1 - Israel và phương Tây chia rẽ về chiến dịch tấn công Gaza
Theo hãng tin Reuters ngày 28/10, Israel đang từ chối lời kêu gọi tạm dừng tấn công ở Gaza vì các đồng minh thân cận nhất ở phương Tây đã thống nhất ý kiến “tạm dừng vì lý do nhân đạo”.
Lo ngại cho số phận 2,3 triệu người bị mắc kẹt ở Dải Gaza, các cường quốc trong tuần này kêu gọi Israel tạm dừng bắn phá để cung cấp viện trợ và giải thoát các con tin Israel bị Hamas bắt giữ.
Vấn đề này đã cho thấy sự chia rẽ công khai đầu tiên giữa Israel và những người ủng hộ bao gồm Mỹ, EU, Anh và các thành viên G7 khác như Nhật Bản về chiến dịch tấn công của Israel.
Ông Lior Haiat, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel, tuyên bố: “Israel phản đối tạm dừng hoặc ngừng bắn vì mục đích nhân đạo vào thời điểm này”.
Một loạt lời kêu gọi tạm dừng tấn công diễn ra sau những ngày ngoại giao căng thẳng tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York và Brussels.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa nói với các phóng viên ngày 27/10 rằng các nỗ lực đang được tiến hành song phương và tại Liên hợp quốc nhằm hối thúc Israel tạm dừng tấn công dưới một số hình thức.
"Tôi hoan nghênh sự đồng thuận ngày càng tăng trên toàn cầu về việc tạm dừng vì lý do nhân đạo trong cuộc xung đột. Tôi lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, thả tất cả con tin vô điều kiện và cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu ở quy mô cần thiết", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết trong một tuyên bố ngày 27/10.
Hiện tại, thời gian "tạm dừng" trong cuộc chiến dường như còn xa vời khi Israel tăng cường các hoạt động trên bộ và trên không trong ngày 27/10.
Một quan chức EU cho biết các cuộc thảo luận do Mỹ dẫn đầu giữa Ai Cập, Israel và Liên hợp quốc về việc cải thiện khả năng tiếp cận viện trợ qua cửa khẩu biên giới Rafah hiện là trọng tâm chính. Một quan chức Nhà Trắng xác nhận các cuộc đàm phán và cho biết họ cũng đang tìm kiếm sự đồng ý của Israel để cho phép cung cấp nhiên liệu quan trọng cho các bệnh viện.
Quan chức EU trên cho biết, thỏa thuận về những điểm này có thể dẫn đến việc tập trung nhiều hơn vào giảm bớt bạo lực ở miền Nam Gaza để cho nguồn viện trợ đổ vào. Trung bình có 12 xe tải mỗi ngày vào Gaza trong những ngày gần đây, giảm so với mức 500 xe mỗi ngày trước khi xảy ra xung đột.
Tuy nhiên, Israel cho biết bất kỳ thời gian ngừng chiến đấu nào cũng mang lại lợi ích cho Hamas, tổ chức mà họ quyết tâm tiêu diệt. Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 26/10 rằng: “Lệnh ngừng bắn có nghĩa là cho Hamas thời gian để tái vũ trang, để họ có thể tàn sát chúng tôi một lần nữa”.
Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 26/10 đã thông qua với đa số áp đảo một nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức giữa Israel và Hamas, đồng thời yêu cầu viện trợ tiếp cận Gaza và bảo vệ dân thường.
Nguồn: Công Thuận/Báo Tin tức
2 - Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức
Chiều 27/10 theo giờ Mỹ, rạng sáng 28/10 theo giờ Việt Nam, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, nghị quyết do Jordan bảo trợ đã được ĐHĐ LHQ thông qua với 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Nghị quyết kêu gọi thiết lập một lệnh ngừng bắn “ngay lập tức và bền vững vì mục đích nhân đạo” giữa lực lượng vũ trang Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.
Nghị quyết cũng yêu cầu tất cả các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho mọi con tin, đồng thời đảm bảo việc cung cấp các nhu yếu phẩm “liên tục, đầy đủ và không bị cản trở” tới người dân đang bị mắc kẹt trong khu vực trong bối cảnh có thông tin Israel đã mở rộng các hoạt động trên bộ và tăng cường ném bom dải Gaza.
Đây là nghị quyết đầu tiên được LHQ chính thức thông qua kể từ khi vòng xoáy xung đột mới nhất bùng phát giữa Israel và Hamas hôm 7/10 tới nay. Dù không mang tính ràng buộc pháp lý song nghị quyết là bước đi mang tính biểu tượng, thể hiện nỗ lực của LHQ và các nước thành viên trong việc tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng cũng như lối thoát cho cuộc xung đột hiện nay.
Phát biểu sau khi nghị quyết được ĐHĐ thông qua, Đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Rivière cho biết nước này ủng hộ nghị quyết vì “không điều gì có thể biện minh cho hành động sát hại dân thường”. Ông Rivière bày tỏ hy vọng HĐBA sẽ sớm có hành động tương tự.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an (HĐBA), cơ quan quyền lực nhất của LHQ, tới thời điểm này đã tiến hành bỏ phiếu về 4 bản dự thảo nghị quyết nhưng chưa một văn kiện nào được thông qua.
Nguồn: Thanh Tuấn (TTXVN)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *