Chính phủ Đức sẽ tiếp tục làm gì trước làn sóng tị nạn?
Trong bối cảnh địa chính trị ngày càng diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới, nước Đức vẫn còn phải đương đầu với những thách thức do làn sóng tị nạn gây ra.
Từ tháng 1 đến tháng 9.2023, đã có 251.213 đơn tị nạn được nộp ở Đức, con số này vượt quá cả tổng số đơn tị nạn của cả năm 2022. Đấy là chưa kể con số những người tị nạn còn „chưa kịp“ nộp đơn và ngoài ra còn có khoảng 1 triệu người tị nạn từ Ucraina vào Đức không cần phải đệ đơn xin tị nạn.
Thủ tướng Olaf Scholz đã phải tuyên bố tại hội nghị của Đảng đoàn SPD tại Quốc hội cách đây 2 tuần rằng: „Có quá nhiều người vào đây bằng con đường không hợp pháp. Nhiệm vụ của chúng ta là hạn chế điều này.“ Vấn đề nhập cư cũng là một vấn đề lớn được bàn thảo tại Hội nghị Thủ hiến các bang của Đức vào giữa tháng 10.2023 tại Frankfurt. Dự kiến, ngày 6.11.2023 Thủ tướng Scholz sẽ lại gặp gỡ các Thủ hiến bang để tiếp tục trao đổi về vấn đề làn sóng tị nạn.
Xu thế chung của các bang là giờ đây liên bang phải gánh chịu lâu dài chi phí phát sinh do làn sóng tị nạn vì các bang và địa phương thực sự đã quá tải.
Trên cơ sở thực tế đó, Chính phủ liên bang và các địa phương đang nghiên cứu đề xuất những biện pháp nhằm giảm bớt con số những người tị nạn, trong đó có:
- Cắt giảm những chế độ của người tị nạn để họ bớt nghĩ rằng „nước Đức là thiên đường của những người tị nạn“, cụ thể là giảm bớt việc cấp tiền mặt và thay vào đó là hiện vật hoặc „tem phiếu“;
- Tạo điều kiện cho những người tị nạn sớm có việc làm;
- Các địa phương cần giao nghĩa vụ cho những người tị nạn đi làm những việc công ích;
- Xúc tiến nhanh thủ tục trục xuất và hồi hương đối với những người tị nạn;
- Tăng cường kiểm tra ở biên giới – đặc biệt là biên giới với Balan.
- Tăng thời gian tạm giam để trục xuất từ 10 ngày lên 28 ngày để các cơ quan chức năng đủ thời gian giải quyết dứt điểm thủ tục trục xuất;
- Nhập cư và lưu trú trái phép cũng đủ là lý do để trục xuất;
- Những người phạm tội cần phải được trục xuất nhanh hơn và cương quyết hơn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bà Nancy Faeser đã đưa ra „một gói những biện pháp trục xuất“ và hy vọng rằng những biện pháp này sẽ được thực hiện trong năm nay.
Trong chuyến công du châu Phi trong những ngày này, Thủ tướng Olaf Scholz và Bộ trưởng Nội vụ liên bang Nancy Faeser đã nỗ lực vận động để ký kết một Hiệp định nhập cư với châu Phi, tăng cường hỗ trợ về kinh tế và đào tạo thông qua tổ chức GIZ và qua đó tạo điều kiện lập nghiệp cho những người hồi hương, tăng cường nhận những lao động có tay nghề và giảm thiểu số lượng người tị nạn trái phép. Nhưng đây mới chỉ là mong muốn về mặt lý thuyết.
Nguồn: Nguyễn Đức Thắng - Tổng hợp theo báo chí Đức
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *