ĐẠI LỄ CẦU SIÊU – HAI MÀU ÁO LÍNH TRONG NƯỚC BIỂN ĐÔNG
"Quí vị là ông, là bà của chúng tôi Quí vị là cha, là mẹ của chúng tôi Quí vị là vợ, là chồng của chúng tôi Quí vị là anh trai, là em gái của chúng tôi Quí vị là con, là cháu của chúng tôi Quí vị đã chiến đấu anh dũng vì đất nước, Quí vị đã hy sinh vì đất nước, xả thân mình và hình hài của quí vị vì đất nước Không phân biệt tôn giáo, trai, gái, màu da Không phân biệt ý thức hệ Chúng tôi rất hãnh diện vì quí vị và đời đời biết ơn quí vị..."
Đó là những lời đầy xúc động trong bài điếu văn, mà Đại đức Thích Thông Đạt, thuộc Tổ Đình chùa Vĩnh Nghiêm tại Sài Gòn, chủ trì buổi lễ, đã xướng lên trong buổi Đại lễ cầu siêu, vào ngày Chủ Nhật, 26.07.2015, tại thủ đô Berlin, trước hơn 100 người tham dự, cùng đại diện chư tăng các chùa Linh Thứu, Từ Ân.
Đại đức đã nói những lời tri ân sâu sắc trước thiện nam, tín nữ. Và khi nhìn quanh, tôi thấy có vài người đã lau nước mắt, khóc thầm.
Trong thời khắc ấy, tôi hình dung thấy biển Đông như đang từng hồi dậy sóng. Theo từng lời kinh tụng nguyện, từng hồi mõ, hồi chuông vang lên trong một buổi chiều trang nghiêm tĩnh lặng. Hồn các quí vị đã siêu thoát, rời khỏi mộ huyệt trong lòng nước lạnh đại dương, bay lên tràn ngập cả không trung, kết thành những vòng linh hồn chói lòa ngũ sắc.
Tôi cũng hình dung thấy hai người chiến sỹ anh em, trong hai màu áo lính, không phân biệt màu cờ, đã ôm nhau cười rạng rỡ, ngạo nghễ nhìn về phía giặc Tàu hung bạo, trong sóng nước biển Đông, thắm màu máu đỏ. Dân tộc ta không hề quên các anh chị. Tổ quốc Việt Nam không hề quên các anh chị. Những đồng đội của các anh chị sống sót trở về, vẫn luôn luôn giữ hình ảnh hiên ngang của các anh chị, hằng ngày và trong từng giấc ngủ.
Trên bàn thờ trang nghiêm đặt tại Lễ đường, khói hương thơm ngát, có gần 200 bài vị được trân trọng ghi tên những người con đã ngã xuống, không riêng gì ở biển Đông, mà ở rải rác khắp các chiến trường, khắp vùng biên giới:
"...Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu, anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành..." (Quang Dũng - Tây tiến)
Đó là những Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Duy Kính, Đoàn văn Thắm, Lê văn Lợi... Đó là Tô văn Hà, Trịnh văn Phú, các Liệt Sỹ Vị Xuyên (Hà Giang), Nguyễn văn Di... Đó là Vũ Hữu Chính, Hoàng văn Định, Nguyễn Hữu Long, Nguyễn Quang Phịch... Đó là Võ Ngọc Liễu, Nguyễn Duy Anh, Đinh văn Chi, Hoàng Cao Táp... Đó là Lê Đức Thịnh, Dương văn Cát, Phạm Ngọc Thanh, Đặng Trần Thanh... Đó là Nguyễn Minh Thái, Lê Phấn Tải, Nguyễn Khắc Hiện, Nguyễn Xuân Trường... Đó là Nguyễn Thành Anh, Võ Duy Song, Nguyễn Nho Thông... Đó là Vũ Hữu Chinh, Nguyễn văn Nguyện..
Đó là 64 chiến sỹ quân đội Việt Nam thống nhất hy sinh tại Gạc Ma năm 1988...
Đó là 75 chiến sỹ quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974...
Và nhiều Anh hùng Liệt sĩ khác nữa...
Tất cả tên ghi trên bài vị đều được Đại Đức Thích Thông Đạt xướng danh, cầu siêu thoát, bày tỏ lòng thương nhớ, biết ơn. Không khí trong Lễ trường trang nghiêm và cảm động.
Trước đó buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức dâng hoa.
Trong tiếng nhạc hùng hồn và bi tráng, hai vòng hoa đẹp tươi thắm, cài dải khăn đen với hàng chữ trắng "Đời đời ghi nhớ công ơn các Anh hùng, Liệt sĩ", được 4 anh, mặc bộ quân phục, đưa vào Lễ đường, đặt trịnh trọng trên sân khấu để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Sau đó khách tham dự nghe bài diễn văn khai mạc ngắn gọn của Trưởng ban tổ chức - ông Dương Xuân Viễn, và bài diễn văn của Đại diện Ban liên lạc CQN và Gia đình TBLS VN tại CHLB Đức.
Tiếp theo là bài trình bày "đầy tâm sự" của ông Trương Văn Địch, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng, đã truyền tải được một nội dung sâu sắc đến người nghe. Ông mồ côi từ thuở nhỏ, vì cả cha và mẹ đều là Anh hùng Liệt sĩ, cùng ngã xuống trong cuộc chiến tranh khốc liệt. Vì thế ông là một trong những người thấm thía được sự cực nhọc cùng thảm cảnh chiến tranh hơn ai hết. Hiểu được thiếu thốn tình cảm và nỗi buồn của cuộc sống mồ côi. Ông lên án chiến tranh, cho chiến tranh chính là thủ phạm đã gây ra chia ly, mất mát và đau khổ.
Ông kêu gọi xây dựng bền vững hòa bình, phản đối chiến tranh, để không còn xảy ra những thảm cảnh mồ côi, cùng những đau khổ trong xã hội, như ông đã gặp phải.
Nghe xong mọi người đã vỗ tay đồng cảm.
Trong tinh thần hoà hợp đó, hôm nay tại thủ đô Berlin chúng ta đã chứng kiến được một bước ngoặc rất đáng tự hào. Ban liên lạc Cựu quân nhân và Gia đình TBLS VN tại CHLB Đức đã tổ chức thành công buổi Lễ kỷ niệm 68 năm ngày TBLS. Tổ chức thành công Đại lễ cầu siêu vong linh các LS đã hy sinh vì Tổ quốc, gây được một điểm son về tinh thần đoàn kết dân tộc, không phân biệt ý thức hệ và màu áo lính. Tất cả những người con đất Việt, dù ở chiến tuyến nào, khi các vị đã hy sinh máu xương thân xác mình cho đại nghĩa dân tộc, đều được tôn vinh, nhớ ơn, trân trọng.
Tác giả Sa Huỳnh (người bên phải)
Lần đầu tiên tôi bồi hồi xúc cảm, khi được nhìn bài vị 64 người chiến sỹ quân đội Việt Nam thống nhất - hy sinh tại Gạc Ma năm 1988 - và bài vị 75 người chiến sỹ quân đội Việt Nam Cộng hòa - hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974, cùng với những vị Anh hùng Liệt sĩ khác, được cùng bày trang trọng trên bàn thờ lễ Phật, đầy dủ nhang khói, mâm quả, kẹo bánh, hoa tươi và nhiều món chay ngon...
Các Anh hùng Liệt sĩ đã được xướng tên giữa mùi trầm hương diệu ảo, trong tiếng chuông mõ ngân vang, hòa nhẹ cùng tiếng trống chiêu hồn... Lời kinh Phật, mà toàn thể mọi người tham dự đã đồng chung tụng niệm, vang lên ấm áp giữa Lễ đường, cầu mong các vị mau siêu thoát, về đây chứng kiến một sự đoàn kết thương yêu và lòng biết ơn vô hạn của tất cả chúng ta.
Sa Huỳnh - Berlin, CHLB Đức, 27.07.2015
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *