NHÀ THƠ-NHẠC SĨ NGUYỄN TRỌNG TẠO RA ĐI, ĐỂ LẠI MỘT ´KHÚC HÁT SÔNG QUÊ´

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
08/01/2019 | 23:18
Chuyên mục: Văn hóa & Văn nghệ
0 bình luận
NHÀ THƠ-NHẠC SĨ NGUYỄN TRỌNG TẠO RA ĐI, ĐỂ LẠI MỘT ´KHÚC HÁT SÔNG QUÊ´

Theo thông tin từ gia đình, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo qua đời tối 7/1 tại Hà Nội sau một thời gian lâm bệnh.

Nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 tại Diễn Châu (Nghệ An). Ông nhập ngũ năm 1969. Đến năm 1976 ông được Tổng cục Chính trị cử về Hà Nội tham gia Trại viết văn quân đội rồi vào học Trường viết văn Nguyễn Du (khóa 1).

Năm 2000-2005 ông là Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Trưởng ban biên tập báo Thơ - thuộc báo Văn Nghệ (2003-2004).

Trong làng văn nghệ Việt Nam, Nguyễn Trọng Tạo là một nghệ sỹ đa tài. Không chỉ khẳng định mình trong văn chương (với những tập thơ, trường ca, văn xuôi, tiểu luận-phê bình sâu sắc), ông còn là một nhạc sỹ tài hoa (với nhiều sáng tác đi cùng năm tháng), một họa sỹ giàu sức sáng tạo.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là tác giả của hơn 400 bài thơ. Những tác phẩm tiêu biểu của ông được tập hợp trong nhiều tựa sách như “Gửi người không quen,” “Sóng thủy tinh,” “Đồng dao cho người lớn,” “Thế giới không còn trăng,” “Tình ca người lính,” “Con đường của những vì sao”…

Bên cạnh đó, không ít thi phẩm của Nguyễn Trọng Tạo đã được các nhạc sỹ phổ nhạc, tiêu biểu như “Một dại khờ một tôi” (nhạc sỹ Phú Quang), “Cỏ và mưa” (nhạc sỹ Giáng Son)…

Trong vai trò nhạc sỹ, Nguyễn Trọng Tạo là tác giả của gần 100 ca khúc. Nhắc tới vị nhạc sỹ tài hoa này, giới mộ điệu sẽ khó có thể quên được những nhạc phẩm như “Làng quan họ quê tôi” (lời thơ Nguyễn Phan Hách), “Khúc hát sông quê” (lời thơ Lê Huy Mậu), “Đôi mắt đò ngang,” “Tình ca bên một dòng sông,” “Nghe biển ru đêm,” “Tình ca hoa cúc biển,” “Con dế buồn”…

Ngoài ra, trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Nguyễn Trọng Tạo còn vẽ bìa cho nhiều cuốn sách, vẽ minh họa và tham gia thiết kế mỹ thuật cho nhiều tờ báo, tạp chí…

Sinh thời, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo được vinh danh ở nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật như Giải thưởng thơ hay Báo Văn nghệ, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam… Đặc biệt, năm 2012, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với tác phẩm: “Đồng dao cho người lớn”“Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc)”./.

Nguồn: AN NGỌC (VIETNAM+)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan