NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ TÁC ĐỘNG CỦA VACCINE NGỪA COVID-19 ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
17/11/2021 | 09:53
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ TÁC ĐỘNG CỦA VACCINE NGỪA COVID-19 ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Sau đây là tóm tắt ba nghiên cứu gần đây về tác động của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với sức khỏe, trong đó có một nghiên cứu cần được tiến hành thêm để củng cố kết quả và chưa được giới chuyên gia đánh giá.

Nghiên cứu đầu tiên cho thấy không có mối liên quan giữa việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 với sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. 

Nhiều phụ nữ cho biết họ nhận thấy có sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Để tìm hiểu khả năng này, một nghiên cứu đã được thực hiện với sự tham gia của 1.273 phụ nữ ở Anh. Những người tham gia nghiên cứu đã lưu giữ cẩn thận thông tin về chu kỳ kinh nguyệt của mình và ngày tiêm vaccine. Chuyên gia về miễn dịch học tái tạo thuộc Đại học Hoàng gia London, Victoria Male cho biết các nhà khoa học không phát hiện có mối liên quan giữa việc tiêm vaccine và sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Chuyên gia trên cho biết phần lớn những người thông báo về sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm vaccine, sau đó ghi nhận chu kỳ kinh nguyệt của họ đã trở lại bình thường. Bà Male nhấn mạnh các nghiên cứu khác cũng không phát hiện bằng chứng cho rằng vaccine ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở phụ nữ. Kết quả nghiên cứu trên đã được đăng trên trang medRxiv ngày 14/11 và đang chờ đánh giá của giới chuyên gia.  

Nghiên cứu thứ hai cho thấy việc tiêm cùng lúc vaccine ngừa COVID-19 và vaccine phòng cúm là an toàn, đồng thời sẽ giúp làm tăng tỉ lệ tiêm chủng. Kết quả nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí The Lancet số ra ngày 11/11. 

Các nhà nghiên cứu đã chọn theo ngẫu hứng 697 tình nguyện viên trưởng thành để tiêm mũi vaccine thứ hai của hãng Pfizer/BioNTech hoặc vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford, cùng với 1 trong số 3 vaccine ngừa cúm trong mùa cúm 2020-2021, gồm vaccine FluAd hay Flucelvax của hãng Seqirus (Anh) hoặc vaccine Flublok của hãng Sanofi (Pháp) hoặc giả dược.  

Kết quả cho thấy phần lớn các tình nguyện viên sau khi tiêm cùng lúc hai loại vaccine này có các phản ứng ở mức độ nhẹ và vừa phải, đồng thời không gây tác động tiêu cực cho phản ứng miễn dịch. Do vậy, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận rằng việc tiêm cùng lúc 2 loại vaccine sẽ giảm tải cho hệ thống y tế trong chương trình tiêm chủng, cho phép sử dụng vaccine đúng hạn đồng thời phòng chống được bệnh COVID-19 và cúm. 

Trong khi đó, nghiên cứu thứ ba được thực hiện về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các bệnh nhân ung thư gan.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Pháp trong 7 tháng đầu năm nay đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho 306 bệnh nhân ung thư gan, 70% trong số này gần đây được điều trị theo liệu pháp ức chế hệ miễn dịch vốn làm tổn thương khả năng của cơ thể trong phản ứng với vaccine. Các bệnh nhân có kháng thể với COVID-19 từ lần nhiễm trước chỉ được tiêm một mũi vaccine trong khi phần lớn các bệnh nhân được tiêm đủ 2 mũi. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 10% bệnh nhân không phát triển kháng thể trong phản ứng với 2 mũi tiêm đầu tiên và được tiêm mũi vaccine tăng cường. Sau đó, hầu hết bệnh nhân này đã xuất hiện kháng thể, chỉ trừ 3 bệnh nhân có mắc rối loạn máu - được biết tới là nguyên nhân làm giảm tính hiệu quả của vaccine. 

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư gan mắc COVID-19 là 30%. Trong nghiên cứu này, chỉ có 8 bệnh nhân ung thư gan mắc COVID-19 thể nhẹ. Do nghiên cứu được thực hiện trên quy mô nhỏ và không ngẫu nhiên, nên các nhà nghiên cứu cho rằng cần tiến hành nghiên cứu thêm để xác nhận những kết quả này.

Nghiên cứu trên đã được công bố ngày 14/11 và sắp đăng tải trên tạp chí Journal of Thoracic Oncology.

Nguồn: Minh Châu (TTXVN)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >