Châu Âu có nguy cơ cạn kiệt dầu diesel

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
20/09/2023 | 16:32
Chuyên mục: Sự kiện châu Âu
0 bình luận
Châu Âu có nguy cơ cạn kiệt dầu diesel

Thế giới đang gặp phải tình trạng thiếu nhiên liệu diesel do các nhà máy lọc dầu hiện không thể sản xuất đủ số lượng cần thiết. Và nguy cơ này tại châu Âu là cao hơn cả.

Báo Nga Rossiyskaya Gazeta trích dẫn báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) cho biết, châu Âu đang gặp rủi ro cao về thiếu nhiên liệu. Bởi lẽ sau khi dừng mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga, châu Âu không thể đáp ứng nhu cầu nhiên liệu diesel và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Theo Rossiyskaya Gazeta, Nga sẽ không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vì nước này sản xuất gấp đôi lượng nhiên liệu diesel mà thị trường nội địa cần. Tuy nhiên, giá dầu diesel tăng ở châu Âu đang đẩy giá nhiên liệu ở Nga tăng lên. Cùng với gánh nặng thuế ngày càng lớn đối với các công ty dầu mỏ, hai yếu tố trên đã nâng giá nhiên liệu tăng cao. Trong khi đó, xuất khẩu xăng và dầu diesel trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất so với cung cấp cho thị trường nội địa.

Nhà phân tích Vladimir Chernov tại tổ chức Freedom Finance Global chỉ ra rằng trữ lượng dầu diesel ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm. Nguyên nhân được cho là do xuất khẩu và sản lượng dầu ở Nga và Saudi Arabia giảm. Bên cạnh đó, sự thiếu đầu tư của châu Âu trong những năm gần đây cũng đóng một vai trò gây sụt giảm công suất lọc dầu.

Thế nhưng, chuyên gia hàng đầu tại hãng đầu tư Otkritie Investment, ông Andrey Kochetkov tin rằng còn quá sớm để nói về một cuộc khủng hoảng dầu diesel toàn diện ở châu Âu. 

Nhà phân tích Vladimir Chernov lưu ý rằng khi giá dầu diesel toàn cầu tăng lên, việc xuất khẩu nhiên liệu diesel từ Nga sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn là bán buôn cho thị trường nội địa. 

Và do đó, ông Valery Andrianov, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Infotek, nhận định điều này đặc biệt rủi ro trong bối cảnh đồng ruble đang suy yếu. Tính theo tỷ giá ruble, giá bán lẻ ở châu Âu cao gấp 4 lần ở Nga. Khoảng cách lớn đó đang thúc đẩy dòng hàng hóa xuất khẩu. Hiện nay, chính phủ Nga đang thảo luận về các hạn chế xuất khẩu và tăng thuế xuất khẩu để có khả năng giải quyết vấn đề trên. 

Nguồn: Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo TASS)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >