THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN TRÊN 228,5 TRIỆU CA NHIỄM VIRUS SARS-CoV-2

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
18/09/2021 | 23:24
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN TRÊN 228,5 TRIỆU CA NHIỄM VIRUS SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 18/9, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 228.547.886 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.695.452 ca tử vong. Số ca phục hồi trên thế giới hiện là 205.161.505 người. Tuy nhiên, vẫn còn 100.476 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại đây chiếm 1/5 tổng số ca trên thế giới, trong khi số ca tử vong chiếm hơn 1/7 thế giới. Ấn Độ ghi nhận nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới (33.417.390 ca), tuy nhiên Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới (589.744 ca). Ngoài 3 nước trên, các nước trong danh sách 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới nằm rải rác khắp các châu lục. Anh và Nga mỗi nước hiện đã ghi nhận trên 7,2 triệu ca nhiễm, tiếp đến là Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ - mỗi nước có trên 6,7 triệu ca...

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới 73.849.487 ca. Châu Âu đứng thứ hai với 57.473.575 ca nhiễm. Con số này ở khu vực Bắc Mỹ là trên 51 triệu ca trong khi ở Nam Mỹ là trên 37 triệu ca. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn nhưng số ca nhiễm cũng đã lên tới trên 8,2 triệu ca và châu Đại Dương có trên 200.000 ca nhiễm.

Xét theo số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.201.834 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.145.510 ca. Con số này ở châu Á và Bắc Mỹ là trên 1 triệu ca. Tại châu Âu, các nước Nga, Anh, Italy và Pháp đều đã ghi nhận trên 110.000 ca tử vong do dịch COVID-19. Những nước ghi nhận trên 110.000 ca tử vong ở châu Mỹ gồm Mexico, Peru, Colombia và Argentina. Số liệu tương tự được ghi nhận ở 2 nước châu Á là Iran và Indonesia.

Toàn châu Âu hiện có 11.857 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực. Tổng số ca phục hồi hiện là 52.592.075 ca. Kể từ ngày 1/10, Bỉ sẽ không bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng nhưng vẫn duy trì quy định này trên các phương tiện công cộng, nhà ga, sân bay và các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, từ ngày 1/10, các nhà hàng và câu lạc bộ thể thao sẽ kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ của khách hàng và những người tham dự sự kiện lớn (500 người trở lên trong không gian kín và 750 người trở lên trong không gian mở).

Về phần mình, Anh đã điều chỉnh các biện pháp phòng dịch với du lịch nước ngoài nhằm khôi phục cuộc sống theo trạng thái bình thường mới. Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps cho biết sẽ bỏ hệ thống phân loại danh sách các nước "đỏ, xanh, vàng" theo nguy cơ về dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó, sẽ chỉ có 2 danh sách đơn giản hơn là những điểm đến có "nguy cơ cao" và "nguy cơ thấp". Việc xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cũng được hủy bỏ với khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ, giúp họ giảm bớt chi phí đáng kể này.

Cùng ngày, các chuyên gia y tế Italy tuyên bố nước này đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ tư sau khi tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh trong 2 tuần qua. Theo ông Silvio Brusaferro, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS), số ca lây nhiễm tại Italy được duy trì ở mức thấp nhờ các chiến dịch tiêm vaccine. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy Chỉ số lây nhiễm (RT) của Italy đã giảm xuống 0,85 trong 14 ngày (25/8-7/9), từ 0,92 của tuần trước đó. Chỉ số RT dưới 1 có nghĩa là tỷ lệ lây nhiễm đang giảm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nino Cartabellotta cảnh báo xu hướng giảm số ca lây nhiễm có thể không kéo dài. Ông nói thêm: “Mùa thu đến và việc mở cửa trở lại trường học cho 9,4 triệu người, ngoài những trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm dù chỉ một liều vaccine, có một nguy cơ tái bùng phát tình trạng lây nhiễm và gia tăng số ca nhập viện do COVID-19".

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Lào ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới COVID-19  cao nhất từ đầu dịch. Theo Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 466 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 383 ca cộng đồng. Đây là số lượng ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày được ghi nhận tại Lào kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Tại Campuchia, 23 học sinh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đa số các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Phnom Penh mở cửa trở lại hai ngày trước đó. Để ngăn dịch bệnh lây lan, 5 trường đã đóng cửa các lớp học có học sinh mắc COVID-19.

Về phần mình, các trường tiểu học của Singapore sẽ chuyển sang học trực tuyến trong vòng 10 ngày. Theo thông báo của Bộ Giáo dục nước này, quyết định nói trên nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi quốc gia của các em học sinh lớp 6 trong bối cảnh Singapore ghi nhận 935 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 17/9, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Việc số ca nhiễm tăng trở lại sau khi nới lỏng một số biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 đã buộc Singapore tạm dừng mở cửa thêm nữa. Hiện hơn 80% dân số Singapore đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi đó, Thái Lan cân nhắc nới lỏng thêm các biện pháp để thích ứng lâu dài với dịch bệnh. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đang lên kế hoạch chấm dứt những biện pháp hạn chế đối với một số hoạt động, coi đó là một phần trong mục tiêu sống chung với COVID-19. Tính đến ngày 17/9, Thái Lan đã tiêm được hơn 42,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 28,4 triệu người được tiêm mũi đầu tiên và hơn 14,2 triệu người được tiêm mũi thứ hai (chiếm khoảng 21,58% dân số).

Liên quan đến vấn đề vaccine, Mỹ khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho người trên 65 tuổi và nhóm có nguy cơ cao. Trong cuộc bỏ phiếu thứ hai, hội đồng các chuyên gia độc lập tư vấn cho Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nhất trí khuyến nghị cho phép sử dụng khẩn cấp liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech tăng cường đối với những người từ 65 tuổi trở lên và những người thuộc nhóm có nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nghiêm trọng sau 6 tháng kể từ khi tiêm đầy đủ.

Khuyến nghị trên nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các thành viên trong hội đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là một bước trong quá trình phê duyệt và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 bổ sung hay không. Theo kế hoạch, CDC sẽ có một cuộc họp với các cố vấn vaccine vào ngày 22- 23/9. Giới chức y tế Campuchia cũng đang cân nhắc tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ tư cho người dân, dựa vào nghiên cứu và diễn biến của dịch bệnh trong nước.

Ngày 18/9, Cơ quan Quản lý dược phẩm và sản phẩm Chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) khẳng định vaccine không ảnh hưởng đến chu kỳ hay khả năng sinh sản của phụ nữ. Các thử nghiệm cho thấy tiêm chủng không làm thay đổi cơ hội mang thai tự nhiên hoặc trong quá trình điều trị sinh sản của phụ nữ. Đại học Sản khoa và Phụ khoa Hoàng gia (RCOG) cho biết tiêm chủng là "biện pháp bảo vệ tốt nhất" chống lại COVID-19, đặc biệt đối với phụ nữ có kế hoạch mang thai, bởi phụ nữ mang thai chưa được tiêm phòng có nguy cơ bị mắc bệnh nặng do COVID-19 cao hơn những phụ nữ khác trong cùng độ tuổi.

Nguồn: Bích Liên (TTXVN) - Ảnh bìa THX/TTXVN: Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/9/2021. 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan