MỸ ĐIỀU TRA HUAWEI, CÁO BUỘC CÔNG TY TRUNG QUỐC ĂN CẮP BÍ MẬT THƯƠNG MẠI

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
17/01/2019 | 00:25
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
MỸ ĐIỀU TRA HUAWEI, CÁO BUỘC CÔNG TY TRUNG QUỐC ĂN CẮP BÍ MẬT THƯƠNG MẠI

Các công tố viên Mỹ đang điều tra công ty công nghệ Trung Quốc Huawei với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại và có thể sớm đưa ra một bản cáo trạng, theo Wall Street Journal.

Theo Wall Street Journal, cuộc điều tra liên quan đến một thiết bị mà T-Mobile sử dụng để kiểm tra điện thoại thông minh.

Huawei gần đây phải đối mặt với các cáo buộc rằng hoạt động ở nước ngoài của công ty này bị chi phối bởi chính phủ Trung Quốc và thậm chí liên quan đến hoạt động gián điệp, bất chấp các lãnh đạo công ty kịch liệt phủ nhận.

Năm 2018, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ đồng loạt cấm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc tham gia vào các hợp đồng của chính phủ.

Người sáng lập Huawei Technologies Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) cho biết ngày 15/1 rằng công ty chưa bao giờ là gián điệp cho Bắc Kinh hoặc cấp quyền truy cập vào "thông tin không hợp lệ" cho bất kỳ quốc gia nào. Người sáng lập Huawei nhấn mạnh rằng ông "chưa bao giờ nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ bất kỳ chính phủ để cung cấp thông tin không hợp lệ".

Ngày 12/1, truyền thông Ba Lan đưa tin một trong những giám đốc kinh doanh Huawei tại Ba Lan và một cựu nhân viên cấp cao của Cơ quan An ninh nội bộ Ba Lan (ISA) bị bắt ở nước này vì nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc.

Ngay sau đó, công ty Trung Quốc đã chấm dứt hợp đồng với Vương Vĩ Tinh (Wang Weijing), nhân viên bị chính quyền Ba Lan bắt giữ. Huawei nhấn mạnh rằng công ty này luôn tuân thủ các quy tắc và luật pháp của các quốc gia mà họ hoạt động và yêu cầu tất cả nhân viên của mình tuân thủ các luật và quy định liên quan.

Theo đài truyền hình TVP của Ba Lan, nghi phạm khác, được xác định là Piotr D., là nhân viên của ISA cho đến năm 2011, nơi ông giữ chức phó trưởng phòng bảo mật thông tin, đồng thời là cố vấn cho người đứng đầu bộ phận điều tra.

Việc từ chức của ông được cho là liên quan đến bê bối tham nhũng trong các cuộc đấu giá công khai, nhưng không có cáo buộc nào được đệ trình chống lại ông. Piotr D. được cho là có quyền truy cập vào thông tin về cách vận hành hệ thống liên lạc của chính phủ Ba Lan, nơi bí mật chuyển dữ liệu nhạy cảm cho lãnh đạo của đất nước.

Nguồn: Vtc.vn -  Phương Ang (theo Sputnik) . Ảnh bìa Internet

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...