NHÌN LÊN VÀ NHÌN XUỐNG

Đăng bởi:
29/06/2016 | 23:28
Chuyên mục: Văn hóa & Văn nghệ
0 bình luận
NHÌN LÊN VÀ NHÌN XUỐNG

Mỗi khi muốn an ủi về một việc gì đó không thành, „nhạc mẫu đại nhân“ nhà tôi thường hay nói: Con ạ, nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống cũng còn nhiều người không bằng mình! Đúng là trong cả cuộc đời ai cũng có lúc nhìn lên hay nhìn xuống, nhưng mấy ai suy nghĩ thấu đáo về cái sự nhìn này.

Vậy tuổi nào nhìn lên và tuổi nào thì nhìn xuống ? Khi còn trẻ người ta hay thích nhìn lên, nhìn lên để phấn đấu không ngừng : học trò thì muốn có điểm tốt, thi đỗ đại học; học xong thì có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập cao thì càng hay; rồi có chức này chức nọ cho bằng anh bằng em. Nhưng khi mọi sự đã an bài, đã có mọi thứ thì là lúc nhìn xuống để chiêm nghiệm cuộc sống. Cuộc đời cứ vùn vụt trôi qua. Vừa qua cái tuổi ba mươi „tam thập nhi lập“ (ba mươi tuổi lập thân) đã đến cái tuổi „ngũ thập tri thiên mệnh“ tức là năm mươi tuổi biết được mệnh trời.

Nhưng việc nhìn lên, nhìn xuống cũng còn mang một ý nghĩa khác, sâu xa hơn, hàm ý cả một sự nhân văn trong đó.

Người trẻ tuổi ngước lên nhìn người lớn tuổi hơn bầy tỏ sự kính trọng về tuổi tác, kinh nghiệm. Người lớn tuổi nhìn người trẻ tuổi hơn với sự bao dung, độ lượng như kiểu „tre già ôm lấy măng non“, „con hơn cha là nhà có phúc“. Trong hệ thống hành chính, cấp dưới nhìn cấp trên với sự phục tùng và hy vọng được che chở; cấp trên nhìn cấp dưới hàm ý chỉ đạo, nhưng cũng đầy biết ơn vì „thần thiêng nhờ bộ hạ“.

Còn phép lịch sự? Có câu „người dưới lễ phép với người trên là nghĩa vụ“„người trên lịch sự với người dưới là sự sang trọng“!

Tiếc thay cuộc đời ngày càng thưa vắng sự sang trọng!

Nguồn: Nguyễn Hữu Tráng

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >