiều điểm xung yếu, nguy cơ mất an toàn rất cao. Toàn bộ hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động mọi nguồn lực để chống chọi với lũ lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo tất cả các xã thuộc lưu vực các sông trên địa bàn triển khai phương án di dân lòng sông; tổ chức di dời tài sản, gia súc, gia cầm về nơi tránh trú an toàn. Cụ thể: Số hộ dân vùng ngập lụt có khả năng phải di dời: 5.835 hộ; số hộ đã tổ chức di dời: khoảng 4.390 hộ tập trung ở các xã Xuân Hòa, Xuân Thiên, Xuân Yên, Phú Yên, Thọ Diên, Thọ Hải, Thị trấn Lam Sơn, Thọ Trường, Xuân Khánh, Thọ Nguyên, Thị trấn Thọ Xuân, Hạnh Phúc, Xuân Trường, Tây Hồ, Xuân Tân. Địa điểm di dời đến chủ yếu: Trong nội bộ thôn, đến trường học, nội bộ xã, ở lại trên nhà tầng, lên đê và di dời đi xã khác…

Tại các thôn của xã Thọ Hải bị cô lập và bị ngập (650) hộ; làng Hợp Tiến, xã Xuân Vinh (90 hộ); các thôn xã Quảng Phú bị chia cắt, trong đó thôn 13 bị cô lập (100 hộ); thôn Đồng Cổ xã Xuân Thiên bị cô lập (110 hộ); Thôn Phong mỹ 1, Phong Mỹ 2 bị cô lập số 200 hộ, Xuân Hòa 600 hộ; Xuân Yên 300 hộ.

Bão Khanun đang tiến vào Biển Đông và liên tục mạnh lên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 1h ngày 13/10, vị trí tâm bão Khanun ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 122,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 1h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 117,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,0 đến 21,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và còn có khả năng mạnh thêm.

 Đến 1h ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.

Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >