Dự báo cuối cùng về cơn bão số 3: Hà Nội cảnh giác với mưa lớn, ngập úng

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
08/09/2024 | 16:40
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
Dự báo cuối cùng về cơn bão số 3: Hà Nội cảnh giác với mưa lớn, ngập úng

Lúc 11 giờ ngày 8/9, Đài khí tượng thủy văn khu vực và Trung du Bắc Bộ phát bản tin XTND-99/11h00/HNOI cuối cùng về cơn bão số 3 trên đất liền.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực và Trung du Bắc Bộ, hiện trạng áp thấp nhiệt đới: Sáng nay (8/9) suy yếu từ cơn bão số 3 thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Hồi 10 giờ, vị trí vùng áp thấp ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây suy yếu và tan dần.

Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới sẽ có mưa lớn: Từ nay đến sáng ngày 9/9, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa các nơi như sau: Các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì: 50 - 100mm. Các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín: 40 - 70mm.

Mưa lớn sẽ làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông; có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường. Mưa lớn có khả năng gây ra sạt lở đất ở vùng đồi núi một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai…

Mực nước sông lên cao nguy cơ xảy ra sạt lở đất ven sông, ngập lụt các vùng trũng sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ và vùng trũng, ven sông một số khu vực thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, quận Long Biên, quận Hà Đông… Lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất ảnh hưởng đến con người, một số khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân. Có thể gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng. Mưa lớn có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.

P/s: Ngay lúc này đây, mong kiều bào ở các Hội đoàn, tổ chức, CLB, doanh nghiệp cũng như các cá nhân, hướng về quê hương, "lá lành đùm lá rách", giúp bà con nơi quê nhà khắc phục hậu quả. Nam Mô A Di Đà Phật.

Nguồn: Viet-bao.de theo Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)Ảnh bìa KTTV: Tin cuối cùng về cơn bão số 3. 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan