NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI VÀ HOẠT ĐỘNG QUẢNG BÁ CÀ PHÊ Ở BERLIN

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
20/02/2018 | 04:39
Chuyên mục: Kết nối kinh tế
0 bình luận
NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI VÀ HOẠT ĐỘNG QUẢNG BÁ CÀ PHÊ Ở BERLIN

Trong Báo cáo của Hiệp hội nhập khẩu cà phê Đức về tình hình trồng, sản xuất, xuất và nhập khẩu cà phê trên thế giới („Kaffeereport 2016“), có một số số liệu khá gây chú ý cho giới kinh tế.

Mọi người thường nghĩ cà phê Italia hay cà phê uống theo kiểu Mỹ Starbuck thịnh hành ở mọi nơi trên thế giới ắt cũng sẽ thịnh hành ở Đức, một nước thịnh vượng nằm ở trung tâm Châu Âu; hay thứ nước uống thông dụng ở Đức là bia với Lễ hội bia nổi tiếng thế giới ở München hàng năm. Thực tế cũng không hoàn toàn như vậy. Chính cà phê mới là thứ đồ uống mà dân Đức ưa thích nhất. Theo thống kê thì 23,8% người dân uống mỗi ngày 2 cốc cà phê; 23,2% 3 cốc; 18,1% 4 cốc và 2,9% uống hẳn 10 cốc một ngày. 

Cách uống cà phê ở mỗi nước cũng khác nhau, như ở miền Nam nước ta uống thịnh hành cà phê sữa đá hoặc đen đá; ở miền Bắc thiên về sữa nóng hoặc đen nóng; dân Italia thích uống epresso hay cappuccino v.v. Riêng dân Đức hơi „bảo thủ“ trong cách uống và vẫn giữ truyền thống từ nhiều năm qua đó là uống cà phê phin pha tại nhà. Không chỉ người già mà cả cả người trẻ tuổi cũng như vậy : 58,3% từ 18-34 tuổi; 65,3% từ 35-49 tuổi và 77% từ 50 đến 64 tuổi; 95,9% nam và 96,9% nữ giới uống tại nhà, trong khi chỉ 23,1% đối với nam và 20,7% nữ uống ở bar hay bistro. Đến Berlin hay bất kỳ thành phố lớn nào ở Đức nếu thấy quán Starbuck hay Einstein Cafe´ đông đúc thì hẳn đa số họ là khách du lịch.

Máy pha cà phê các loại là mặt hàng bầy bán nhiều ở các cửa hàng điện tử và cũng là quà tặng mà người Đức hay tặng bạn bè, người thân. Lý do là đến 71,8% gia đình có máy pha cà phê tại nhà.

Và như vậy cà phê len lỏi vào từng gia đình, từng ngóc ngách, từng phòng khách hay văn phòng ở Đức và bình quân mỗi người Đức tiêu thụ 5,16 kg cà phê mỗi năm.

Nhưng do thời tiết khí hậu ở Đức lại hoàn toàn không phù hợp với việc trồng và sản xuất cà phê nên đương nhiên Đức hoàn toàn phụ thuộc vào cà phê nước ngoài. Ấy vậy nhưng ngoài một vài nhãn cà phê của Italia tuyệt không thấy cà phê nước ngoài nào trên kệ ở các siêu thị. Các nhãn cà phê thịnh hành nhất ở Đức là Dallmayr, Melitta, Eduso Gala, Darboven do các tập đoàn, công ty như Nestle´, Jacobs hay Tshibo phân phối, trong số này thì Jacobs Krönung đứng đầu bảng. Nhưng câu hỏi cà phê này từ đâu đến có vẻ ít người tiêu dùng Đức quan tâm tìm hiểu vì cà phê đối với họ đã quá gắn bó, quá thân thương và bình dị như vốn từ xưa đến nay vẫn vậy.

Lấy thí dụ, năm 2013 Việt Nam thu hoạch tổng cộng 20 triệu bao tải cà phê thô (60kg) nhưng chỉ một phần rất nhỏ được tiêu thụ tại Việt Nam, còn lại gần 20% xuất sang Đức (hiện nay là khoảng 25-30%). Tại Đức nhiều loại cà phê Việt Nam còn được chế biến thành thành phẩm xuất sang nước thứ ba. 

Việt Nam liên tục trong những năm qua từ chỗ đứng vị trí thấp vươn lên đứng thứ hai thế giới. Nước xuất khẩu cà phê số một thế giới là Braxin năm 1970 xuất khẩu 962.629 tấn cà phê thô, năm 2000 đạt 967.042 tấn, đến năm 2013 đạt đến mức 1.503.713 tấn nhưng vẫn bị tụt xuống hàng thứ hai sau Việt Nam. Vào năm 1970 Việt Nam chỉ xuất được 2344 tấn cà phê thì năm 2000 đã đứng thứ hai thế giới với 733.900 tấn sau Braxin và đến năm 2012 đã vượt lên cả Braxin đạt mức 1.732.156 tấn. Nếu tính theo doanh thu thì từ nguồn xuất cà phê chúng ta có 1 triệu USD năm 1970, 500 triệu năm 2000 và 3.673 triệu USD năm 2012.

Tóm lại trên bản đồ cà phê thế giới hiện nay chỉ có ba „siêu cường“ đó là Braxin, Việt Nam và Columbia. Việt Nam là nước có mức tăng trưởng diện tích trồng cà phê nhanh nhất thế giới, từ năm 1970 đến 2013 tăng đến 3043%, trong khi Bra-xin lại giảm 13,2%.

... QUẢNG BÁ CÀ PHÊ VIỆT TẠI BERLIN :

Tối 9/2 vừa qua tại Trung tâm thương mại lớn ở trung tâm Tây Berlin, gần 200 khách đã được chứng kiến lịch sử hình thành ngành công nghiệp cà phê, từ chỗ gần như số không sau chiến tranh, đến cường quốc thứ hai thế giới, qua thước phim phát trên kênh MDR. Ông Kaulfuss một trong những chuyên gia đầu tiên của CHDC Đức dù đã 89 tuổi vẫn giữ nguyên những ấn tượng ban đầu khi đến Tây Nguyên gần 40 năm trước và hứa vẫn sẽ tiếp tục sang VN để góp phần quảng bá cho thương hiệu cà phê Việt.

Thương vụ Việt Nam tại Đức xin cảm ơn Hội Đức-Việt, Hội Doanh nghiệp VN tại Đức, HÂN Coffee Roaster GmbH Berlin đã phối hợp tổ chức thành công hoạt động có ý nghĩa này.

Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018 xin chúc quý vị, bạn bè gần xa sức khỏe và thành công!

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Đức

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >