ANGELA MERKEL - NHÀ LÃNH ĐẠO TẦM CỠ CỦA CHÂU ÂU
Trong 13 năm bà Angela Merkel cầm quyền, nước Đức trở thành một nơi khá yên bình và thịnh vượng, cho dù xảy ra một số cơn bão chính trị Angela Merkel - Nhà lãnh đạo tầm cỡ của châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tuần rồi thông báo sẽ rời khỏi vũ đài chính trị sau khi nhiệm kỳ hiện nay dự kiến kết thúc vào năm 2021. Sự ra đi này có thể sớm hơn nếu bầu cử diễn ra trước thời điểm nói trên. Dù vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, vẫn còn nhiều thời gian để sát hạch những người kế nhiệm tiềm năng và chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai sau khi bà Merkel ra đi. Giờ là lúc nhìn lại sự nghiệp của một trong những nhà lãnh đạo phương Tây phi thường trong thời đại chúng ta.
Nhà lãnh đạo này không nổi bật vì sự lôi cuốn, táo bạo hay tài hùng biện. Cũng như người thầy và người tiền nhiệm Helmut Kohl, bà Merkel khá ôn tồn trong lời nói và cử chỉ. Khẩu hiệu của bà trong cuộc bầu cử vừa qua - "Vì một nước Đức, nơi có cuộc sống tốt đẹp và chúng ta thích điều này" - đã tổng kết phần nào sự kết hợp giữa sự ôn hòa, ổn định và chủ nghĩa trung tâm đã thu hút sự ủng hộ của không ít cử tri. Kể từ khi bà Merkel lên nắm quyền vào năm 2005, nước Đức trở thành một nơi khá yên bình và thịnh vượng, cho dù xảy ra một số cơn bão chính trị.
Chính sự bình tĩnh, nhất quán và nhã nhặn đó đã giúp bà Merkel ghi điểm và đảm nhận vai trò "nhà lãnh đạo trên thực tế của thế giới tự do" trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở châu Âu, quan hệ căng thẳng với Nga; Tổng thống Donald Trump nhường lại vai trò lãnh đạo của Mỹ và Anh đang cố gắng rời Liên minh châu Âu. Danh hiệu này có thể hơi phóng đại. Nói chính xác hơn, bà Merkel nhận ra sự cần thiết phải điều hành một thế giới tự do đang thiếu nhà lãnh đạo.
Không phải ai khác, nữ thủ tướng đầu tiên của nước Đức là người sẵn sàng đối đầu với cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bà cũng là người dám mở cửa đất nước chào đón người tị nạn và đồng ý 3 gói cứu trợ tài chính để cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ phá sản. Tất cả điều này diễn ra mà không có chút gì kịch tính, nhiều lời nói hoặc sự vội vàng.
Các quyết định của bà Merkel được khen ngợi nhiều nhưng cũng bị công kích không ít. Bà bị chỉ trích là cứng rắn quá mức khi khăng khăng đòi Hy Lạp thắt lưng buộc bụng bất chấp nước này bên bờ vực sụp đổ. Việc mở cửa biên giới đất nước cho người tị nạn bị xem là nguyên nhân dẫn đến sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) và làm giảm uy tín của bà Merkel. Điều này được thể hiện phần nào qua kết quả kém ấn tượng của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong cuộc bầu cử ở bang Hessen hôm 28-10 qua.
Tuy nhiên, hành động nguyên tắc của bà Merkel cũng nêu bật sự khác biệt với lập trường phản đối người nhập cư được cổ xúy bởi người theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu và ông Donald Trump. Đối mặt cuộc khủng hoảng tị nạn, lời kêu gọi được nhà lãnh đạo này đưa ra với người dân chỉ đơn giản là "Chúng ta sẽ xử lý được nó". Đó cũng chính là những gì bà Merkel, 64 tuổi, đã làm trong 13 năm qua.
Về đối ngoại, bà Merkel ủng hộ mạnh mẽ Liên minh châu Âu, NATO và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Trong thời gian bà làm thủ tướng, nước Đức đã tăng vai trò của mình trong an ninh quốc tế và nhà lãnh đạo này cam kết tăng chi tiêu quân sự lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Một cuộc khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 52% người được hỏi tại 25 quốc gia có niềm tin vào bà Merkel, cao hơn nhà lãnh đạo các nước Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ. (Để so sánh, 70% người được hỏi cho biết thiếu niềm tin vào ông Donald Trump).
Điều này báo hiệu những khó khăn chờ người kế nhiệm bà Merkel trong việc chứng tỏ mình là người xứng đáng. Chưa hết, không ít thách thức đang chờ lãnh đạo tương lai của nước Đức: Định hình lại một Liên minh châu Âu không còn nước Anh, củng cố các tổ chức quản lý đồng euro, xung đột với chính quyền ông Trump và phe theo chủ nghĩa dân túy tại châu Âu, đối phó với Nga.
Nhưng bà Merkel đang làm điều đúng khi thông báo ra đi. Gần đây, bà và liên minh của mình trông mệt mỏi. Các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà sụt giảm. Ngoài ra, 13 năm cầm quyền (hoặc lâu hơn) là quá đủ cho bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị nào. Những nhà lãnh đạo giỏi nhất là những người biết rõ khi nào nên rời khỏi chính trường.
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *