TOÀN THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN TRÊN 164,4 TRIỆU CA NHIỄM VIRUS SARS-CoV-2

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
18/05/2021 | 22:51
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
TOÀN THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN TRÊN 164,4 TRIỆU CA NHIỄM VIRUS  SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 18/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 164.486.856 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.408.060 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 143.328.357 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 600.548 ca tử vong trong tổng số 33.747.850 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 279.919 ca tử vong trong số 25.341.839 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 436.862 ca tử vong trong số 15.661.106 bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 302 người tử vong. Tiếp đến là CH Séc với 280 người và Bosnia-Herzegovina với 276 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 52,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 984.300 ca tử vong trong trên 30,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 611.300 ca tử vong trong trên 34,3 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 418.500 ca tử vong trong trên 32,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 138.200 ca tử vong, châu Phi ghi nhận trên 126.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.000 người.

Ngày 18/5, Malaysia thông báo 4.865 ca mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 31/1 và cũng là số ca mới trong một ngày cao thứ 4 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Selangor tiếp tục là địa phương ghi nhận số ca mới hàng ngày nhiều nhất cả nước với 1.743 ca. Đây là ngày thứ 14 liên tiếp, Selangor có số ca mới trên mức 1.000 ca/ngày. Các bang và vùng lãnh thổ liên bang khác, đa số ghi nhận số ca mới theo ngày ở mức 3 con số. Hiện Malaysia đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) lần thứ 3 kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. MCO 3.0 bắt đầu từ ngày 12/5 và kéo dài tới ngày 7/6. Tuy nhiên, so với MCO 1.0 từ 18/3 đến 3/5/2020, MCO 3.0 nới lỏng hơn nhiều, cho phép hầu hết các lĩnh vực kinh tế tiếp tục hoạt động trên cơ sở tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Thái Lan ngày 18/5 cũng ghi nhận 35 ca tử vong mới - mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Trong số những ca tử vong mới có bệnh nhân nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay, mới 2 tháng tuổi và bị bệnh tim. Làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại Thái Lan, bùng phát hồi tháng 4 vừa qua, đến nay đã làm số ca nhiễm mới tăng hơn 3 lần, số ca tử vong tăng 6 lần. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Thái Lan đã tăng lên 649 ca, trong đó hơn 500 ca ghi nhận trong làn sóng thứ 3. Tổng số ca bệnh tại Thái Lan cũng tăng lên 113.555 ca, sau khi có thêm 2.473 ca nhiễm mới, trong đó 2.450 ca lây nhiễm trong nước.

Thủ đô Bangkok hiện là khu vực có số ca nhiễm cao nhất trên cả nước, với hơn 28.000 ca bệnh kể từ khi làn sóng dịch bệnh thứ 3 bùng phát. Đến nay, Thái Lan đã sử dụng hơn 2,3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hầu hết những người ở tuyến đầu chống dịch hoặc những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Dự kiến, từ tháng sau, Thái Lan bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà vì nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số là người trưởng thành trong tổng số 66 triệu dân.

Trong khi đó, Philippines có thêm 4.487 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.154.388 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng tăng lên 19.372 người sau khi có thêm 110 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đến nay, Philippines đã phân phối được hơn 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong năm nay.

Bộ Y tế Lào chiều 18/5 cho biết nước này ghi nhận 49 ca nhiễm mới, trong đó có 15 ca nhập cảnh. Trong khi thủ đô Viêng Chăn chỉ có 8 trường hợp mắc mới, tỉnh Bokeo tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh khi ghi nhận 26 ca, trong đó có 25 ca được phát hiện tại huyện Ton Pheung, nơi có đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, nâng tổng số người nhiễm tại tỉnh này từ ngày 22/4 đến nay lên 310 người, chủ yếu được phát hiện tại Ton Pheung. Hiện Lào ghi nhận tổng cộng 1.687 ca nhiễm, trong đó 686 người đã khỏi bệnh và 2 ca tử vong.

Bộ Y tế Lào cho biết mặc dù số ca nhiễm mới tại một số tỉnh đang có xu hướng giảm, nhưng Lào vẫn phải đối mặt với nguy cơ lớn về lây nhiễm trong cộng đồng khi có nhiều F0 tại thủ đô Viêng Chăn không rõ nguồn lây, trong khi tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện đã có tổng cộng 623.577 người tại Lào (khoảng 9% dân số) được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 90.405 người đã được tiêm đủ 2 liều.

Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn về biên giới đối với những người đến từ Bangladesh, Maldives và Sri Lanka để ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ xâm nhập quốc gia Đông Bắc Á này. Các bước siết chặt hơn nêu trên sẽ có hiệu lực từ ngày 20/5, theo đó Nhật Bản sẽ cấm nhập cảnh những người nước ngoài được cấp quy chế cư dân ở nước này đã đến Bangladesh và Maldives "trong thời gian này", trừ khi họ được chấp thuận trong những trường hợp đặc biệt. Công dân Nhật Bản đi du lịch từ ba quốc gia trên và người nước ngoài được hưởng quy chế cư dân tại Nhật Bản đến từ Sri Lanka sẽ phải lưu lại một cơ sở được chỉ định sau khi nhập cảnh quốc gia Đông Bắc Á này trong 6 ngày và tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 và ngày cuối cùng trong thời gian đó.

Từ ngày 7/6 tới, Đức sẽ bỏ danh sách ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 và sẽ bắt đầu tiêm cho tất cả những người trưởng thành tại nước này. Với quyết định mới trên, tất cả những người trên 16 tuổi đều có thể đăng ký tiêm ở Đức, thay vì việc ưu tiên tiêm chủng theo lứa tuổi, nghề nghiệp và điều kiện sức khỏe.

Hiện Đức đang triển khai tiêm chủng cho nhóm ưu tiên thứ ba, bao gồm những người trên 60 tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe hoặc làm việc trong các lĩnh vực tiếp xúc thường xuyên với khách hàng như ở các siêu thị, các luật sư hoặc lái xe buýt. Cho tới nay, Đức đã tiêm được ít nhất 1 mũi cho 37% số người trưởng thành, trong khi trên 11% trong tổng số trên 83 triệu dân ở Đức đã được tiêm đầy đủ. Hiện nhiều bang ở Đức, trong đó có Berlin, Baden-Württemberg và Bayern, đã đi trước khi dỡ bỏ việc ưu tiên tiêm chủng bắt đầu từ đầu tuần qua. Tuy nhiên, việc đăng ký lịch tiêm chủng luôn quá tải và không dễ dàng có thể đặt được lịch tiêm dù việc ưu tiên tiêm chủng đã được dỡ bỏ.

Theo số liệu chính thức do các cơ quan y tế quốc gia cung cấp, tính đến ngày 18/5, ít nhất 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân tại Liên minh châu Âu (EU). Cột mốc quan trọng này chứng tỏ EU sẽ có thể đạt mục tiêu tiêm đủ vaccine cho 70% người trưởng thành, tức là khoảng 255 triệu người trên tổng số 448 triệu dân, vào cuối tháng 7 tới. Ít nhất 52,9 triệu người đã được tiêm đủ vaccine, trong đó đủ 2 liều vaccine của các hãng BioNTech/Pfizer, Moderna và AstraZeneca và hay loại 1 liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson. Con số này tương đương 11,8 % dân số EU.

Malta đứng đầu bảng xếp hạng của EU với 32,5% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ, trong khi Bulgaria đứng cuối bảng với chỉ 6,1%. Trong số các nước lớn, Đức đã tiêm đầy đủ vaccine cho 11,1% dân số, Pháp là 13,5%, Italy là 14,6% và Tây Ban Nha là 15,4%.

Tính trên toàn cầu, các nước đã tiêm 1,5 tỷ liều vaccine. Israel đã tiêm phòng đủ hai liều vaccine cho 59% dân số, con số này ở Mỹ là 35% và ở Anh là 30%.

Nguồn: Thanh Phương (TTXVN) - Ảnh bìa THX/TTXVN: Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan