´NẾU BẠN KHÔNG TIN CHÍNH MÌNH THÌ AI LÀ NGƯỜI TIN BẠN´

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
04/03/2022 | 22:32
Chuyên mục: Thế hệ trẻ
0 bình luận
´NẾU BẠN KHÔNG TIN CHÍNH MÌNH THÌ AI LÀ NGƯỜI TIN BẠN´

Cuối tháng 9, nhân dịp Tiến Sĩ Karikó Katalin trong một chuyến viếng thăm quê hương Hungary, tôi có vinh dự được tiếp chuyện với Bà trong cuộc gặp nhỏ, một sự kiện chuẩn bị cho giải Nobel.

Dù không đạt giải như kì vọng của đa số các nhà khoa học, bà vẫn được ghi nhận với hơn 70 giải thưởng uy tín trên toàn thế giới vì đóng góp cho nhân loại: vacicne công nghệ m-RNA.

Nhưng để được đỉnh vinh quang hiện tại bà đã trải qua nhiều cay đắng, kể cả chê bai và cười cợt. Cùng là người làm nghiên cứu, tôi hiểu cảm xúc khi phải đối mặt với thất bại chiếm đến hơn 90% thời gian nghiên cứu.

- "Vậy đâu là động lực để bà vượt qua hơn 30 năm?" - Đó là câu hỏi của tôi dành cho bà.

- “Nếu bạn không tin bản thân mình thì ai là người tin bạn?" Câu trả lời đã nói lên tất cả.

Công nghệ m-RNA là gì và tại sao nó được ứng dụng để làm vacicne?

Để làm vaccine chống Covid19, theo cách truyền thống người ta sử dụng virus bất hoạt đưa vào cơ thể để kích hoạt Hệ Miễn Dịch tạo kháng thể đặc hiệu để chống lại virus thật khi nó tấn công chúng ta. Đây là cách mà vaccine Sinopharm sử dụng.

Giải pháp tân tiến hơn là dùng virus lành tính được biến đổi mang gen của virus Sars Cov-2. sau đó được đưa vào cơ thể để sản xuất ra Protein S, dấu hiệu nhận diện của virus để HMD kích hoạt tạo kháng thể. Công nghệ này được gọi là vector, được sử dụng để làm ra vaccine Sputnyik của Nga, Astra Zeneca của Anh và Janssen của Mỹ. Cả hai công nghệ trên đều có điểm yếu là thời gian nghiên cứu lâu mất vài tháng thậm chỉ cả năm, vì vậy sẽ không theo kịp sự đột biến của virus và khó sản xuất nhanh để đáp ứng số lượng lớn.

Trong đại dịch lần này, điểm tích cực nhất chính là sự phát hiện ra vaccine công nghệ mRNA. Thay vì dùng virus để sản xuất protein S, người ta chỉ cần cấy một “ thông tin di truyền” của virus là đoạn mRNA vào cơ thể và bắt tế bào của chính chúng ta tự sản xuất ra protein S, nhờ đó cơ thể được kích hoạt tạo kháng thể. Vaccine của Pfizer-BioNtech và Moderna được làm theo công nghệ này với tác dụng bảo vệ tốt trên 94% và ít tác dụng phụ.

Điều quan trọng nhất của thành quả này là chỉ trong vài tuần là có thể tạo ngay được vaccine để chống lại các biến chủng mới giúp đối phó kịp thời với dịch bệnh trong tương lai.

Công nghệ này cũng mở ra một chương mới trong việc làm vaccine chống UNG THƯ, HIV, SỐT RÉT, CÚM MÙA và các bệnh khác.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng nghiên cứu sử dụng mRNA của bà trong 30 năm trời từng bị các đồng nghiệp chê bai và nhạo báng. Ý tưởng được cho là điên rồ và vô dụng vì mRNA không bền vững thường bị phân hủy ngay trong cơ thể nên chẳng ai dùng nó cả. Bản thân bà liên tục thất bại khi chưa tìm được cách để đưa được chuỗi mRNA vào cơ thể mà không bị chính Hệ Miễn Dịch phát hiện và tiêu diệt.

Và đến năm 1997, trong một lần tình cờ dùng máy photocopy, bà gặp Tiến sĩ Drew Weissman một đồng nghiệp mới chuyển về. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy tạo tiền đề cho hợp tác nghiên cứu, họ đã thay đổi một nucleoside của mRNA để giúp nó “tàng hình” trước sự phát hiện của tế bào Hệ Miễn Dịch và giúp nó tồn tại trong cơ thể lâu hơn.

Đây là mấu chốt cuối cùng để công trình mRNA vô dụng ấy được đưa vào ứng dụng và trở thành công trình vĩ đại cho công cuộc tạo vaccine cho loài người chống lại dịch bệnh.

30 năm cay đắng

Karikó Katalin sinh năm 1955 ở Szolnok, một thành phố nhỏ ở phía bắc Hungary, trong gia đình có bố là tiểu thương, mẹ là kế toán. Bà theo học đại học và làm tiến sĩ chuyên ngành sinh học tại Trường đại học Szeged ở miền nam Hungary. Sau đó, Bà làm việc tại Viện Nghiên cứu sinh học Szeged từ năm 1978 - 1985. Sau khi nhận quyết định thôi việc do viện có chế độ giảm cán bộ, Bà cùng chồng và con nhỏ rời quê hương để sang Mỹ với con gấu bông được dấu 1.000 usd vì thời đó tối đa chỉ được mang theo 100 Usd . 

Sang Mỹ, ban đầu bà làm việc tại trường đại học Phildelphiai Temple. Sau 3 năm, bị đuổi việc phải chuyển sang trường đại học Washington. Đến năm 1989, Bà quay về lại Bang Phildelphia để nghiên cứu tại trường đại học Pennsylvania. 

Tuy nhiên số phận vẫn không mỉm cười với Bà khi sau 18 năm gắn bó, lần thứ 3 trong đời Bà lại bị đuổi việc với lý do: công trình nghiên cứu mRNA không có giá trị ứng dụng thực tiễn nên không xin được các tài trợ nghiên cứu. Thậm chí bà chưa bao giờ được chính thức là giáo sư giảng dạy. 

Năm 2014, một lần nữa phải ra đi, bà gia nhập vào cty BioNtech của Đức với chức danh phó chủ tịch. Nhiều người chế nhạo vì cho rằng đây là “công ty vô danh tiểu tốt, đến trang web còn chẳng có”. Trong mắt mọi người bà là “KẺ ĐIÊN RỒ” và vô dụng.

Vinh Quang chỉ đến cho người biết kiên nhẫn

Đại dịch kéo đến, năm 2020 Bà và các đồng nghiệp tại BioNtech đã tiên phong tạo ra vaccine để kịp thời khống chế dịch bệnh. Công trình mRNA được ghi nhận và vinh danh toàn cầu và được cho là một trong những công trình vĩ đại nhất giúp ích cho loài người hiện tại và mai sau để chống lại bệnh tật trong đó có cả Ung thư. 

Với hơn 70 giải thưởng Bà chỉ đủ thời gian để nhận một nửa, chồng bà đã nới rộng nhà ở để có thể đựng hết cúp và kỉ niệm chương mà Bà nhận được năm qua sau 30 năm cay đắng. Cuối cùng Bà đã có thể hưởng quả ngọt mà mãi sau 65 tuổi mới được nếm trải 

Những người vĩ đại thường là những người giản dị và khiêm tốn. Bà cũng vậy, nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, nhẹ nhàng, đơn giản và ấm áp. Đời của bà như một câu chuyện cổ tích có hậu, thắp sáng niềm tin cho các nhà khoa học hay cho tất cả mọi người “hãy tin vào chính mình”.

Thật hạnh phúc và tự hào khi trên quê hương Việt Nam đã vinh danh bà bằng giải thưởng VinFuture, mà về giá trị hiện kim có lẽ là vô đối. Tự hào vì nước nhà đã trân trọng khoa học, dấu hiệu đáng mừng cho một tương lai tươi sáng khi biết lấy Tri Thức làm trọng.

Budapest 22-01-2022
TS Hóa dược Phạm Trường Sơn (Hungary) 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan