CÔ GIÁO URSULA - Văn Tất Thắng, Chemnitz
Người dạy tiếng Đức cho đội tôi hồi mới sang là cô giáo Ursula. Theo hợp đồng lao động, chúng tôi được học 200 tiết trước khi bắt tay vào làm việc.
Buổi học đầu tiên, cô run run nói: "Đời tôi chưa hề dạy một lớp nào mà học sinh lớn tuổi thế này... các anh chị giúp tôi với nhé!" Anh phiên dịch chuyển ngữ, cả lớp cười vui vẻ.
Nhìn cô Ursula tôi cứ ngẩn người vì cô có vài điểm hơi giống mẹ tôi: Đôi môi cắn chỉ, nếp nhăn mềm mại tô đậm trên cả gương mặt phúc hậu, dáng thấp, mông to, và đã về hưu. Nhưng cô hiện đại. Cô sôi nổi chuyện, cô nhảy Tapdance, gót giầy và mũi giầy của cô như bàn tay người vỗ trống điêu luyện, chạm vào sàn gỗ phát ra những âm thanh tuyệt diệu lôi cuốn.
Thời gian học tiếng Đức xen kẽ vài buổi tham quan kết thúc. Chúng tôi được nhận Zeugnis, hầu hết cả đội đều được cô phê „Sehr gut“-trên cả giỏi. Cô bảo với ông trưởng phòng đào tạo nhà máy: Chúng nó sang đây làm công nhân kiếm tiền chứ có làm Tiến sĩ đâu mà cần sát hạch chất lượng. Học thế là chúng nó đủ để giao tiếp, đi mua đi bán rồi.
Đoạn đường từ chỗ tôi ở đến nhà máy thẳng như chiếc thước kẻ, điểm giữa là khu nhà biệt lập quay mặt vào rừng thông của gia đình cô Ursula.
Những ngày đẹp trời đi làm tôi thường đi bộ, lần nào đi qua khu nhà cũng gặp cô đang lúi húi làm vườn. Cô nhìn thấy tôi là hua hua bàn tay lấm, tôi cũng vẫy lại cô kèm câu chào „schön guten Tag!“ thật to.
Có lần cô chặn tôi lại chỉ người đàn ông đứng bên có dáng vẻ dân dã, giới thiệu: Chồng tôi đây. Chúng tôi học cùng tiểu học, rồi lại về trường cũ dạy học, rồi lấy nhau, rồi ông ấy là hiệu trưởng cho đến lúc về hưu còn tôi về hưu vẫn là… cô giáo. Tôi yêu làm vườn còn ông ấy thích sửa chữa nhà.
Vài lần cô mời tôi đến nhà uống trà. Cô có khả năng nói chuyện, kể cả kể chuyện hài với những đối tượng ít từ vựng, nhưng vẫn hiểu và cười như nắc nẻ.
Nửa năm sau. Do đi làm 3 ca đã mệt, lại còn phải toan tính mua mua bán bán nên tôi cũng nhãng thăm cô.
Rồi mùa hè lại tới, tôi lại đi bộ. Từ xa tôi đã nhìn thấy cô, cô đón tôi hào hứng trò chuyện. Thấy tôi liếc đồng hồ, giọng cô nhỏ lại, tư lự một chút rồi bảo: "Này anh bạn, khi tổ tiên cậu đã ngồi uống trà với ấm gốm da lươn thì tổ tiên tôi vẫn đang ăn lông ở lỗ… vậy là sao nhỉ?". Tôi hiểu ý cô giáo so sánh về sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và Đức. Tôi cũng rất tự nhiên coi như một sự trao đổi, bảo: "Người Cro-Manhon là tổ tiên của loài người được tìm thấy ở Châu Phi mà cô… Châu Phi thì cô biết rồi đấy, vẫn đói liên miên". Thấy cô giáo cười ý nhị, đoán cô chưa hiểu hết ý mình nói nên tôi bèn tiếp luôn: "Em lại có một thắc mắc, là tại sao cái ô tô Trabant và Mercedes lại khác xa nhau đến thế hả cô? Mà cùng là người Đức chế tạo ra...?". Tôi không ngờ câu nói ấy của tôi khiến gương mặt cô giáo tôi đột nhiên biến sắc, khắc khổ. Tôi ngại và sợ, tôi nắm lấy bàn tay cô không ngớt lời xin lỗi…
Tôi không đi bộ đến nhà máy nữa, vì tôi sợ gặp cô. Nhưng không lâu sau biến động chính trị, bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất...
Đội tôi hầu hết nhận tiền đền bù mong ngóng ngày hồi hương, chỉ còn tôi và vài người đăng ký ở lại đang cùng một tâm trạng lo lắng cho cuộc mưu sinh tiếp theo.
Một hôm tôi nhặt được tờ rơi quảng cáo tuyển người làm việc ở một thành phố bên Tây Đức. Để xác định đường đi đến đó, rất cần một tấm bản đồ, tôi đến bấm chuông nhà cô giáo hỏi mượn. Cô lập bập dẫn tôi vào nhà: Em định đi đâu? Tôi nói với cô ý định. Cô lắc đầu: Không. Sẽ chẳng có việc gì làm cho em lúc này cả. Em đừng đi đâu, rất nguy hiểm, trên các ga tầu nhiều nhóm thanh niên cực hữu quá khích bài ngoại tấn công…
Tôi quay đi tránh nhìn gương mặt cô biến sắc khắc khổ và cũng không cầm tấm bản đồ trên tay cô đưa nữa…
Mới đấy mà đã gần 1/3 thế kỷ. Cô giáo tôi mất rồi, cô mất ở tuổi 83.
Thưa cô, em luôn nhớ đến cô, một tấm lòng nhà giáo chứa đựng một tâm hồn nhạy cảm nghệ sĩ...
11.11.2021 Văn Tất Thắng
Tác giả
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *