CHIẾC ÁO GIÁP MANG TÊN HỆ MIỄN DỊCH

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
10/02/2020 | 06:36
Chuyên mục: Thế hệ trẻ
0 bình luận
CHIẾC ÁO GIÁP MANG TÊN HỆ MIỄN DỊCH

Trong bối cảnh thế giới đang đối phó dịch viêm phổi Vũ Hán, tiến sĩ Phạm Trường Sơn đã có những chia sẻ với PV Thanh Niên xung quanh virus Corona mới (nCoV) này.

Phạm Trường Sơn (40 tuổi) là tiến sĩ hóa dược gốc Việt, nguyên nghiên cứu viên tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary, nổi tiếng qua nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm thảo dược giúp tăng sinh tế bào gốc trong hỗ trợ điều trị ung thư.

Trong bối cảnh thế giới đang đối phó dịch viêm phổi Vũ Hán, tiến sĩ Phạm Trường Sơn đã có những chia sẻ với PV Thanh Niên xung quanh virus Corona mới (nCoV) này.
Ông có thể giải thích về nguồn gốc virus Corona mới (nCoV) gây viêm phổi Vũ Hán?

Corona nghĩa là vương miện, để chỉ cấu trúc khi nhìn qua kính hiển vi của nhóm virus, bao gồm cả cảm cúm thông thường và các bệnh nghiêm trọng hơn như hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).

Trong đó, nCoV (Novel CoronaVirus) là tên gọi của một chủng mới chưa được xác định trước đây ở người được phát hiện tại Trung Quốc. Virus nCoV được cho là có cấu trúc gien giống virus ký sinh ở dơi được phát hiện năm 2017. Nôi của tâm dịch là chợ đầu mối hải sản và buôn bán động vật hoang dã Hoa Nam ở TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Những người bệnh đầu tiên từng mua bán tại đây và dấu tích chứng minh sự tồn tại của virus cũng được tìm thấy tại khu chợ này.

Kháng sinh có dùng để điều trị bệnh này hay không? Đã có thuốc đặc trị cho bệnh này chưa?

- Virus và vi khuẩn là hai khái niệm khác nhau. Vi khuẩn là vi sinh vật có thể tồn tại và phát triển độc lập bên ngoài vật chủ, trong khi virus chỉ tồn tại bên trong tế bào sống của sinh vật khác. Vì vậy, kháng sinh chỉ dành cho bệnh liên quan đến vi khuẩn, nhưng không tác dụng cho virus. Tuy nhiên, có thể trong thời gian điều trị virus, hệ miễn dịch người bệnh suy yếu dễ bị lây nhiễm chéo bởi vi khuẩn, nên bác sĩ điều trị có thể kết hợp thêm kháng sinh, tuy nhiên không được dùng tùy tiện.

Hiện tại, chưa có thuốc đặc trị cho nCoV, các thuốc dành cho dòng cúm khác không có tác dụng. Một số tín hiệu tích cực từ Thái Lan và Mỹ khi dùng thuốc điều trị bệnh HIV/AIDS là Kaletra kết hợp với các hoạt chất kháng virus như lopinavir, ritonavir, oseltamivir… cho kết quả khả quan. Mới nhất là thuốc Remdesivir dùng trong điều trị Ebola được cho rằng có tác dụng tốt nhất với virus nCoV, giúp người bệnh phục hồi chỉ sau một ngày dùng. Dù chưa có đầy đủ các kiểm nghiệm lâm sàng bắt buộc, nhưng trong tình trạng nguy cấp, Remdesivir có thể sẽ được bỏ qua rào cản để sớm đưa vào sử dụng.

Phương pháp điều trị hiện tại là người bệnh bị cách ly, chủ yếu điều trị giảm triệu chứng. Ăn uống đầy đủ và chờ hệ miễn dịch của cơ thể tự tiêu diệt virus. Người già yếu, người có tiền sử bệnh phổi, bệnh ung thư, người có tiền sử các bệnh mãn tính, người có hệ miễn dịch kém cần phải tránh tiếp xúc nguồn bệnh.

Tiến sĩ Phạm Trường Sơn (hàng đứng, thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp Hungary tham gia hội thảo tại Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

- Hiện nay, các nhà khoa học Hồng Kông đã phát triển được vắc xin song sẽ cần nhiều thời gian để thử nghiệm. Theo ông, dự kiến trong thời gian bao lâu thế giới sẽ có vắc xin nCoV?

Không chỉ Hồng Kông mà rất nhiều nơi đang có những tín hiệu đáng mừng, như tại Pháp, Nhật Bản đã cô lập thành công chủng virus mới để nghiên cứu thuốc chữa trị và vắc xin. Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Frédéric Tangy tại Viện Pasteur (Pháp), người có kinh nghiệm nghiên cứu về SARS và MERS, có phương pháp mới khá hứa hẹn để cho ra vắc xin nhanh hơn trước đây bằng cách ghép gien của virus mới vào virus sởi đã bị làm yếu đi. Chúng ta có niềm tin trong 6 tháng đến 1 năm sau vắc xin mới sẽ được đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, việc tìm ra vắc xin hiệu quả cho dòng virus Corona sẽ không dễ dàng. Bởi hầu hết các sinh vật mã hóa thông tin di truyền bằng DNA có cấu trúc bền vững nên ổn định, trong khi đó virus Corona di truyền bằng RNA (Ribonucleic acid) nên rất dễ thay đổi. Thực tế cho thấy vẫn chưa có vắc xin hữu hiệu cho SARS dù đã hơn 17 năm trôi qua. Vì vậy trước khi trông chờ vào vắc xin, chúng ta hãy tự bảo vệ cho chính mình.

Liệu có biến thể nCoV khác sau thời gian nữa hay không, thưa ông?

Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, vì dòng virus Corona di truyền bằng RNA. Chúng ta thấy cúm mùa luôn có biến thể mới nên vắc xin cũng phải luôn được thay đổi để có tác dụng.

Yếu tố nào tác động và làm suy yếu nCoV?

- Nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng có thể làm suy yếu và rút ngắn thời gian tồn tại của virus. Lấy kinh nghiệm từ SARS, nếu môi trường ngoài vật chủ nhiệt độ thấp dưới 25 độ C, virus có thể tồn tại được 4 - 5 ngày, nhưng ở nhiệt độ cao trên 30 độ C và độ ẩm trên 90% thì rút ngắn thời gian tồn tại của virus chỉ vài tiếng thậm chí vài phút, đặc biệt là ánh nắng mặt trời. Vì vậy, chúng ta nên ở nơi thông thoáng có nắng và không bật điều hòa trong giai đoạn có dịch.

Trong thời gian chờ đợi vắc xin, ông có lưu ý gì về cách phòng bệnh hiện nay?

Hiệu quả nhất là tránh các đường lây bệnh bằng cách:

- Vệ sinh tay sạch sẽ thường xuyên bằng xà phòng, nước sát trùng nhiều lần trong ngày.
- Đeo khẩu trang y tế 3 lớp, thay hoặc vệ sinh khẩu trang hằng ngày.
- Tránh đám đông.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã dù sống hay chết.
- Tự cách ly 14 ngày nếu đi từ vùng dịch hay tiếp xúc với người bệnh.
- Ở nơi thông thoáng, nhiệt độ trên 25 độ C (kinh nghiệm từ dịch SARS).
- Nâng cao hệ miễn dịch bằng cách ăn uống, sinh hoạt, tập luyện điều độ. Bổ sung vitamin khoáng chất và các loại thảo dược tăng miễn dịch.

Điều quan trọng là cần phải nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của việc ăn thịt động vật hoang dã. SARS bắt nguồn từ cầy hương ở Trung Quốc, MERS từ lạc đà ở Trung Đông, HIV bắt nguồn từ khỉ... cho chúng ta thấy mối nguy hiểm của việc ăn thịt động vật hoang dã. Vì vậy, việc giết mổ ăn thịt vừa gây cạn kiệt thiên nhiên vừa dễ gây mầm bệnh. Chúng ta ngày nay không còn thiếu thốn đạm để phải ăn thịt động vật trong rừng. Đây là hành động không còn phù hợp thế giới văn minh thế kỷ 21, cần phải lên án và loại bỏ.

Theo tiến sĩ Phạm Trường Sơn, sự ấm dần của trái đất làm tan băng sẽ làm hồi sinh nhiều chủng virus, vi khuẩn mới, cùng với di chuyển toàn cầu nhanh chóng, trong tương lai nhân loại sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh mới mà khoa học không điều chế thuốc kịp thời. Áo giáp giúp chúng ta chống lại bệnh tật hữu hiệu nhất chính là hệ miễn dịch. Hãy bảo vệ và tăng cường nó, chúng ta sẽ vượt qua bệnh dịch.

Vài nét về tiến sĩ Phạm Trường Sơn

*Năm 1999, Phạm Trường Sơn được Bộ Giáo dục - Đào tạo cử đi học tại Trường đại học Kỹ thuật - Kinh tế Budapest, Hungary.
*Năm 2006, cùng lúc nhận hai bằng thạc sĩ hóa dược và hóa phân tích loại xuất sắc, Sơn được nhận học bổng nghiên cứu sinh tại trường. Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của *Sơn được chọn là luận văn tốt nghiệp xuất sắc toàn khóa do Tập đoàn thuốc Sanofi-Aventis trao tặng.
*Năm 2007, Sơn nhận giải đặc biệt khi vượt qua 148 thí sinh, giành số điểm tuyệt đối tại cuộc thi nghiên cứu khoa học danh tiếng lần thứ 28 dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh toàn nước Hungary, do Bộ Giáo dục Hungary tổ chức 2 năm một lần.
*Năm 2008, Sơn được trao giải nhất tại hội nghị hóa học quốc tế tổ chức tại Romania.
*Năm 2010, Sơn trúng tuyển làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary.
*Năm 2015, Sơn cùng các đồng nghiệp thành lập hãng dược phẩm công nghệ cao Navita với sản phẩm tăng sinh tế bào gốc nội thân.

Nguồn: Thanhnien.vn - Châu Yên

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan