Người đàn bà trên cùng chuyến bay - Nguyễn Mai Lê (Sân bay Matxkova, 29.6.2017)

Đăng bởi:
17/08/2017 | 23:17
Chuyên mục: Văn hóa & Văn nghệ
0 bình luận
Người đàn bà trên cùng chuyến bay -  Nguyễn Mai Lê (Sân bay Matxkova, 29.6.2017)

Sân bay Nội Bài đầy ắp người, tuy là có điều hoà nhưng có thể do hơi nóng phả ra từ hàng ngàn con người nên cảm giác bức bối và ngột ngạt làm tôi rất khó chịu.

Đứng cách tôi gần chục người trong cái rào xếp hàng là một phụ nữ. Ấn tượng về chị giữa hàng trăm hành khách làm tôi không thể không quan tâm. Chị đi Tây?! Vậy mà nhìn chị như sắp đi ra chợ huyện, chỉ thiếu cái nón lá đội trên đầu và thừa cái túi ngoắc lủng lẳng chéo từ vai trái sang hông phải. Trước mặt chị là lỉnh kỉnh mấy kiện hàng, các thùng xốp và thùng giấy quấn băng dính chằng chịt với những dòng chữ nguệch ngoạc ghi tên và địa chỉ. Từ xa tôi đọc được dòng chữ: "Matxkova".

Tiếng cô nhân viên hàng không nhắc chị, khi chị cứ lúng túng dấu cái túi xách tay thứ 2 sau lưng:

- "Hành lý cô cân đủ rồi, khách "Vip" cũng không được xách tay nhiều hơn so với quy định đâu ạ. Cô cứ đưa nốt túi kia cho cháu xem, nếu thừa là phải bỏ lại. Nếu cô dấu diếm cũng không thoát ở phần kiểm tra trước khi vào chỗ biên phòng. Cô đi suốt rồi còn cố tình vi phạm"!

Chị năn nỉ:

- "Lần này nữa thôi. Cô chót hứa mang cho mấy đứa cháu ít quả tươi. Cháu thông cảm cho cô..." - Nói rồi chị cũng chìa cái túi với cân nặng hơn 14kg ra. Đương nhiên là phải vứt lại không ít quà "các cháu đã dặn" mang sang.

Vậy là tôi đã hết thắc mắc về 4 kiện hành lý nhiều gấp mấy lần người thường và các túi xách tay của chị. Chị là khách "Vip", chị trong diện "Phi đội bay"- tên mọi người hay gọi khi nói về những người bay đi, bay về kiếm tiền trong các chuyến bay.

Tôi vào phòng cách ly sau khi đã qua hết các cửa kiểm tra rất thuận tiện, nhìn đồng hồ còn hơn một giờ nữa mới tới lúc được vào máy bay. Đây là những lúc thoải mái nhất khi được ngả lưng vào ghế. Tôi kiểm tra lại toàn bộ giấy tờ mang theo, lòng nhẹ nhõm vì qua được hết các ải kiểm tra. Thích nhất là được nhắm mắt lại, tĩnh tâm và chờ đợi... Chợt có tiếng động mạnh bên cạnh, mở mắt nhìn sang thì hoá ra là chị, người đàn bà chưa quen biết nhưng như là có duyên, chị đã đến ngồi cạnh tôi.

Tôi thấy chị đang xếp lại các túi. Chẳng biết bằng cách nào mà chị "thoát"được an toàn thế. Chị mở cái vali xách tay nhỏ, trong đấy có cơ man nào là nhãn, na, hạt sen, quả thanh long, sấu xanh, cà pháo.v.v.v... tôi tò mò:

- "Làm sao mà mang được nhiều thế? Lúc nãy tôi tưởng chị đã vứt ra thùng rác rồi cơ mà"?

Chị cười, nụ cười đúng là như bắt được vàng:

- "Vâng! Em vứt ra nhưng em lại nhặt. Sau đấy em chia nhỏ hễ gặp cô, cậu nào đi nhẹ nhàng là em nhờ cầm hộ. Nhìn thấy chỉ có quả tươi các cháu cầm cho chị ạ. May quá vậy là ổn rồi"!

- "Chị đi nhiều nên quen, còn tôi chỉ thừa tầm 1 kg là trống ngực đã đánh thồm thộp. Chân tay bỗng lóng ngóng dù đã cân kỹ ở nhà. Vì thế tôi chẳng dại gì mang quá cho nó khổ thân". Tôi buột miệng nói.

Chị nhìn tôi, trong ánh mắt có chút ngạc nhiên nhưng chỉ là thoáng qua:

- "Em hồi đầu cũng vậy, "Cái khó nó bó cái khôn". Nhưng lâu dần nó cũng quen. Với lại giả sử có bị vất, thì tính tiền Việt cũng không đáng là bao".

Tôi lại bị cái bệnh tò mò nổi dậy. Tôi cố tình hỏi chuyện chị mà như vô tình:

- "Ôi! Sao cô giỏi thế, đúng là thần kinh thép! Tôi cứ nhìn thấy mấy cháu hàng không và biên phòng là tự nhiên cảm giác căng thẳng rồi. Cô đi tây lâu chưa?".

- "Chị ơi! Em đi gần 20 năm rồi. Em ở Nga, cả gia đình em cũng ở bên ấy. Làm ăn ngày càng khó khăn, em theo mấy đứa bạn đi kiểu này kiếm thêm chút thu nhập".

- "Vậy cũng có thâm niên đi Tây lâu rồi nhỉ? Chồng cô và các cháu ổn cả chứ? Mà thân đàn bà cứ bay đi bay lại thế này, ăn ngủ thất thường sinh bệnh đấy nhé. Làm gì cũng phải nghỉ cho bản thân mình trước cô à"!

Chị đang vui, chợt buông tiếng thở dài. Tôi không ngờ người đàn bà trước mặt tôi lại vất vả đến vậy. Chị buồn buồn kể:

- "Năm 2000, em theo bạn bè sang Nga. Ban đầu chỉ mình em, rồi cũng tập đi buôn bán hàng vải ở các chợ quanh Matxkova. Cuộc sống cô đơn lại vất vả, không muốn gia đình tan tác như một số bạn bè khác. Em chạy cho chồng con sang. Phải mấy năm em mới trả được các khoản vay mượn để đoàn tụ gia đình. Cuộc sống xứ người thật vất vả lại bấp bênh. Đủ ăn đủ tiêu, còn dư chút tiền mua vé về thăm hai bên nội ngoại là được chị à".

Tôi phụ hoạ thêm:

- "Ở đâu cũng thế thôi. Ở đâu cũng phải kiếm tiền bằng sức lực của mình. Nhưng đi tây xa vời vợi, cái giá phải trả quá lớn. Nhiều gia đình thất bại bồng bế nhau về, sau mấy năm lại thấy quay sang. Chắc về Việt Nam cũng không chịu được".

- Em đã từng như thế rồi. Hai vợ chồng thất nghiệp, hai đứa con tiếng Nga thạo hơn tiếng Việt. Lại thêm cái mác"đi tây" nên nhiều khi cũng đau đầu vì bà con nội ngoại không thông cảm... về được vài năm lại quay sang, giờ thì kệ thôi. Cứ bám đất Nga, khi nào họ đuổi thì về... Hồi trước, có thời kỳ làm ăn tàm tạm, cứ dôi ra đồng nào là gửi về nhờ bố mẹ giữ hộ. Rồi ông bà cũng mua cho đám đất, rồi cũng làm được cái nhà để ông bà và cô, chú em chồng ở cho nó đàng hoàng. Giờ về, chẳng lẽ đòi lại nhà, mà ở chung thì chật chội quá. Nhà cửa ông bà đứng tên bao năm nay. Đang tính bao giờ ông bà trăm tuổi, bán cái nhà, thêm vào ít tiền rồi đổi sang chỗ khác cho bọn trẻ nhà em về có chỗ ở... ông bà mới nói ý ấy, nhưng khổ cái anh em nhà chồng phản ứng gay gắt. Bảo là công sức của ông bà và cô, chú bao năm nay xây dựng. Nhà giờ là của chung...Em buồn và hụt hẫng quá. Chồng em thì chẳng phản ứng gì... Vậy là gần 20 năm lăn lộn, vẫn tay trắng chẳng có gì của riêng mình cả... Có ai biết cho những tủi nhục vất vả xứ người đâu. May quá, hai đứa con em ngoan chị ạ. Bọn chúng biết chia sẻ với bố mẹ nên ngoài giờ đi học chúng vẫn ra cửa hàng phụ cùng. Em cũng hy vọng chúng lớn lên biết cách xoay xở cho bản thân. Vợ chồng em vẫn kẽo kẹt đến lúc nào không làm được thì sẽ quay về quê hương. Còn bọn trẻ chắc chúng không về hẳn".

Chị tự nhiên kể với tôi rất nhiều về cuộc đời của chị. Những khó nhọc, lo toan của người vợ, người mẹ luôn là gánh nặng không biết nói cùng ai. Có lẽ những phụ nữ xa xứ đều là vậy, tôi nhìn thấy quanh tôi biết bao người đàn bà như thế... Nhưng, với một người đàn bà đi tây gần 20 năm, lên sân bay quốc tế với cái quần vải rộng ống, với cái áo phông đơn giản, lại lỉnh kỉnh với những kiện hành lý chằng buộc và dấm dúi từng cân quả tươi trốn tránh con mắt của hàng không... Tôi biết với chị, đơn giản là sau những chuyến bay dài hàng mười mấy tiếng, những thứ chị mang sang bán ra, chị lãi được bao nhiêu đô la. Mỗi tuần hai chuyến bay về, hai chuyến bay sang, mỗi tháng có bốn tuần, mỗi năm có 12 tháng. Số lần bay của chị cứ vậy tăng lên và chị ăn, ngủ, thức cùng những phép tính mua gì, bán gì sao cho hiệu quả...! Tôi nhìn chị, vừa cảm thông, vừa lo sợ cho phương thức kiếm tiền của chị liệu có duy trì được dài lâu hay không?... Biết đâu do sức khoẻ có vấn đề? Biết đâu do khách quan đưa lại?...

Tiếng loa mời mọi người ra cửa xếp hàng vào máy bay. Tôi thong thả chào chị, chị bỗng kéo tay tôi lại nói nhỏ:

- "Chị chẳng có gì xách tay, vậy chị xách hộ em cái túi cà pháo này nhé. Em sợ bọn Nga kiểm tra lại cân nặng lần nữa".

Tôi miễn cưỡng vì cái túi nặng thật, có dễ 7-8kg. Nếu như người khác tôi đã từ chối. Nhưng với chị tôi không nỡ... Vào máy bay tôi trao trả chị, quên cả hỏi tên chị là gì. Trong tôi hình ảnh người đàn bà đi tây cứ ám ảnh suốt cả chặng đường bay...

Nguồn: Quê Việt Báo

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >