TÂN CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: NHÀ VĂN VIỆT NAM DÁM MƠ GIẤC MƠ LỚN...

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
27/11/2020 | 23:10
Chuyên mục: Văn hóa & Văn nghệ
0 bình luận
TÂN CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: NHÀ VĂN VIỆT NAM DÁM MƠ GIẤC MƠ LỚN...

Ở tuổi 63, Nguyễn Quang Thiều tự nhận mình vẫn là chàng trai trong sáng tạo nghệ thuật, với ý tưởng dạt dào. Ở cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông nhìn ra những khó khăn, những thách thức, những công việc cần làm ngay. Nhưng tác giả Sự mất ngủ của lửa nhìn con đường phía trước bằng tinh thần lạc quan, tin tưởng và khuyến khích hội viên trong Hội nuôi dưỡng giấc mơ, tạo cảm hứng sinh nở tác phẩm để đời.

PV: Việc đầu tiên ông muốn làm ở cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là gì?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thực ra việc nào cũng quan trọng. Nhưng có một công việc mà Ban chấp hành (BCH) muốn làm và cá nhân tôi muốn làm: Cải cách lại tờ báo Văn nghệ. Bởi đó là diễn đàn có lẽ duy nhất của nhà văn, lại có tính truyền thống, có uy tín rất lớn trong quá khứ. Đây là việc đầu tiên cần làm cũng là ý nguyện của những thành viên BCH khóa IX, nói lại với tôi sau đại hội.

Một vấn đề khác, chắc chắn ông và BCH mới quan tâm, làm thế nào để tác phẩm văn học Việt Nam  gần gũi hơn với công chúng? Như ông thấy hiện tại văn hóa đọc đang kêu cứu và một sự thật, nhiều tác phẩm văn chương của ta, ngay cả tác phẩm được giải thưởng, càng ngày càng khó tiếp cận độc giả, nhất là độc giả trẻ?

Chúng ta không phải không có những tác phẩm hay, không phải không có tác phẩm ý nghĩa. Nhưng đôi lúc những tác phẩm đó được vùi giấu đâu đó, nó chỉ thể hiện đời sống của nó trong một phạm vi rất hẹp của bạn đọc. Điều này một mặt là lỗi của nhà văn không quảng bá nó, cũng là lỗi của các cơ quan liên quan, trong đó Hội Nhà văn có liên quan cao nhất. Chúng ta phải phát hiện tác phẩm hay, để tôn vinh và làm lan tỏa nó. Còn nếu chọn nhầm tác phẩm thì sau một vài lần sẽ đánh mất niềm tin của độc giả. “Thượng đế” sẽ trở nên ngờ vực những “món ăn tinh thần”.

PV: Như vậy, Hội Nhà văn cũng cần lấy lại niềm tin của dư luận vào giải thưởng văn chương để chúng trở lại vị thế  danh giá như đã từng?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Muốn có giải thưởng danh giá phải tìm ra tác phẩm danh giá, để tôn vinh. Sau một vài lần tôn vinh đúng, lòng tin bạn đọc sẽ được phục hồi. Nhưng tôi tin nền văn học của chúng ta đang có những dấu hiệu tốt. Bởi vì, ngay qua cuộc thi tiểu thuyết vừa rồi, những tác phẩm như Từ Dụ Thái Hậu của Trần Thùy Mai,  Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, hay những tác phẩm khác đi trên mép của sự nhạy cảm và chênh vênh nhưng phản ánh trung thực, hướng tới điều tốt đẹp. Tất cả đều là những đốm sáng của hy vọng.

PV: Kích thích sự dũng cảm của nhà văn trong hành trình sáng tạo có phải là việc nên làm của ông và BCH trong nhiệm kỳ này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đúng thế. Trong bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng đã nêu rõ sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này. Đó là tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, của sự quả cảm trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù nguy hiểm của dân tộc trong hòa bình như sự vô cảm, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác...

PV: Còn câu chuyện đưa văn chương Việt ra thế giới thì sao, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ có nhiều cách để làm nhưng chúng ta không cần cách gì mới mẻ lắm đâu. Chúng ta chỉ thực hiện trên những cách đơn giản mà các nước trên thế giới đã làm. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng nên xây dựng những trang web bằng tiếng Anh hoặc bằng những thứ tiếng phổ cập khác là điều cần thiết. Chúng ta có thể ra những tạp chí bằng tiếng Anh theo định kỳ như nhiều quốc gia khác. Chúng ta gửi những tác phẩm văn chương đến các hội chợ sách, các thư viện lớn trên thế giới, các viện nghiên cứu trên thế giới... Chúng ta cần bền bỉ như tôi nói vui giống Mai An Tiêm khắc tên mình vào những quả dưa hấu gửi ra biển. Chúng ta cần tiếp xúc với các hệ thống xuất bản sách trên thế giới... Nhưng còn một điều chúng tôi phải nỗ lực kiếm tìm là nguồn ngân sách cho những hoạt động này. Tôi nghĩ rằng bằng sự nỗ lực, tâm huyết  của Hội Nhà văn, có thể các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ chìa bàn tay ra để cùng chúng tôi mang hình ảnh dân tộc Việt Nam ra thế giới trong một sản phẩm đặc biệt, đó là sách.

PV: Theo ông, nhà văn Việt Nam có quyền mơ những giấc mơ xa như là giải Nobel chẳng hạn?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cái tồi tệ nhất có thể dìm con người trong bóng tối đó là không có giấc mơ. Bất kỳ một số phận nào không mang giấc mơ thì không thể đi qua nổi cuộc đời đầy rẫy những bất trắc này. Nhà văn có quyền có khát vọng đó. Nhưng tôi thấy khi nhà văn Việt Nam nói đến giấc mơ đó họ bị không ít ánh mắt mỉa mai. Tại sao không dám mơ? Xã hội Việt Nam, lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam, những biến động ở Việt Nam là những dữ liệu quan trọng nhất để làm nên một tác phẩm lớn.

Xin cảm ơn tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam!

Nguồn: suckhoedoisong.vn - DIỆU BẢO (thực hiện)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan