BÀI TRẢ LỜI PV ĐẦY Ý NGHĨA CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH THỌ LẠC TRƯỚC THỀM XUÂN GIÁP THÌN

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
09/02/2024 | 06:02
Chuyên mục: Lời hay ý đẹp
0 bình luận
BÀI TRẢ LỜI PV ĐẦY Ý NGHĨA CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH THỌ LẠC TRƯỚC THỀM XUÂN GIÁP THÌN

- PV bchannel.vn: Kính bạch Hòa thượng, cách đón Tết của người Việt phong phú và chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa Phật giáo. Điều này được thể hiện rõ ràng như thế nào trong các lễ nghi cũng như nhiều hoạt động vào mỗi dịp đầu xuân năm mới?

- Cách đây 2000 năm lịch sử, Phật giáo du nhập vào Việt Nam với tinh thần dung hòa “Tùy duyên bất biến. Bất biến tùy duyên”. Cho nên tinh thần, tư tưởng, đạo đức, lối sống của Phật giáo đã dung hòa với văn hóa bản địa tạo nên một văn hóa bất khả phân giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa của dân tộc. Có thể nói, văn hóa Phật giáo tức là văn hóa của dân tộc, văn hóa của dân tộc không thể tách rời văn hóa Phật giáo. Tất cả những phong tục, tập quán của dân tộc đâu đó đều ảnh hưởng về mặt tinh thần, tư tưởng, đạo đức và văn hóa của Phật giáo. Văn hóa của Phật giáo đã tiếp thu từ những văn hóa, tinh hoa của văn hóa bản địa tạo nên một nền văn hóa Việt Nam khác biệt với nền văn hóa các nước trên thế giới. 

Văn hóa Phật giáo Việt Nam thể hiện qua những ngày lễ, ngày Tết, Tết lớn của Phật giáo, đặc biệt là mùa xuân đầu năm. Những lễ Tết lớn được thể hiện rất rõ ràng trong phong tục, tập quán cũng như nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam đã được tiếp thu, ảnh hưởng rất nhiều về văn hóa của Phật giáo và ngược lại, văn hóa Phật giáo đâu đó cũng vô hình chung đang hòa nhập vào văn hóa của bản địa tạo nên một thể văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa Phật giáo tức là văn hóa của dân tộc, văn hóa của dân tộc tức là văn hóa của Phật giáo như hình với bóng 

PV: Vào thời khắc giao thừa hay sớm mùng 1 Tết, nhiều người thường có thói quen đến chùa ngắt lấy một nhánh lộc non hay bẻ một cành cây nhỏ với mong ước về một năm nhiều tài lộc, may mắn bởi từ “lộc” trong từ lộc non cũng được hiểu như chữ “lộc” trong tài lộc. Quan điểm như vậy đã chính xác hay chưa và Hòa thượng có thể chỉ rõ chúng con phải thực hiện thế nào để việc hái lộc đầu năm thực sự giữ trọn ý nghĩa?

Ở dân gian thường người ta quan niệm: “Xuân sinh Hạ trưởng Thu thu Đông tàng”. Mùa xuân là mùa đâm chồi nảy lộc nên người ta nghĩ đến rằng hái lộc là đem lại những lộc lá trong một năm mới. Nhưng thực thế, lộc phải được nảy sinh, phải trưởng thành, phải lớn lên bởi các chi nhánh cành rồi kết hoa, kết trái chứ lộc mà mình tiếp thu khi mình bẻ những lộc đó nó sẽ không thể phát triển được cành lá, đâm hoa, kết trái. Thế nên quan điểm đó là quan điểm sai lầm. Hơn thế nữa, hành động này vô hình chung đang hủy hoại thế giới, môi trường tự nhiên của chúng ta. 

Thứ hai, việc hái bẻ lộc không làm lợi ích đến con người mà còn gây tổn hại đến thân cây. Bởi vì không ra bông, không kết trái thì cành lộc đó trở nên héo hon. Cho nên, lộc không nằm ở việc hái bẻ lộc. Theo quan niệm của Phật giáo, khi mọi người đến chùa chúng ta có ý thức tu nhân tích đức, hướng điều thiện, làm nhiều điều thiện, nói thiện, làm thiện và suy nghĩ thiện từ việc thiện đó sẽ giúp cho con người ta có thể tăng trưởng được công đức. 

Trong Phật giáo có quan niệm “Tu là chuyển nghiệp”, chúng ta tu sẽ chuyển được nghiệp, chúng ta làm nhiều điều thiện sẽ được tăng trưởng công đức, phúc đức và từ công đức, phúc đức đó sẽ sản sinh ra lộc, ra bình an, ra sức khỏe cho con người. 

PV: Rất nhiều gia đình hiện nay chú trọng thực hiện các nghi lễ cúng bái trong ngày Tết, trong đó họ đốt vàng mã rất nhiều với suy nghĩ gửi gắm đến ông bà tổ tiên càng nhiều thì năm mới càng được phù hộ, độ trì, thậm chí là “xin” ông bà tổ tiên đạt được điều nguyện ước. Hòa thượng đánh giá như thế nào về hiện trạng này?

Tết là sum vầy, đoàn viên. Tết là khoảng thời gian chúng ta có thêm một cơ hội để trở về, về cội nguồn quê hương của mình dâng nén tâm hương, phẩm vật phù hợp kính tiên tổ tỏ lòng tri ân đến tổ tiên – những người sinh dưỡng ra chúng ta. Đây là việc hết sức cần thiết, cũng là đạo hiếu của Phật giáo và thể hiện tinh thần hiếu thuận của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc tôn kính thể hiện tinh thần tri ân, báo ân, uống nước nhớ nguồn của những người con đối với bậc tiền bối, tổ tiên, ông bà, cha mẹ không phải lễ vật mà chính là lòng thành của mình. Mặc dù chỉ cần một bông hoa, một nén hương hoặc một trái cây tinh khiết cũng thể hiện sự tôn kính lòng thành dâng lên tổ tiên, không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy. 

Thay vì đốt vàng mã, chúng ta có thể tưởng nhớ người quá cố bằng cách niệm Phật, tụng kinh, làm điều thiện và hồi hướng cho những người đã khuất. Chúng ta không nên tiếp tục những phong tục, tập quán cổ hủ bởi nó không phù hợp với tinh thần Phật giáo, không phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như tinh thần văn minh của xã hội ngày nay.

PV: Phật giáo luôn khuyến khích chúng ta sống đúng đắn và làm nhiều điều thiện có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Vậy làm thế nào để tục cúng lễ ngày Tết không bị biến tướng trở thành “mê tín dị đoan” thưa Hòa thượng?

- Muốn hồi hướng bình an cho gia đình, những người đang sống và hồi hướng cho tiên tổ, quá vãng không còn cách nào hơn hết là chúng ta phải tu tâm dưỡng tính, làm nhiều điều lương thiện, đoạn trừ điều ác hướng về điều thiện. Thân, Khẩu, Ý phải thanh tịnh.

Nhiều khi có nhiều hủ tục, phong tục, tập quán quá xưa quá cố. Chúng ta cần phải thay đổi làm sao cho phù hợp với nền văn hóa, văn minh trong hiện đại và phù hợp với tinh thần, tư tưởng, văn hóa của Phật giáo. Mình có công sức mình làm nhưng không phù hợp với tinh thần Phật giáo, không đem lại lợi ích cho mình thì chúng ta cũng cần phải tư duy, cân nhắc. Phật dạy là phải có trí tuệ trước khi mình làm bất cứ điều gì. Việc đáng làm phải cương quyết làm bằng được và làm đến nơi, đến chốn thì đó là tinh thần Phật giáo.

PV: Vậy còn quan niệm xông đất xông nhà đầu năm phải chọn người hợp tuổi thì gia chủ mới “ăn nên làm ra”, gặp nhiều may mắn, điều này có đúng không thưa Hòa thượng?

- Việc xông đất đầu năm là quan niệm của thế gian. Đối với Phật giáo, tâm bình thế giới bình, tâm tịnh thế giới tịnh, ngày an lành, đêm an lành, đêm ngày sáu thời đều an lành. Nếu chúng ta bất hòa, chúng ta làm nhiều điều không tốt thì việc cầu sự may mắn là rất khó. Điều thiết thực để chuyển hóa, đem lại sự may mắn là chúng ta cần phải làm điều thiện. 

Trong kinh Di Đà có dạy: “Đa thiện, đa phúc đức, đa nhân duyên”, có nghĩa là phải làm nhiều điều thiện căn, làm nhiều điều phúc và kết nhiều thiện duyên với người khác thì may mắn sẽ mỉm cười với mình. Còn chúng ta ích kỷ, bủn xỉn không có tinh thần vị tha, không có tinh thần hy sinh, không có tinh thần dấn thân, không có tinh thần làm điều thiện thì việc những điều tốt đẹp đến với mình là điều rất khó. Cho nên mong muốn may mắn thì bản thân chúng ta phải tự chuyển hóa nội tâm. 

Tóm lại, con người chúng ta muốn chuyển hóa được thế giới bên ngoài, chuyển hóa được nghiệp chúng ta phải chuyển hóa nội tâm, tu tâm dưỡng tính và phải hướng thiện, loại bỏ dần điều ác tăng trưởng làm điều thiện thì những thứ chúng ta không cầu sẽ tự nhiên mà đến. 

Xông đất đầu năm để mong may mắn, “ăn nên làm ra” là quan niệm của thế gian. Còn theo tinh thần Phật giáo, muốn chuyển hóa được thế giới bên ngoài, chuyển hóa được nghiệp, chúng ta phải chuyển hóa nội tâm, tu tâm dưỡng tính và phải hướng thiện, loại bỏ dần điều ác tăng trưởng làm điều thiện thì những thứ chúng ta không cầu sẽ tự nhiên mà đến.

PV: Một trong những ảnh hưởng nổi bật nhất của tín ngưỡng Phật giáo trong cách đón Tết của người Việt Nam là hoạt động cầu an đầu năm. Ý nghĩa của cầu an đầu năm là nguyện ước cho thân an, tâm an, mọi sự an, không chỉ cho cá nhân, gia đình mà còn có ý nghĩa cộng đồng. Tuy nhiên, cầu an, giải hạn đầu năm thế nào sao cho đúng thì không phải ai cũng nắm được. Mong Hòa thượng chia sẻ thêm để chúng con được sáng tỏ?

- Đức Phật là một bậc vĩ đại, bậc đạo sư, bậc trí tuệ và phúc đức viên mãn. Đức Phật là bậc thế tôn đáng kinh để chúng ta có thể nương tựa, gửi gắm là chuyện không sai. 

Đối với những người có niềm tin vào Phật giáo, khi chúng ta bất an có thể chia sẻ với Đức Phật để tâm vơi đi những nỗi khổ trong cuộc sống mà chúng ta không biết chia sẻ với ai. 

Thứ hai, mình gửi gắm lên Đức Phật và mong đợi, mong cầu, mong muốn nương tựa vào Đức Phật che chở cho là điều bình thường.

Đặc biệt, khi bố mẹ chúng ta mất đi cũng không biết đi về thế giới nào, con cái cũng bất lực nên đều mong muốn nương tựa vào Phật pháp, nhờ Phật pháp cứu độ cho bố mẹ được vãng sinh cực lạc. Đó chính là thể hiện tấm lòng hiếu thuận của một người con đối với cha mẹ, đối với bậc tôn kính.

Tuy nhiên, Đức Phật dạy rằng chỉ có tu mới chuyển được nghiệp. Khi chúng ta tụng kinh, chúng ta đọc những lời dạy của Đức Phật và học những phương pháp tu tập của đạo Phật chính là thể hiện tinh thần tôn kính đối với Đức Phật. 

PV: Cuối cùng, xin Hòa thượng dành vài lời khuyên đến người dân cả nước trước khi đón một Tết cổ truyền ý nghĩa, an vui.

- Trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, xin gửi tới tất cả chư Tôn đức Tăng Ni, đạo hữu Phật tử, bà con nhân dân đón Tết an lành và theo đúng tinh thần của Phật giáo và mong rằng mọi người sẽ thực hiện theo những lời Phật dạy để hướng tới những điều thiện và xây dựng một xã hội an lành, hòa bình. 

PV: Xin cảm ơn Hòa thượng Thích Thọ Lạc về những chia sẻ sâu sắc. Kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, mãi là cây cao bóng cả để chư Tăng Ni và hàng đệ từ noi theo!

Nguồn: Viet-bao.de theo bchannel.vn

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...