ANH ´TIÊN SƯ BỐ ĐỜI´ - Truyện ngắn của Nguyen Tuyet Hạnh, từ Hà Nội

Đăng bởi:
25/05/2024 | 03:21
Chuyên mục: Văn thơ
0 bình luận
ANH ´TIÊN SƯ BỐ ĐỜI´ - Truyện ngắn của Nguyen Tuyet Hạnh, từ Hà Nội

Tên anh hoành tráng hay lắm nhưng cứ mở miệng là anh nói "Tiên sư bố đời" , nên mình gọi anh là anh Tiên sư bố đời.

Anh là tổ trưởng của mình hồi làm nhân viên phục vụ ăn uống Đường sắt. Gọi là phục vụ cho oai chứ thực ra là bán cơm phở, bánh kẹo và nước chè trên tầu.

Tổ phục vụ có 4 người. Anh TSBĐ (từ giờ viết tắt cho nhanh), chị Ruân vợ anh, chị Tuận và mình. Tất cả đều chuyển ngành từ thanh niên xung phong về nên quý nhau lắm.

Anh TSBĐ lấy vợ mãi chả có con. Chị Tuận thì chưa kịp lấy chồng nhưng có một thằng con trai 4 tuổi đẹp như tranh vẽ. Chị Tuận bảo tao đi chiến trường lãi được mỗi thằng cu, chứ tao giờ mặt xấu, tính gấu chả ma nào nó vời. May quá cơ, chứ giờ về đi làm chỉ để nuôi mõm, sau già cả chả biết nương tựa vào ai.

Hồi mình mới về tổ anh TSBĐ bảo: "Tiên sư bố đời, anh nghĩ mãi vẫn đéo hiểu tại sao mày lại đi thanh niên xung phong, vất vả khiêng vác quần quật ra, rồi đi bán nước rong trên trên tầu. Anh chị nhà quê cổ cầy vai bừa còn được. Mày con nhà tư sản gái phố chịu được mấy nả. Đáng mày phải ngồi bàn giấy ăn trắng mặc trơn chỉ tay năm ngón". "Giời ạ, thành phần như anh mới có cơ hội ăn trắng mặc trơn chứ thành phần như em xin được việc là tốt rồi. Mà em thấy nghề của mình cũng ngon đấy chứ. Em không đi thanh niên xung phong nhẽ chả xin được vào đây". 

Hồi mới đi tàu phải đi bán nước mình sợ lắm. Hai tay xách hai ấm nước to vật như hai thùng nước tưới cây, ngón tay ngoắc mấy cái ca đi dọc đoàn tàu 9 toa mà bán không hết. Có hôm tàu dồn toa phanh gấp ngã chổng kềnh, hai thùng nước lăn lông lốc, nước chảy lênh láng ướt hết cả quần áo của mình và khách. Có ông khách nóng tính chửi: "Sư bố con điên, đi như con mù dở say rượu ấy. Ướt mẹ cả dái...".

Mình về toa cung ứng đặt phịch hai ấm nước xuống bảo anh: "Cho em làm gì cũng được. Em không đi bán nước nữa đâu".

- "Ơ cái con này. Mày bị hâm à. Mày ăn lương bán nước thì mày phải bán nước chứ còn làm cái gì. Mày muốn bán được nước thì phải rao chứ. Còn muốn đi tàu không bị ngã thì phải biết cách. Ví dụ khi thấy tàu rùng rùng, giật giật thì phải xuống tấn, chân bám chặt xuống sàn tàu như thả neo ấy. Phần chân và thân dưới phải cứng, phần thân trên mềm mại uốn theo chiều tàu giật. Hiểu chửa...?".

- "Vâng, nhưng em không biết rao. Xấu hổ lắm".

- "Tiên sư bố đời. Đi bán nước mà không rao thì còn làm ăn gì. Thôi anh đi trước anh rao, mày đi sau bán nước. Được chưa".

Từ hôm ấy anh đi trước rao: "Ai lước chè lóng đây, ai lước chè lóng lào", (khi rao anh bị ngọng l, n chứ nói bình thường anh không bị ngọng), mình đi sau bán nước. 

Những ngày đầu rao bán nước là nỗi kinh hoàng. Sợ nhất là gặp bạn bè cũ đi tàu. Xấu hổ vãi. Sau rồi cũng quen không cần phải có anh đi trước rao hộ. Mình rao ngọt choét, dẻo quẹo âm vang lắm. Chưa đi hết 2 toa tàu đã bán hết 2 ấm nước. Anh TSBĐ cười hề hề: "Anh biết mà. Mày làm ngon. Mai anh buộc thêm 3 cái ca đeo vào cổ mày đi bán cho nó nhanh. Khách không phải đợi". 

Từ hôm đó 2 tay xách 2 ấm nước, ngoắc mỗi tay 3 cái ca, cổ đeo toòng teng 3 cái ca nữa là 9 cái ca mình đi bán nước rong, miệng rao lanh lảnh "Ai lước chè lóng đây, ai lước chè lóng lào..." . Mỗi khi tàu dồn toa hay phanh gấp là mình lại xuống tấn găm chặt chân xuống sàn tàu, phần thần trên uốn lượn mềm như cành rong biển trong bể cá, cấm bao giờ ngã. Mình rất biết ơn anh, hehe.

Cũng có hôm mát giời nước bị ế, về anh bảo: "Mày lại lười rao đúng không?"

- "Không, em rao rã cả họng. Còn vượt chuẩn của anh ý".

- "Mày rao thế nào?"

- Em rao: "Ai lước lóng đây, ai lước lóng lào. Uống xong ta xếp hàng vào WC".

- "Tiên sư bố đời, chỉ được cái nghịch là không ai bằng". 

Một hôm nhận hàng xong xuôi anh bảo: "Mày nấu cơm giúp anh. Anh đi tắm cái".

- "Anh mà không tắm chắc tí nữa cả tổ chết ngạt". (Anh TSBĐ bị bệnh viêm cánh nặng).

Mình và chị Tuận lên tàu nấu cơm sắp xếp hàng họ xong mãi vẫn chưa thấy vợ chồng anh TSBĐ đâu. Chị Tuận bảo, mày xuống xem anh mày đâu lâu thế. Tầu sắp chạy rồi. Mình nhảy xuống ga thấy anh mặt mày xanh lét, chị Ruân mặt đỏ dừ run cầm cập đang bị công an dong về đồn. Cậu công an quen lắm, mọi khi vẫn lên tàu nịnh bợ mua chai bia gói kẹo.

Mình hốt hoảng: "Sao lại bắt anh chị?".

Cậu công an mặt lạnh te bảo: "Ông bà này can tội hủ hóa trong buồng tắm công cộng bị bắt quả tang".

- "Ôi trời, ông bà này là vợ chồng đấy".

- "Ai lạ gì vợ chồng nhà này. Nhưng hủ hóa là phải về đồn lập biên bản". 

Mình chạy về gọi Lãnh đạo Công ty sang bảo lãnh anh chị.

Về tàu mình bảo: "Sao anh làm thế?.

- "Tiên sư bố đời. Thì anh biết làm ở đâu. Đi thanh niêm xung phong về anh ở tập thể nam, chị ở tập thể nữ, không tranh thủ , bờ bụi thì để mốc à. Nói thật, trong túi xách chị mày lúc nào chả có tấm ny lông, rảnh phát là anh chị lên bờ đê nhà Bác cổ èn en...".

Hai tháng sau anh vui mừng báo tin chị có bầu.

Sáu tháng sau anh hồ hởi thông báo: "Anh chị được cấp nhà riêng rồi nhá. Nhà có 25m vuông nhưng anh vui lắm vì từ giờ không phải bờ bụi vừa đéo vừa run nữa. Hôm ấy lúc Lãnh đạo công ty sang đồn bảo lãnh anh bảo vì không có nhà riêng nên anh phải làm thế. Chắc lãnh đạo xấu hổ thay cho anh nên xem xét cấp nhà sớm". Anh cười khầng khậc rồi tiếp: "Tiên sư bố đời, anh cứ nghĩ mãi vẫn đéo hiểu tại sao bao nhiêu năm anh lên xuống nhịp nhàng, ra vào nắn nót thế mà không dính. Hôm đi tắm cái cánh cửa phòng bị hỏng chốt, anh ngó ra thấy chị mày đi qua anh ngẫu hứng kéo vào, vội vàng chầy trật thể mà lại hiệu quả".

Sau lần ấy anh chị có một đứa con gái xinh phết. Anh đặt tên con là Thủy để kỷ niệm ngày nó được đúc trong nhà tắm. Còn mình sau vụ ấy được thay anh làm tổ trưởng vì mỗi mình không bị phốt hủ hóa.

Sau này vui chuyện anh bảo: "Tiên sư bố đời, mỗi cái ngẫu hứng hủ hóa của anh mà bao nhiêu người sướng. Anh sướng vì vừa có con vừa có nhà. Mụ Ruân sướng vì không lo anh mát giời đi gửi. Cái Tuận sướng vì có đồng bọn cùng tội. Mày sướng vì được lên chức". 

- Hehe, nhẽ thế thật. Anh mà không hủ hóa thì có đến mùng thất mình có tí chức vụ... Tiên sư bố đời, lắm lúc cười vãi nước mắt...

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >