TẢN MẠN NGÀY TẾT Ở XỨ TÂY

Đăng bởi:
11/02/2016 | 19:32
Chuyên mục: Văn thơ
0 bình luận
TẢN MẠN NGÀY TẾT Ở XỨ TÂY

Tết! Đã từ lâu rồi với tôi vô nghĩa, có lẽ tôi đã quá già rồi chăng, Tết đến cận kề vẫn chạy ngược chạy xuôi theo guồng máy công việc ở đất này. Người Việt Nam ở đây rất nghèo thời gian, triền miên năm này sang năm khác, từ 13 đến 14 giờ làm việc mỗi ngày và hầu như không có ngày nghỉ, đa số người Việt ở Berlin sống bằng nghề kinh doanh hoa, hoa quả, và hàng ăn, những nghề mà người Đức ít kiên nhẫn phục vụ...

Trước Tết một tuần tôi đi dạy kèm cho hai cháu mẹ bán hoa có gian hàng trong một bến tàu điện ngầm, gặp tôi cô vui vẻ nói: „Xong rồi chị ạ, xong 1000 eur cho cái Tết của đại gia đình ở Việt Nam rồi, giờ đến cái Tết ở đây“. Cái Tết ở đây chỉ cần vài trăm lo không khó, nhưng khó nhất là thời gian, đón Tết vào lúc nào khi mà mặt trời chưa mọc đã phải đi làm và mặt trời lặn từ lâu mới về đến nhà, các cụ Tổ Tiên đã đậm giấc nồng rồi.

Đi đến một bến tàu điện ngầm khác cũng có một gian hàng hoa quen, cô em gói cho tôi một gói to tướng cơ man nào là hoa: „Chị cầm về chưng cho đời thêm tươi, hoa đẹp lắm“. Tôi chợt nghĩ: „Hoa làm đẹp cho đời còn em thì héo hon theo năm tháng“. Tôi hỏi em:

- „Em ăn Tết vào lúc nào?“. - „Em không cúng được vào lúc nào cả, em có lỗi với bố em, thôi thì em thắp hương cho cụ buổi tối về bằng hoa quả, còn bữa ăn thì lúc nào ăn và ăn gì thì mời ông về dùng cùng vậy“.

Ngày 28 Tết đi dạy kèm cho hai cô bé học trò cưng của tôi thương lắm, đó là hai đứa trẻ thiệt thòi, bố mẹ chia tay nên ba cô con gái sống với mẹ. Cô con gái lớn học đại học giờ dọn ở riêng, còn hai con gái nhỏ thì ở với mẹ… Suốt ngày người mẹ làm việc ở cửa hàng hoa lạnh lẽo buốt giá chôn vùi tuổi trẻ xinh đẹp vào công việc hai tay lạnh cóng nứt nẻ vì bó hoa, vậy nhưng có ý thức đầu tư công việc học hành cho con lắm. Tuần Tết này lại trùng với ngày nghỉ đông cho nên các cháu ở nhà, suốt ngày ở trong nhà mẹ khóa cửa để hai chị em với nhau mỗi lần dạy tôi phải đến cửa hàng lấy chìa khóa nhà. Khi tôi đến để dạy cháu lúc 3 giờ chiều cô mừng lắm và nói:

- „Cuối tuần em bận đi lấy hoa sớm đến giờ chưa chuẩn bị gì cho các cháu ăn cả, bác giúp em nấu cho cháu nồi cơm“. Tôi vẫn thỉnh thoảng giúp em làm việc đó, cầm chìa khóa về mở cửa, hai đứa chạy ra ôm hôn tôi rất mừng. Tôi tranh thủ cho hai đứa làm bài tập giải thích rõ sau đó canh giờ, để các cháu làm bài, tôi chạy xuống bếp mở tủ lạnh ra, không có gì ngoài 2 củ xu hào và một cây bông cải, hai đứa nhỏ thích ăn món bông cải luộc chấm nước mắm…

Khi dạy xong lúc về, qua cửa hàng hoa, tôi hỏi em: - „Sao em chưa chuẩn bị gì cho cúng Tết sao?“. Em nói: „Em không có thời gian nên như mọi năm em nhờ người ta nấu rồi mang đến tối em về thắp hương“.

Tôi cảm thấy đắng lòng và chua chát cho thân phận người Việt Nam ở trời Tây này, người ta sống làm việc không có định nghĩa thời gian và luôn hướng về quê, lo lắng rất nhiều cho người ở nhà, ở đây chưa có cái Tết cho chính gia đình mình nhưng đầu tiên vẫn nghĩ về cái Tết cho Đại gia đình ở Việt Nam.

Một gia đình khác tôi dạy kèm cho hai anh em, gia đình có 4 con, đứa lớn học lớp 5, đứa nhỏ 2 tuổi, người mẹ chăm chỉ, quanh năm may sửa quần áo cho „thượng đế“, vào những ngày Tết cổ truyền này em gói bánh chưng, làm các loại chả, suốt ngày bên nồi bánh chưng để phục vụ cộng đồng, có hôm đi dạy tôi nhìn thấy em kéo xe nặng bánh chưng đến các ga tàu điện ngầm để bán cho người Việt Nam có gian hàng ở đó.

Còn gia đình tôi cũng vậy, ai cũng bận mỗi người một nghề vợ chồng tôi cũng đi dạy suốt ngày đến ngày 28 tối về chạy vào siêu thị tìm con gà và đặt hai bánh chưng mang về để ngày chủ nhật sau khi dạy cho các cháu ở trường Sao Mai về, lao vào bếp chuẩn bị loay hoay 2 tiếng đồng hồ cuối cùng tôi cũng có một mâm cổ thắp hương cho các cụ và nghĩ: „Chắc các cụ sẽ thông cảm, không đúng luật lệ thủ tục như ở nhà chỉ có lòng thành và niềm tin hướng về các cụ“.

Ngày Tết ở đây là như thế, dần rồi cũng quen cố nuốt nổi buồn nhìn về quá khứ, đã từng có những cái Tết ấm áp tuổi thơ bên má bên anh chị em, nhớ nhất lúc còn bé gia đình gói bánh tét chúng tôi ngồi để xí phần cái nhỏ cho từng đứa, sau đó nằm trên chiếc chiếu ở sân gạch nhìn trời đếm sao và canh bánh, đến sáng giật mình thức dậy thấy mấy đứa ngủ ngoài sân đứa nào cũng có cái chăn phủ lên mình, ấm áp và bình yên. Ký ức trong tôi ngày trước Tết cùng gia đình lặt lá mai, để tết đến nhìn những bông vàng lung linh trong nắng tôi yêu vô cùng, và không thể quên được mùi trầm hương quyện khói suốt ngày trên bàn thờ ấm áp và thiêng liêng.

27 năm rồi tôi không có cảm xúc đó, thèm được nhìn hình bóng má ra vào tất bật chuẩn bị cái Tết cho các con. Mỗi lần Tết đến tôi lại lục lọi ký ức của mình và thèm có được những gì mà tôi đã từng có.

Nhìn chung ở đây ngày Tết đến cái gì cũng có: Bánh chưng, giò chả, hoa quả, rượu, hoa… để cho đỡ nhớ quê hương người ta cố gắng duy trì cái Tết để con cháu thế hệ sau học tập. Nhiều hội đoàn cũng tổ chức Tết cho cộng đồng, song ai cũng thấy thiếu thốn, bởi những thứ cố gắng tạo ra không thể thay thế cho cái Tết với những người thân yêu ruột thịt ở nhà, và điều đó càng làm cho chúng ta cảm thấy lạc lõng ở đất này.

Chiều 30 Tết 2016 Nguyễn Thanh Nguyên, Berlin

Nguồn: Thaibinh.de

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >