VIỆT NAM NỖ LỰC CẢI CÁCH NGHÀNH THỦY SẢN, HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU XÓA THẺ VÀNG IUU TỪ PHÍA CHÂU ÂU

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
13/04/2018 | 05:04
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
VIỆT NAM NỖ LỰC CẢI CÁCH NGHÀNH THỦY SẢN, HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU XÓA THẺ VÀNG IUU TỪ PHÍA CHÂU ÂU

Năm tháng từ khi chính thức nhận thẻ vàng IUU về chống các hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo từ phía Ủy ban Châu Âu (EC), Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ ngành thủy sản để nhanh chóng được rút tên khỏi chế tài này.

Chính phủ tích cực cải cách bám sát kiến nghị của EC

Một tháng sau kiến nghị của EC, Việt Nam đã hoàn thiện thể chế, trong đó đưa tối đa những nội dung mà EU khuyến nghị về đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào trong Luật thuỷ sản sửa đổi nhằm mục đích xây dựng ngành khai thác thuỷ sản phát triển một cách bền vững.

Về pháp lý, trong quá trình hoàn thiện Luật Thuỷ sản sửa đổi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thuyết phục các Ủy ban Quốc hội để tiếp thu tối đa các khuyến nghị của EC và dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế liên quan đến lĩnh vực thủy sản (Công ước Luật biển năm 1982, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác IUU...), từ đó đưa ra các quy định quan trọng để chống các hành vi thuộc IUU. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã tiến hành xây dựng chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, với mức xử phạt cao nhất gấp 7 lần giá trị thủy sản khai thác bất hợp pháp, trong đó mức phạt cụ thể dành cho cá nhân lên đến 1 tỷ đồng.

Đối với khu vực ngoài lãnh hải Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên; quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định do Bộ NN&PTNT công bố; quy định về kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổng hợp tại các chương về khai thác, quản lý tàu cá và tăng cường năng lực thực thi cho lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan.

Đối với các hành động cụ thể liên quan đến việc khắc phục “thẻ vàng” của EC đối với việc khai thác thủy sản của Việt Nam, tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 2/3/2018, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản thông tin, trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị của Việt đã hành động quyết liệt nhằm ngặn chặn, phòng ngừa, chống hành vi khai thác IUU.

Bà Dung cho biết, với một loạt các giải pháp mang tính cấp bách, khẩn trương tập trung như: rà soát và ban hành bổ sung các quy định về chống khai thác IUU tại các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức triển khai các quy định đã được ban hành; tuyên truyền phổ biến về các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU tới cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan; tăng cường hợp tác với các quốc gia ven biển, các quốc đảo để ngăn chặn hành vi khai thác IUU; thực hiện đối thoại với EU, cập nhật tiến độ mà Việt Nam đã và đang triển khai nhằm cải thiện quản lý nghề cá theo hướng nghề cá có trách nhiệm.

Tổng cục Thủy sản đã công bố danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp trên trang website Tổng cục. Đây là động thái giúp nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương có tàu cá vi phạm khai thác IUU. Theo bà Dung, thời gian qua, các địa phương đã tích cực tuyên truyền và triển khai các biện pháp quyết liệt. Tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển của các quốc gia khác đã giảm rõ rệt sau khi Thủ tướng ban hành Công điện 732, Chỉ thị 45.

Để đáp ứng khuyến nghị của EC, trước khi Luật Thủy sản sửa đổi có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2019, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật trong đó có nội dung quy định về khai thác IUU sẽ được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực thi hành của Luật Thủy sản sửa đổi.

EC hoan nghênh và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, trong một hội nghị gần đây, nhận định: "Việt Nam đang rất nghiêm túc để hạn chế IUU bởi các ngư dân của họ và chúng tôi đang làm việc tích cực với chính phủ Việt Nam về vấn đề này". EC hoan nghênh những cam kết cao độ của các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là kế hoạch được Bộ NN & PTNT áp dụng để thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm khắc phục thẻ vàng. EC sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam trong thể chế hoá các văn bản dưới luật để khi các văn bản này đi vào triển khai sẽ mang tính khả thi cao, sát với thực tiễn thông lệ quốc tế.

Ông cho biết thêm: "Tôi đã thấy có những tiến bộ tốt ở Việt Nam trong việc đánh bắt IUU. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những chỉ đạo mạnh mẽ cho Bộ NN&PTNT và các địa phương ven biển tiến hành các hành động quyết liệt chống lại việc đánh bắt IUU. Họ đang cố gắng giải quyết vấn đề này trong vòng sáu tháng, và bạn không nên quá lo lắng về thẻ vàng."

Có thể nói, trong năm tháng vừa qua, chương trình hành động do Việt Nam tiến hành đã có kết quả rất tích cực và đã được EC ghi nhận. Điều này sẽ tạo động lực lớn cho Chính phủ, bộ, ban, ngành, địa phương và đặc biệt là người ngư dân Việt Nam quyết tâm biến thách thức từ thẻ vàng của EC thành cơ hội để ngành thủy sản phát triển phù hợp và bền vững./.

Thanh Hải (tổng hợp) - (Ảnh bìa: Internet)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...