Đức nới hàng loạt quy định với du học sinh
Đức cho sinh viên quốc tế làm thêm 140 ngày mỗi năm, hạ tiêu chuẩn về độ tuổi, tiếng Đức với du học sinh nghề, trong bối cảnh thiếu lao động trầm trọng.
Quy định mới có hiệu lực từ đầu tháng 3. Sinh viên đến từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) được làm thêm 140 ngày một năm, tăng 20 ngày so với trước.
Với du học sinh nghề, giới hạn độ tuổi được nộp đơn là 35, tăng so với mức 25 tuổi theo quy định cũ. Chính phủ Đức cũng tăng thời gian cư trú tối đa cho nhóm này từ sáu lên chín tháng, giảm yêu cầu tiếng Đức từ B2 xuống B1.
Sinh viên đến Đức nhưng vẫn đang tìm trường hoặc theo các khóa ngôn ngữ, khóa học chuyển tiếp, người có giấy phép cư trú diện học nghề và thực tập sinh được làm thêm tối đa 20 giờ mỗi tuần. Đây là điểm mới so với trước.
"Điều này tạo ra sự linh hoạt, giúp sinh viên đảm bảo cuộc sống và chuyển sang thị trường lao động dễ dàng hơn. Nó cũng khiến Đức hấp dẫn nhiều sinh viên quốc tế đến học và ở lại sau tốt nghiệp với tư cách là lao động có trình độ", Bộ Giáo dục và Nghiên cứu cho biết trong một thông báo.
Ngoài ra, Đức đơn giản hóa việc cấp phép cho lao động nước ngoài. Trước đây, ứng viên trong một số ngành nghề đặc biệt như sức khỏe, luật sư, phải làm thủ tục công nhận văn bằng trước khi nhập cảnh, thường khoảng 4 tháng. Theo quy định mới, quá trình này được thực hiện sau khi người lao động đến Đức. Các yêu cầu vẫn được giữ nguyên. Người lao động phải có hợp đồng, chứng chỉ chuyên môn có thời gian đào tạo tối thiểu hai năm hoặc bằng đại học và bằng ngoại ngữ tiếng Đức cấp độ A2.
Với một số ngành nghề không thuộc diện kiểm soát chặt, trước đây, lao động nước ngoài cũng phải có bằng cấp được công nhận. Còn hiện tại, họ có thể đến Đức làm việc nếu có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp, có lời mời làm việc và được trả lương tối thiểu ở Đức.
Thay đổi được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu thiếu lao động tay nghề cao trầm trọng. Theo Reuters, các dự báo cho thấy Đức sẽ thiếu 7 triệu công nhân lành nghề vào năm 2035, do già hóa dân số.
Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) nhấn mạnh vai trò của sinh viên quốc tế trong giải quyết tình trạng này. Đầu năm ngoái, DAAD đã kêu gọi chính phủ, các đại học và doanh nghiệp xây dựng chiến lược thu hút và tăng gấp đôi tỷ lệ sinh viên quốc tế ở lại sau tốt nghiệp, lên khoảng 50.000 người mỗi năm vào năm 2030.
"Họ có trình độ cao và hòa nhập tốt, chúng ta nên tận dụng một cách chiến lược hơn tiềm năng của họ với tư cách là những người có tay nghề cao", TS Joybrato Mukherjee, Chủ tịch DAAD, đánh giá.
Năm học trước, khoảng 458.000 sinh viên quốc tế ở Đức, cao kỷ lục và tăng hơn 50% so với 10 năm trước. Lĩnh vực được sinh viên quốc tế ưa chuộng nhất là Kỹ thuật (hơn 31%), tiếp đến là Luật, Kinh tế và Khoa học xã hội.
Có ba lý do khiến ngày càng nhiều sinh viên nước ngoài chọn du học Đức. Đầu tiên, hầu hết đại học công lập miễn học phí, sinh viên quốc tế chỉ mất phí hành chính 150-250 euro (4-6,6 triệu đồng) mỗi năm. Thứ hai là sinh hoạt phí trung bình ở đây khoảng 930 euro/tháng (1.000 USD), thấp hơn so với Anh hay Mỹ (1.250-1.500 USD).
Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội ở lại làm việc lên tới 18 tháng. Theo Study in Germany, trang thông tin về du học Đức, gần 70% sinh viên quốc tế muốn ở lại tìm việc sau tốt nghiệp.
Nguồn: Viet-bao.de theo vnexpress - Doãn Hùng (Theo ICEF Monitor) - Ảnh bìa: Trung tâm đào tạo học viên ENDLESS tại TP Hồ Chí Minh
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *