9.9, TOÀN THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN 223,63 TRIỆU CA NHIỄM SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 9/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 223,63 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 4,61 triệu người không thể qua khỏi do COVID-19 mà virus này gây ra. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 200,14 triệu người.
Châu Á đến nay vẫn đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, với tổng số ca mắc mới hằng ngày ở mức cao nhất so với khu vực khác. Điều đáng nói, số ca nhiễm mới toàn khu vực này tiếp tục tăng trong 2 ngày qua với con số chênh lệnh hơn 1.000 ca.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Iran, Philippines, Thái Lan là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 16.000 đến 43.000. Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục trong ngày với 43.263 ca, tăng khoảng 6.000 ca so với ngày trước đó. Đến nay, châu Á có tổng cộng 71,98 triệu ca mắc, trong đó có trên 1,06 triệu ca tử vong do COVID-19.
Riêng khu vực Đông Nam Á, ngày 9/9, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 22.820 ca nhiễm mới. Đây là ngày mà Philippines ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Tổng số ca mắc tại Philippines hiện đã là 2,16 triệu ca, trong đó có 34.733 bệnh nhân không qua khỏi. Philippines đang nỗ lực ngăn chặn số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trong bối cảnh các bệnh viện ở nước này đang quá tải. Philippines hiện đã tái áp đặt lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Manila chỉ một ngày sau khi thông báo dỡ bỏ yêu cầu ở nhà đối với hơn 13 triệu người.
Nhiều nước châu Á đang hết sức cảnh giác với biến thể siêu lây nhiễm Delta. Ngày 9/9, quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản chính thức có hiệu lực, trong khi Campuchia và Lào tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng dịch như tăng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định phòng dịch.
Theo worldometers.info, sau châu Á, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai của dịch COVID-19 với tổng cộng 56,35 triệu ca nhiễm, trong đó Anh ghi nhận 7,09 triệu ca nhiễm, vượt qua Nga, nước có 7,06 triệu ca nhiễm. Tiếp theo là Bắc Mỹ (49,68 triệu ca nhiễm), Nam Mỹ (37,14 triệu ca nhiễm), châu Phi (8,04 triệu ca nhiễm), châu Đại Dương (177.645 ca nhiễm).
Hiện nhiều nước ghi nhận tình trạng bệnh nhân COVID-19 là trẻ em gia tăng, đặc biệt tại Mỹ - nơi số bệnh nhân COVID-19 là trẻ em chiếm tới 25% tổng số ca mắc mới ghi nhận theo tuần kể từ ngày 2/9. Các nước dần chuyển trọng tâm các chương trình tiêm chủng sang nhóm người trẻ tuổi này, sau khi tỷ lệ tiêm chủng ở người trưởng thành ưu tiên trước đó đã đạt kết quả nhất định. Chile bắt đầu nối lại tiêm chủng cho trẻ từ 6-11 tuổi, Slovakia thông báo sẽ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi, còn Thái Lan xem xét tiêm chủng cho trẻ từ 3 tuổi.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại châu Phi diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn do sự xuất hiện của các các biến thể có tốc độ lây lan nhanh hơn, đặc biệt là biến thể Delta. Văn phòng WHO khu vực châu Phi cho biết số ca nhiễm hằng tuần tại châu Phi đã giảm hơn 20%, mức giảm theo tuần mạnh nhất trong hai tháng qua, khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang giảm dần. Tuy nhiên, tốc độ giảm lại chậm hơn các làn sóng trước do các tác động của những biến thể lây lan nhanh hơn. Châu lục này ghi nhận hơn 165.000 ca nhiễm trong tuần kết thúc vào ngày 5/9, thấp hơn 23% so với tuần trước đó, nhưng vẫn cao hơn số ca nhiễm theo tuần được ghi nhận vào đỉnh điểm của làn sóng thứ nhất.
Biến thể Delta, một trong các nguyên nhân gây ra làn sóng thứ ba, đã được ghi nhận trong hơn 70% mẫu bệnh ở Botswana, Malawi cùng Nam Phi và trong hơn 90% mẫu bệnh ở Zimbabwe. Đến nay, biến thể Delta đã được phát hiện tại 31 quốc gia châu Phi, trong khi biến thể Alpha và Beta được phát hiện lần lượt tại 44 nước và 39 nước ở châu lục này.
Trong khi đó, biến thể C.1.2, phát hiện đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 5 vừa qua hiện đã lây lan sang 10 quốc gia, trong đó có 5 nước châu Phi. Các chuyên gia xác nhận đây là biến thể có nhiều đột biến hơn mọi biến thể đã được phát hiện từ trước đến nay trên toàn thế giới. Cụ thể, C.1.2 có 41,8 đột biến mỗi năm và tốc độ lây nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) bày tỏ lo ngại về biến thể Mu mặc dù đến nay chưa có dữ liệu nào cho thấy biến thể này có thể vượt biến thể Delta. Mu lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia vào tháng 1 và được biết tới là biến thể B.1.621. Biến thể này đã lan sang các quốc gia khác ở Nam Mỹ và châu Âu. Cho đến nay, WHO cho biết biến thể Mu chiếm chưa đến 0,1% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, song tại Colombia, tỷ lệ này là 39%.
Người phụ trách chiến lược vaccine của EMA Marco Cavaleri cho biết EMA đang tập trung chủ yếu vào biến thể Delta, song cũng lưu ý tìm hiểu các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 như biến thể Lambda và Mu. EMA sẽ thảo luận với các hãng bào chế vaccine ngừa COVID-19 về tính hiệu quả của các loại vaccine hiện nay trong phòng chống biến thể Mu.
Đầu tháng này, WHO đã phân loại biến thể Mu là “biến thể đáng quan tâm”, chứa các đột biến có khả năng kháng vaccine, do đó cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn.
Nguồn: Lan Phương (TTXVN) - Ảnh bìa THX/TTXVN: Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ.
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *