THỦ TƯỚNG MERKEL HỌP HỘI NGHỊ VỚI 5 TỔ CHỨC KINH TẾ HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
20/05/2020 | 21:29
Chuyên mục: Tin nước Đức
0 bình luận
THỦ TƯỚNG MERKEL HỌP HỘI NGHỊ VỚI 5 TỔ CHỨC KINH TẾ HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

Ngày hôm nay (20.05.2020), Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, bà Angela Merkel đã họp hội nghị trực tuyến với các vị đứng đầu của 5 tổ chức kinh tế quốc tế hàng đầu thế giới, cụ thể là Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IWF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là cuộc họp lần thứ 12 giữa bà Thủ tướng Đức với 5 tổ chức này.

Ngay sau khi hội nghị trực tuyến kết thúc, bà Merkel đã tổ chức họp báo để công bố những nội dung quan trọng nhất của hội nghị này.

Mở đầu cuộc họp báo, bà Thủ tướng Đức đã khẳng định: "Trong cuộc họp này chúng tôi chủ yếu đã trao đổi về chủ đề đại dịch corona vì đây là một đề tài nóng hổi mà tất cả các nước trên thế giới đều quan tâm".

Thủ tướng Merkel cũng khẳng định: "Giờ đây chúng ta đã bước vào một giai đoạn suy thoái toàn cầu và tất cả các nước trên thế giới đều mong muốn sẽ sớm vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này và nền kinh tế thế giới sẽ được phục hồi trở lại".

Vấn đề đặt ra giờ đây là cần phải có sự hành động chung, hành động một cách thống nhất. Bà cũng nhấn mạnh rằng chúng ta đã có chủ nghĩa đa phương từ trước khi đại dịch corona bùng phát, trước đó chúng ta đã phải đương đầu với những thách thức và giờ đây những thách thức đó không hề giảm đi.

Thủ tướng Merkel đã nêu ra 4 nội dung của hội nghị trực tuyến giữa bà với các vị đại diện lãnh đạo của năm tổ chức kinh tế quốc tế.

1. Đại dịch này chỉ kết thúc khi chúng ta có được thuốc tiêm phòng hoặc thuốc điều trị. Một khi chưa có các loại thuốc đó thì chúng ta vẫn phải chung sống với virus corona. Điều quan trọng là chúng ta cần phải sớm sản xuất được những loại thuốc đó và coi những loại thuốc đó là tài sản chung của nhân loại, tạo điều kiện cho tất cả những người dân trên thế giới có thể sử dụng những loại thuốc đó. Về phía Đức, ngay từ đầu tháng 5 chúng tôi đã khẳng định mạnh mẽ quan điểm này.

2. Nếu chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn hoặc bị phá vỡ thì đó sẽ là một tổn hại vô cùng to lớn. Chính vì vậy hệ thống thương mại toàn cầu có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể tái quốc gia hóa tất cả những chuỗi cung ứng vì nếu làm như vậy thì chúng ta sẽ phải trả một giá rất đắt. Chúng ta cần phải quan tâm tới vấn đề bảo hộ mậu dịch. Bà Merkel cho biết, Ông Roberto Azevêdo, Tổng thư ký Tổ chức Thương mại Thế giới đã phát biểu rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều biểu hiện hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng của một số nước, trong đó có lương thực và thực phẩm. Đây thực sự là một mối lo ngại. Nếu không đảm bảo được việc cung ứng lương thực, thực phẩm thì từ nạn thất nghiệp có thể rất nhanh chóng dẫn đến sự nghèo khổ và dẫn đến nạn đói. Chính vì vậy vấn đề đảm bảo cung cấp lương thực cho nhân loại trong thời gian tới là một vấn đề trọng yếu.

3. Vấn đề tiếp theo mà bà Thủ tướng Merkel đã bàn thảo với 5 vị lãnh đạo của các tổ chức quốc tế là vấn đề tìm ra những khả năng để nhanh chóng phục hồi nên kinh tế thế giới. Cho tới nay 9.000 tỉ đô la đã được giải ngân trên toàn thế giới để phục vụ cho các gói hỗ trợ và cho các khoản vay tín dụng. Riêng Liên minh Châu Âu đã cung cấp một khoản tài chính gồm 2.000 tỉ đô la để phục vụ cho mục đích này. Quá trình dần dần phục hồi nên kinh tế cần phải đi đôi với những chương trình phát triển kinh tế, trong đó cần có những biện pháp ví dụ như giảm thuế, giữ được việc làm. Ông Tổng Thư ký Tổ chức Lao động Thế giới cũng đã khẳng định rằng cần phải có những biện pháp để giảm tỉ lệ thất nghiệp ở các nước đang phát triển.

4. Bà Merkel nhấn mạnh, 9.000 tỉ đô la hỗ trợ và tín dụng trên toàn thế giới cần phải được phân bổ một cách hợp lý, đặc biệt là cho những nước đang phát triển, nghĩa là những nước yếu kém hơn cần phải có được sự quan tâm nhiều hơn. Cũng chính vì những lý do đó cho nên trong thời gian tới Cộng hòa Liên bang Đức sẽ không cắt giảm viện trợ phát triển cho các nước đang phát triển mà chỉ cải cách việc phân bổ sao cho hợp lý hơn. Đối với châu Phi, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cũng khẳng định rằng việc giải ngân các khoản viện trợ cho các nước nghèo ở châu Phi là một việc làm cần thiết, đương nhiên chúng ta cũng mong muốn rằng chính quyền ở các nước này cần phải có những chính sách minh bạch. Đó cũng là mong muốn của phía Đức.

Nguồn: Nguyễn Đức Thắng tổng hợp và dịch

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >