Biến đổi khí hậu - 'Kẻ thù vô hình' đang đe dọa sức khỏe toàn cầu

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
10/11/2024 | 03:24
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
Biến đổi khí hậu - 'Kẻ thù vô hình' đang đe dọa sức khỏe toàn cầu

Nhiệt độ kỷ lục, các hiện tượng thời tiết cực đoan, ô nhiễm không khí và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm đang đe dọa sức khỏe của con người trên khắp thế giới. Những cảnh báo từ các chuyên gia cho thấy biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của môi trường mà đã trở thành vấn đề sống còn đối với sức khỏe cộng đồng.

Trong tuần tới, Hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) sẽ diễn ra tại Azerbaijan, trong bối cảnh năm 2024 được dự đoán là năm nóng nhất trong lịch sử và thế giới tiếp tục đối mặt các hậu quả thảm khốc từ lũ lụt, hạn hán, nắng nóng và bão lốc.

Theo cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), năm 2024 "gần như chắc chắn" sẽ vượt qua năm ngoái để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Dự báo cũng cho thấy 2024 có thể là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,5 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Mốc nhiệt độ này là một cảnh báo quan trọng, vì giới hạn tăng nhiệt độ 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp được xem như ngưỡng an toàn trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, nhằm hạn chế những tác động nguy hiểm và không thể đảo ngược khi Trái Đất nóng lên.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: "Biến đổi khí hậu đang khiến chúng ta lâm bệnh, và hành động cấp bách bây giờ là vấn đề sống còn". Theo báo cáo từ các chuyên gia thuộc tổ chức The Lancet Countdown, 10 trong số 15 tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người đã đạt mức báo động. Số người trên 65 tuổi tử vong vì nắng nóng đã tăng 167% kể từ những năm 1990. Nhiệt độ cực cao có thể gây ra hàng loạt rủi ro sức khỏe nghiêm trọng như rối loạn thận, đột quỵ, các vấn đề về tim mạch, hô hấp, suy nội tạng và thậm chí tử vong.

Bà Jeni Miller - Giám đốc điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu - cho biết: "Năm nay càng cho thấy rõ tác động ngày càng lớn của khí hậu nóng lên đối với sức khỏe và chất lượng sống của con người". Những ví dụ điển hình là Ấn Độ với hơn 700 người tử vong và 40.000 ca say nắng, vỡ đập do mưa lũ nghiêm trọng tại Nigeria khiến 320 người thiệt mạng, và 48 trên 50 bang ở Mỹ chịu cảnh hạn hán nặng nề.

Các đợt hạn hán, lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác cũng ảnh hưởng tới mùa màng, dẫn đến tình trạng thiếu đói và đe dọa an ninh lương thực ở nhiều khu vực.

Theo WHO, có tới 99% dân số thế giới hít thở bầu không khí vượt ngưỡng an toàn về ô nhiễm. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, tiểu đường và nhiều vấn đề khác, tạo ra nguy cơ lớn về sức khỏe.

Theo ước tính, mỗi năm có gần 7 triệu ca tử vong sớm liên quan ô nhiễm không khí. Thành phố Lahore ở Pakistan tuần qua ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí cao hơn 40 lần mức cho phép của WHO. Tuy nhiên, vẫn lóe lên một tia hy vọng là báo cáo từ The Lancet Countdown chỉ ra rằng số ca tử vong liên quan ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch đã giảm gần 7% từ năm 2016 đến 2021, nhờ các nỗ lực cắt giảm khí thải từ than đá.

Biến đổi khí hậu cũng mở rộng phạm vi sinh sống của các loài muỗi, chim và động vật có vú, khiến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan rộng hơn. Các bệnh như sốt xuất huyết, Chikungunya, Zika, virus Tây sông Nile và sốt rét có khả năng lan rộng hơn khi Trái Đất nóng lên.

Nguy cơ lây truyền của loài muỗi mang virus sốt xuất huyết đã tăng 43% trong 60 năm qua. Năm ngoái, thế giới đã ghi nhận kỷ lục mới với hơn 5 triệu ca sốt xuất huyết. Ngoài ra, các cơn bão và lũ lụt tạo ra nước đọng, là nơi sinh sản lý tưởng của muỗi và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường nước như tả, thương hàn và tiêu chảy.

Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, báo New York Times ngày 8/11 đưa tin nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chuẩn bị các sắc lệnh hành pháp và thông cáo về việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris một lần nữa. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã hủy bỏ hàng trăm biện pháp bảo vệ môi trường và quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu vì cho rằng các hoạt động chống biến đổi khí hậu quá tốn kém. Kể từ khi 200 quốc gia cùng ký kết tham gia Hiệp định Paris vào năm 2015, Mỹ là nước đầu tiên rút khỏi hiệp định này.

Nguồn: Viet-bao.de theo Thanh Phương (TTXVN) Ảnh bìa bìa THX/TTXVN: Khu vực chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Utiel, Tây Ban Nha ngày 2/11/2024. 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >