TÍCH TRỮ LƯƠNG THỰC, VẬT DỤNG PHÒNG DỊCH LÀ MỘT LỰA CHỌN HỢP LÝ

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
02/03/2020 | 13:39
Chuyên mục: Cuộc sống cộng đồng
0 bình luận
TÍCH TRỮ LƯƠNG THỰC, VẬT DỤNG PHÒNG DỊCH LÀ MỘT LỰA CHỌN HỢP LÝ

BBT Viet-bao.de xin biên tập bài viết của tác giả Ánh Dương dưới đây, thấy cần thiết cho thời điểm hiện nay tại nước Đức cũng như các nước trên thế giới, nhằm phòng chống dịch Covide-19 - Mời quý độc giả đọc, chia sẻ, để chuẩn bị tinh thần cho mình và gia đình, nếu điều không mong muốn xảy ra... Bản thân cá nhân GĐ TBT đã có sự chuẩn bị từ thực phẩm, đồ dùng hàng ngày, kể cả thuốc men... và thông báo đến bạn bè, cộng đồng để cùng hiểu: TÍCH TRỮ LƯƠNG THỰC, VẬT DỤNG PHÒNG DỊCH LÀ MỘT LỰA CHỌN HỢP LÝ!!!

Những ngày gần đây, hình ảnh các kệ hàng trống rỗng tại siêu thị ở Vũ Hán, Hồng Kông, Singapore và Milan được báo chí đăng tải rầm rộ. Đó là do người dân đã mua tích trữ lương thực để đối phó với sự lây lan của Coronavirus. Hành vi này thường được giới báo chí mô tả là ’’sự hoảng loạn’’.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những gì xảy ra là không liên quan gì đến hoảng loạn. Nó là một phản ứng hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế.

Ứng phó với thảm họa

Nếu chúng ta hiểu hoảng loạn là một trạng thái sợ hãi không thể kiểm soát được, điều khiển hành vi phi lý, thì cách mọi người thường phản ứng khi đối mặt với thảm họa là một điều hoàn toàn khác.

Có một niềm tin phổ biến rằng các luật lệ xã hội bị phá vỡ trong các thảm họa. Trong các bộ phim của Hollywood, sự hỗn loạn xảy ra và mọi người hành động theo những cách phi logic hoặc không kiểm soát. Thực tế cuộc sống là rất khác với những gì thể hiện trong điện ảnh.

Hầu hết các nghiên cứu đều bác bỏ quan niệm về ‘’hội chứng thảm họa’’ được mô tả là tình trạng sốchoáng váng hoặc sự xuất hiện của sự hoảng loạn hàng loạt. Trong các thảm họa thực tế, mọi người thường giữ nguyên các nguyên lý của hành vi có thể chấp nhận như đạo đức, lòng trung thành và tôn trọng luật pháp và phong tục.

Lập kế hoạch trước

Nếu chúng ta không cảm thấy hoảng loạn thì chúng ta thấy gì? Không giống như hầu hết các loài động vật, con người có thể nhận thức được một số mối đe dọa trong tương lai và chuẩn bị để đối phó với chúng. Trong trường hợp giống như Coronavirus, một yếu tố quan trọng là tốc độ chia sẻ thông tin trên toàn thế giới.

Chúng ta nhìn thấy những con phố vắng vẻ ở Vũ Hán và các thành phố khác, những nơi đã từng rất nhộn nhịp trước khi xảy ra dịch bệnh, bởi vì mọi người không thể hoặc không muốn ra ngoài do e ngại sự lây nhiễm virus. Điều tự nhiên là chúng ta muốn chuẩn bị sẵn sàng cho mối đe dọa về sự gián đoạn tương tự đối với cộng đồng, nơi chúng ta đang sinh sống.

Dự trữ thực phẩm và các nguồn cung cấp khác giúp mọi người cảm thấy có một sự kiểm soát đối với bất kỳ sự kiện nào xảy ra. Đó là một quá trình suy nghĩ hợp lý: nếu virus đến khu vực của bạn, bạn muốn hạn chế liên lạc với những người khác nhưng vẫn phải đảm bảo bạn có thể sống sót trong thời gian cách ly đó.

Sự nhận thức từ các mối đe dọa càng lớn, phản ứng sẽ càng mạnh. Trong giai đoạn hiện nay, mọi người biết rằng virus có thời gian ủ bệnh lên tới 14 ngày, vì vậy mọi người muốn chuẩn bị cho ít nhất 14 ngày cách ly.

Một sự chuẩn bị hợp lý

Chuẩn bị cho một thời gian cô lập không phải là kết quả của một nỗi sợ hãi cực đoan hoặc phi lý mà là một biểu hiện của các cơ chế sinh tồn đã ăn sâu vào mỗi chúng ta. Trong lịch sử, chúng ta phải bảo vệ bản thân khỏi những thứ như mùa đông khắc nghiệt, mùa màng thất bát hoặc bệnh truyền nhiễm, mà không có sự trợ giúp của các tổ chức xã hội và công nghệ hiện đại.

Dự trữ lương thực thực phẩm là một phản ứng hợp lệ. Điều đó cho thấy các công dân không phản ứng bất lực với các sự kiện có thể xảy ra, mà thay vào đó là họ biết cách suy nghĩ về tương lai gần và lên kế hoạch cho một tình huống có thể xảy ra.

Một phần của phản ứng này là do sự thôi thúc từ bản thân cá nhân, nhưng nó cũng có thể là một hành vi của cộng đồng ở một mức độ nào đó. Một hành vi của cộng đồng là hành vi được thúc đẩy bằng cách bắt chước những gì người khác làm - những hành vi này có thể là một loại phản ứng có điều kiện từ người khác (ngáp, là một ví dụ điển hình về hành vi như thế).

Chúng ta luôn nghiêng về phía thận trọng

Rất nhiều sự không chắc chắn xung quanh các thảm họa, có nghĩa là tất cả các quyết định được đưa ra dựa trên cơ sở về sự nhận thức của các mối đe dọa mà không phải là thảm họa thực sự. Vì sự không chắc chắn này, mọi người có xu hướng phản ứng thái quá. Chúng ta nói chung là không thích rủi ro và cố gắng chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất thay vì tốt nhất.

Khi dự trữ (hoặc tích trữ) một lượng hàng hóa cho sử dụng cá nhân lớn để vượt qua thảm họa, chúng ta không biết sẽ cần bao nhiêu vì sự không chắc chắn vào thời gian thực sự của sự kiện sẽ là bao lâu.

Theo đó, chúng ta có xu hướng nghiêng về phía thận trọng và mua quá nhiều thay vì quá ít. Đây là phản ứng tự nhiên của người có lý trí, người phải đối mặt với sự không chắc chắn trong tương lai và tìm cách đảm bảo sự sống còn của gia đình họ.

Tầm quan trọng của cảm xúc

Mua số lượng hàng hóa lớn - có thể dẫn đến kệ siêu thị trống rỗng - có vẻ như là một phản ứng cảm xúc phi lý. Nhưng cảm xúc đó không phải là phi lý: nó giúp chúng ta biết cách nên tập trung sự chú ý vào việc gì.

Cảm xúc cho phép các cá nhân tham gia vào các vấn đề lâu hơn, quan tâm đến những điều khó khăn hơn và thể hiện khả năng phục hồi tốt hơn. Chúng là một yếu tố bản năng của hành vi con người mà chúng ta thường không để ý thấy khi cố gắng hiểu cách mọi người hành động.

Những thay đổi trong hành vi của các cá nhân khi mua sắm hàng hóa có thể làm ảnh hưởng ở quy mô lớn. Ví dụ, một siêu thị thường sẽ tổ chức chuỗi cung ứng và lưu trữ hàng hóa trên cơ sở mức tiêu thụ trung bình.

Các hệ thống này không xử lý linh hoạt khi có các biến động lớn về nhu cầu. Vì vậy, khi nhu cầu tăng - như ở các vùng của Trung Quốc, Ý và các nơi khác - kết quả là các kệ hàng ở siêu thị trống rỗng.

Chúng ta có nên tích trữ không?

Phần lớn những người dân ở New Zealand thường xuyên có bộ dụng cụ khẩn cấp trong nhà do sự phổ biến của các trận động đất nhỏ ở khu vực này.

Chúng ta cũng có thể xem xét một danh sách những nhu yếu phẩm cần thiết để sinh tồn trong một thời gian, tìm hiểu những gì đã có và những gì cần phải có để bổ sung vào danh sách.

Sau đó, chúng ta có thể lập một danh sách mua sắm và thu thập đều đặn những thứ cần thiết. Thực hiện theo cách này, chúng ta sẽ tạo điều kiện cho các cửa hàng thời gian để bổ sung hàng hóa và lấp đầy các kệ hàng của họ.

Cổ nhân thường dạy ‘’quân tử phòng thân’’, nếu biết dàn xếp hợp lý, hài hòa cho mọi sự cần thiết để có cuộc sống ổn định và hạnh phúc, mỗi người chúng ta có thể có những cách riêng để đề phòng đến những bất trắc trong thời gian dịch bệnh này.

Tích trữ lương thực, thực phẩm cũng mới chỉ là một phần của việc chuẩn bị cho các sự kiện xấu nhất. Việc tự bố trí thời gian và ý chí luyện tập, rèn luyện sức khỏe là quan trọng hơn với mỗi người. Các phương pháp rèn luyện nội công, tăng cường sức đề kháng của cơ thể hiện đang rất phổ biến tại mỗi quốc gia. Sự lựa chọn đúng phương pháp rèn luyện là bản năng của mỗi người.

Song song với rèn luyện thể lực, rèn luyện đạo đức, tâm tính hài hòa sẽ mang lại tâm thái nhẹ nhàng và sự thảnh thơi, sẵn sàng đối phó với các bất trắc của cuộc sống là sự chuẩn bị hoàn hảo cho bất kỳ sự kiện nào xảy ra.

Nguồn: Ánh Dương - Theo The Conversation 

*** 

CHÚ Ý:

Nước Đức thiết lập một số đường dây nóng để giúp công dân:

116 117 112: Ärztlicher Bereitschaftsdienst (Bác sĩ thường trực)

115: Einheitliche Behördennummer (Số tổng đài)

0800 011 77 22: Unabhängige Patientenberatung Deutschland (Tư vấn...)

030 346 465 100: Bürgertelefon des Bundesgesundheitsministeriums (Văn phòng Bộ trưởng)

(Quý vị nhớ lưu số Fon trên để phòng khi cần)


*** KHUYẾN CÁO:

1- Các Hội đoàn, CLB và cá nhân nên hủy sự kiện, tránh tụ tập đông người:
 
2- Những người sang phép tự giác cách ly ít nhất 14 ngày, kể cả người nhà cũng hạn chế tiếp xúc.
 
3 – Ai nghi rằng bị dính Vỉrus thì nên gọi 112 hoặc (030)-9028-2828 (từ 8-20 giờ) chứ nhất định không được tự tiện đi phương tiện công cộng hoặc đi Taxi hay Uber vào bệnh viện, để tránh lây lan sang người khác như kiểu Ý hoặc Hàn Quốc..

4 - Phải bình tĩnh, chuẩn bị cả tinh thần lẫn đồ dự phòng: Đồ ăn, thuốc sát trùng, khẩu trang v.v

Trước mắt, chưa có vắc xin chống virus Sars-CoV-2, nhưng đối phó với tất cả các dịch cúm, bà con cần lưu ý làm theo khuyến cáo của RKI:

- Giữ khoảng cách an toàn với người bệnh từ 1- 2 m.

- Rửa tay kỹ bằng xà phòng, ít nhất là 20 giây đồng hồ.

- Tránh bắt tay và ôm nhau.

- Ho và hắt hơi vào phía trong nơi khuỷu tay.

- Không đưa tay lên mặt, mồm, mũi và mắt…

- Sau khi dùng giấy lau tay phải bỏ ngay.

- Nếu có thể, hạn chế hoặc không chạm vào tay nắm cửa công cộng, nút bấm thang máy.

CẦU CHÚC QUÝ VỊ SỨC KHỎE, BÌNH TÂM, ĐỂ CÙNG NHAU PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH 
CẦU MONG THẾ GIỚI YÊN BÌNH TRỞ LẠI
Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan