VÕ LÂM THIỀN ĐẠO REGENSBURG - DẤU ẤN 25 NĂM HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
05/10/2020 | 12:36
Chuyên mục: Sự kiện cộng đồng
0 bình luận
VÕ LÂM THIỀN ĐẠO REGENSBURG - DẤU ẤN 25 NĂM HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Mỗi độ Thu về, Võ Lâm ZEN DAO đều tổ chức một chương trình biểu diễn võ thuật và ca nhạc dân tộc mừng ngày sinh nhật Võ đường. Nếu không bị ảnh hưởng của đại dịch cúm corona toàn cầu, ngày 29/09 năm nay đánh dấu 25 năm hội nhập và phát triển của trường võ thuật Việt Nam đầu tiên ở bang Bavaria, CHLB Đức.

Thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch bệnh lây lan, Ban Điều hành cùng võ sư Lê Trương Mịnh chọn giải pháp tổ chức chương trình kỷ niệm gọn nhẹ nhất. Không có những màn biểu diễn báo cáo võ thuật, không được nghe những giai điệu quê hương do các võ sinh người Đức trình bày, và bạn bè quốc tế cũng không có dịp được xem màn trình diễn áo dài dân tộc duyên dáng do chị em CLB đam mê múa hát thành phố Regensbug thể hiện. Thay vào đó, võ sư Lê Trương Mịnh đã chọn hai đề tài thuyết trình rất thú vị về triết lý sống của người phương Đông.

Khai mạc chương trình, MC Andreas Maier - một võ sinh có hơn 15 năm gắn bó cùng Võ Lâm Zen Dao, tri ân các môn sinh cùng bạn hữu xa gần đã về dự. Anh cũng cảm ơn các tổ chức cộng đồng, những thành viên trong Ban Điều hành của Võ đường (và cũng là võ sinh)… tất cả luôn sát cánh cùng „thuyền trưởng“ Lê Trương Mịnh chèo lái „con tàu“ Võ Lâm Zen Dao vượt qua bao khó khăn thử thách trên chặng đường dài 25 năm, để có được thành tựu như ngày hôm nay. Trước đó, những người có mặt được xem 30 phút video ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của võ đường từ năm 1995.


Anh Rainer Stanitzki, một Nhà Xã hội học, chuyên ngành Tâm lý trị liệu, đã đăng đàn thuyết trình...

Phần một, anh Rainer Stanitzki, một Nhà Xã hội học, chuyên ngành Tâm lý trị liệu, đã đăng đàn thuyết trình về ý nghĩa triết học của Thái Cực Đồ (Yin und Yang) dưới góc nhìn và cảm nhận của người phương Tây. Với kinh nghiệm hơn 30 năm tập luyện Khí công và Thái Cực quyền, anh Stanitzki phân tích quy luật vận hành của vạn vật trong vũ trụ theo Vòng tròn Âm Dương (Yin und Yang). Đây là một phạm trù đồ sộ nếu mổ xẻ chi tiết, do vậy anh Stanitzki tập trung nói về những ảnh hưởng trong cuộc sống thường nhật. Ví dụ sự dịch chuyển của thời gian và nhiệt độ giữa ngày và đêm; trong hạnh phúc, vui vẻ luôn hiện hữu một nỗi buồn mỏng manh; khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nếu lạc quan sẽ luôn tìm ra một lối thoát… Văn hóa phương Đông chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng Phật giáo và luôn cho rằng: vạn hữu, vạn vật đều hàm tàng Thái Cực. Mà Thái cực làm lên Chân Như Bản Tính của con người trong xã hội.

Võ sư Lê Trương Mịnh giảng về những tiêu cực phổ biến trong xã hội...

Phần hai. Võ sư Lê Trương Mịnh giảng về những tiêu cực phổ biến trong xã hội. Chạy theo vật chất, con người tàn phá môi trường thiên nhiên một cách khốc liệt; thuyết huyền bí đưa con người chìm sâu trong u mê, lỗi lầm để chăn dắt. Làm sao để con người trực diện và hiểu được Kiến Tánh, nhằm thoát ra khỏi vòng luân hồi luẩn quẩn? Tất cả được võ sư Mịnh đúc kết thành 16 phương châm thực hành. Với những võ sinh và bạn bè người Đức có mặt trong khán phòng, khái niệm: „Kiến Tánh“ khi được giải thích, thực chất lại liên quan tới bài giảng ở phần I của anh Rainer Stanitzki. Kiến là thấy, là chứng biết. Tánh là Phật tánh, là Chân Như Bản Tính, là bản thể viên minh tịch chiếu. Kiến Tánh là chứng biết cái bổn tánh chân như của mình, biết tất cả vọng tâm, phiền não, từ đó chọn cho mình cách sống, hướng đi tiềm thức. Hay nói ngắn gọn theo Đức Lục tổ Huệ Năng:

Nhứt thiết vô hữu chơn,
Bất dĩ kiến ư chơn.

(Cả thảy không có cái gì là chơn thực.
Vậy nên chớ chấp rằng, cái gì thuộc về mắt thấy mà cho là chơn thực).

Tuy bài giảng của võ sư Lê Trương Mịnh trừu tượng, với những từ ngữ „kỹ thuật“ xa lạ, khiến nhiều thính giả trong khán phòng phải chụp lại màn hình trình chiếu, hay biểu đồ minh họa để tiếp tục chiêm nghiệm. Nhưng tổng thể, cả hai bài thuyết trình đã đón nhận những tràng vỗ tay dài tán thưởng của mọi người. MC Andreas Maier cảm ơn 2 Diễn giả và mời mọi người chuyển sang phần liên hoan ẩm thực, giao lưu hội ngộ.

Ảnh hưởng chung của virus Covid-19, nhiều chương trình sự kiện lớn của võ đường trong năm phải hủy bỏ. Đây cũng là dịp để những người bạn xa cách lâu ngày hỏi thăm nhau về sức khỏe, công việc làm ăn của gia đình, người quen. Được nghe những võ sinh kể lại ngày đầu nhập môn hơn hai chục năm trước, những bài học đầu đời trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Theo năm tháng, tiếng lành đồn xa, các học sinh đủ mọi lứa tuổi về tựu trường ngày càng đông. Ban Lãnh đạo võ đường đã tìm được một cơ sở mới tại địa chỉ như hôm nay: Haydnstrasse 7, 93053 Regensburg, đáp ứng nhu cầu huấn luyện.

Theo nghiệp võ từ năm 3 tuổi, võ thuật Việt Nam chạy trong từng huyết mạch, từng hơi thở, khi truyền dạy cho các môn sinh bản xứ, võ sư Mịnh luôn nhắc nhở: Trong Võ có Đạo. Anh đã thành công, không chỉ ở việc xây dựng và phát triển võ đường ngày càng vững mạnh, mà còn giúp chính những người Đức-những võ sinh hội nhập với văn hóa nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Phát triển và thực hành chữ Đạo, có một việc làm của các bạn Đức khiến chính người Thầy-Sư phụ của mình bất ngờ. Đó là từ năm 2008, các võ sinh người Đức đều đặn về Việt Nam làm từ thiện: quyên góp, ủng hộ tài chính và sách vở cho Trung tâm chăm sóc người già và trẻ em mồ côi ở Sài Đồng – Hà Nội; Cho Làng Hòa Bình Thanh Xuân (Thanh Xuan Peace Village); Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em thiểu năng, nạn nhân chất độc da cam Phúc Tuệ; Hội Chữ Thập Đỏ…

Chúc võ sư Lê Trương Mịnh, Ban Điều hành Võ Lâm Zen Dao, các môn sinh… luôn có nhiều sức khỏe, đoàn kết. Chúc Võ đường ngày càng lớn mạnh./.

- Mời xem hình ảnh - (Một số ảnh cuối Album ở các sự kiện văn hóa khác có môn sinh Võ Lâm Zen Dao tham dự):

ALBUM: VÕ LÂM THIỀN ĐẠO REGENSBURG - DẤU ẤN 25 NĂM HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Nguồn: Trần Thanh Phong Erlangen, đêm 03/10/2020

 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >