TAY TRẮNG CHẠY LOẠN - Bài viết của anh Hồ Sĩ Trúc, Ukraine

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
03/04/2022 | 22:45
Chuyên mục: Văn thơ
0 bình luận
TAY TRẮNG CHẠY LOẠN - Bài viết của anh Hồ Sĩ Trúc, Ukraine

Đêm 24 tháng 2, tên lửa hành trình bắn liên tục và Kiev. Sáng hôm sau, cả gia đình tôi chỉ kịp vơ vội vài thứ lặt vặt, cùng anh em chạy xe ra biên giới. Hành trang tôi mang theo chỉ có một bộ quần áo trên người.

Hôm nay, tôi tỉnh giấc ở Đức, định thần lại, ngỡ rằng bốn mươi ngày qua chỉ là giấc mơ. Nhưng giấc mơ ấy có thật. Đó là biến cố kinh hoàng trong cuộc đời tôi và đối với cả chục nghìn người Việt định cư tại Ukraine. Tất cả phải rời bỏ mảnh đất được xem như tổ quốc thứ hai vì sự an nguy của gia đình.

Cho đến lúc này, hầu hết bà con người Việt tại Ukraine đã sang nhiều nước châu Âu an toàn. Một số rất ít, vì những lý do bất khả kháng, còn ở lại Ukraine.

Riêng gia đình tôi đã trải qua hành trình vất vả kéo dài 4.000 km, qua năm quốc gia để đến trại tị nạn ở ngôi làng Trossingen, Stuttgart, Đức. Ở nơi đâu, người Việt tị nạn cũng nhận được sự giúp đỡ của những cá nhân, tổ chức, hội nhóm hội đồng hương tại châu Âu.

Đúc kết "sểnh nhà ra thất nghiệp" của tổ tiên đúng với hoàn cảnh của người Việt tại Ukraine lúc này. Chúng tôi hầu hết ra đi với hai bàn tay trắng, bỏ lại cơ nghiệp gây dựng gần cả đời tại Ukraine. Tương lai bất định. Tài sản còn lại chỉ là tinh thần yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa đồng bào.

Đầu tháng 3, gia đình hai cháu Trung Hằng tiếp đón chúng tôi ở Berlin, như đã đón rất nhiều đoàn bà con đến từ Kiev thời gian qua. Các cháu có bốn con nhỏ nhưng không nề hà hỗ trợ đồng bào chờ nhập trại.

Gia đình hai cháu Vũ Mai đón chúng tôi về thêm bốn ngày, chăm lo sức khoẻ cho cả nhà tôi. Các cháu đưa tôi ra chợ Đồng Xuân ở Berlin. Nơi đây, tôi tận mắt chứng kiến những nhóm kiều bào tại Đức làm công tác thiện nguyện giúp đỡ đồng hương lánh nạn.

Đội thiện nguyện người Việt của chị Phạm Quỳnh Nga hướng dẫn gia đình tôi lấy vé miễn phí ở nhà ga Berlin, đưa thức ăn cho chúng tôi mang theo lên tàu. Sau năm giờ chuyển bánh, gia đình tôi có mặt ở Philipburg. Gia đình người bạn nằm chung giường tầng thời còn đi học ở Việt Nam ra tận nhà ga đón. Chúng tôi lại như thời sinh viên 37 năm trước, chia nhau từng chuyện buồn vui, từng điếu thuốc, bát cơm, viên thuốc.

Vợ chồng bạn lo lắng mọi việc để hỗ trợ gia đình tôi nhập trại. Sau chín ngày làm thủ tục bước đầu, chúng tôi được chuyển về Tuttlingen, cách nơi tiếp nhận gần 200 km. Từ đó, chúng tôi mới tới được Trossingen. Đây là căn cứ của lính Mỹ cũ, được chính quyền Đức tu sửa lại, dùng cho những người lánh nạn đến từ Ukraine.

Bạn bè mang tới từng vật dụng sinh hoạt thiết yếu, giúp gia đình tôi ổn định trong lúc chờ thủ tục. Tình cảm thể hiện qua những cái vỗ vai và bắt tay thật chặt. Niềm xúc động giấu kín, chìm sâu tận đáy lòng những người đàn ông tóc đã điểm bạc.

Nhiều chục năm qua, người Việt ở Ukraine tự làm chủ, thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện ở cả Ukraine và Việt Nam. Giờ đây, chúng tôi lại phải ngồi chờ những đồng trợ cấp xã hội. Tinh thần tương thân tương ái từ đồng bào chính là liều thuốc an ủi cho mặc cảm tủi thân, phải sống phụ thuộc cũng như làm vợt bớt nỗi đau rời xa quê hương thứ hai.

Lời nói không mô tả hết tình người "máu chảy ruột mềm". Dân tị nạn tay trắng chạy loạn như chúng tôi chỉ biết ôm vào lòng hai chữ cảm tạ. Giữa ly loạn, người Việt thể hiện đúng tinh thần đoàn kết như trong chiến tranh của dân tộc mình trước đây, giữ vững quả cảm, nhường cơm sẻ áo, cùng nhau thoát cảnh hiểm nghèo.

Tôi và bà con người Việt tại Ukraine buồn bã khi hàng ngày phải đọc những con số khô khan, thống kê thiệt hại về người và khí tài từ hai chiến tuyến. Không có người thắng kẻ thua, chiến tranh mang tới nỗi đau, nỗi thống khổ và đổ máu cho cả hai phía.

Tôi chỉ muốn cuộc chiến sớm kết thúc, để chúng tôi được trở về bên dòng Dnhep thơ mộng, bên những người dân bản xứ hiền hậu. Chúng tôi muốn hòa bình.

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >