CHÂU ÂU ĐỐI MẶT VỚI ĐỢT HẠN HÁN TỒI TỆ NHẤT 500 NĂM

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
24/08/2022 | 23:23
Chuyên mục: Sự kiện châu Âu
0 bình luận
CHÂU ÂU ĐỐI MẶT VỚI ĐỢT HẠN HÁN TỒI TỆ NHẤT 500 NĂM

Trang Báo Tin tức đưa tin: Châu Âu đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm, với 2/3 diện tích lục địa hiện trong tình trạng báo động.

Hạn hán 500 năm mới có một lần

Theo báo cáo mới nhất của Đài Quan sát Hạn hán Toàn cầu thuộc Liên minh châu Âu (EU), 47% diện tích lục địa đang trong tình trạng báo động do độ ẩm của đất bị giảm sút, 17% lục địa trong tình trạng báo động do thảm thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng cộng, khoảng 64% diện tích EU đang trong tình trạng báo động vì hạn hán.

“Theo các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu hỗn hợp (JRC) của châu Âu, các đợt hạn hán hiện nay dường như tồi tệ nhất trong vòng ít nhất 500 năm qua. Dữ liệu vào cuối mùa sẽ xác nhận đánh giá sơ bộ này“, Ủy ban châu Âu cho biết.

Phân tích hàng tháng mới nhất cũng đã nêu bật hiện tượng đất đai ngày càng khô cằn do các đợt nắng nóng liên tiếp ập tới kể từ tháng 5 và tình trạng thiếu mưa kéo dài. Theo báo cáo, hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu kể từ đầu năm đến nay và tiếp tục mở rộng, trở nên tồi tệ hơn vào đầu tháng 8.

Nhiều nước châu Âu đã phải đối mặt với mùa hè nóng bức và khô hạn kỷ lục. Trong đó miền bắc Italy đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua. Sông Po – được ví như “vua của các con sông” và là nguồn nước quan trọng đối với nền nông nghiệp Italy - đã cạn trơ đáy. Nằm ở phía bắc đất nước , hồ Garda có diện tích 369,98 km2, là hồ có điện tích lớn nhất nước, từng nổi tiếng với làn nước xanh biếc – cũng cạn khô khi mực giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Nước Pháp cũng hứng chịu hạn hán tồi tệ nhất lịch sử. Nhiệt độ tăng cao khiến lượng nước trong ao hồ bốc hơi nhiều hơn, mực nước sông giảm xuống, trong lúc nhu cầu tưới tiêu tăng lên trước vụ mùa sắp tới. Quốc gia này cũng bị tàn phá bởi những trận cháy rừng diện rộng và lòng sông Loire khô cằn đến mức có thể đi bộ qua.

Trong khi đó, mực nước sông Rhine ở Đức đã giảm mạnh làm tê liệt các hoạt động giao thương thiết yếu và thuyền bè bị mắc cạn.

Ở Serbia, chính quyền đã phải nạo vét sông để giữ cho các tuyến đường sông được khai thông.

Hậu quả nghiêm trọng

Báo cáo cho biết đợt hạn hán này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến năng suất cây trồng, gây cháy rừng nghiệm trọng, đặt ra các cảnh báo về sức khỏe. Theo Ủy ban châu Âu (EC), tình trạng này có thể kéo dài nhiều tháng tại một số vùng phía nam của châu Âu.

EU dự báo sản lượng ngô, ngũ cốc sẽ giảm 16%, đậu tương giảm 15% và hoa hướng dương giảm 12% so với mức trung bình của 5 năm trước đó. Bà Mariya Gabriel, Ủy viên phụ trách nghiên cứu, văn hóa, giáo dục của EC, cho biết sự kết hợp giữa hạn hán nghiêm trọng và các đợt nắng nóng đã tạo ra áp lực chưa từng thấy đối với mực nước trên toàn EU. Báo cáo cho biết gần như tất cả các con sông ở châu Âu đã khô cạn ở một mức độ nào đó.

Ngoài ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của tàu thuyền, các dòng sông khô cạn cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng vốn đang gặp khủng hoảng. Theo báo cáo, sản xuất thủy điện đã giảm đáng kể 20%.

Nhiều nhà sản xuất năng lượng khác do thiếu nước cho hệ thống làm mát. Mực nước thấp trong các sông cũng gây cản trở vận chuyển hàng hóa đường sông, đặc biệt là vận chuyển dầu và than.

Nhiệt độ kỷ lục ở châu Âu trong mùa hè này cũng đã buộc hàng nghìn người phải sơ tán và khiến hàng trăm người tử vong vì nắng nóng. Nắng nóng cũng đã làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng, có sức tàn phá nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây.

Ủy viên Gabriel cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi hiện đang nhận thấy một mùa cháy rừng cao hơn mức trung bình và tác động lớn đến sản xuất cây trồng. Biến đổi khí hậu chắc chắn là đáng lưu tâm hơn mỗi năm”.

Thời tiết khắc nghiệt đang làm tăng gánh nặng cho EU trong bối cảnh các nước thành viên đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng để chuẩn bị cho một mùa đông lạnh giá, đối phó với việc Nga cắt giảm nguồn cung.

Ở Anh, hạn hán đã xảy ra ở một số vùng khiến cây cối đã héo úa, lá rụng nhiều. Trên đường phố nước, tiếng lá khô giòn và những tán cây rực đỏ có thể khiến nhiều người tưởng rằng mùa thu đến sớm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự thay đổi này là bất thường và gọi đây là hiện tượng “mùa thu giả".

Các chuyên gia dự báo tình trạng thời tiết này có thể sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 11 năm nay dọc theo vùng Địa Trung Hải của châu Âu. Báo cáo cho rằng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn ở các quốc gia bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Romania, Hungary, bắc Serbia, Ukraine, Moldova, Ireland và Anh.

Nguồn: Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT, Reuters, CNBC, BBC)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >